Bất bình đẳng giới trong thị trường lao động - Bài cuối: Trao quyền cho phụ nữ

Lê Minh Long 28/09/2022 06:00

Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 đã bộc lộ rõ nét hơn khoảng cách giới vốn đã tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực. Tỷ lệ lao động nữ bị thất nghiệp cao hơn so với lao động nam. Để rút ngắn khoảng cách về giới trước hết cần tạo môi trường bình đẳng về việc làm, thu nhập cho lao động nữ.

Cần sự hành động thực chất của doanh nghiệp trong việc tạo môi trường làm việc bình đẳng cho lao động nữ. Ảnh: Quang Vinh.

Tạo môi trường bình đẳng cho lao động nữ

Đánh giá về công tác bình đẳng giới, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Thị Hà nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại hạn chế trong công tác này. Cụ thể, khoảng cách giới vốn đã tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực thì trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 lại càng bộc lộ rõ nét hơn. Tỷ lệ lao động nữ bị thất nghiệp cao hơn so với lao động nam. Công việc chăm sóc không được trả công của phụ nữ phát sinh nhiều hơn. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19. Số doanh nghiệp (DN) do nữ làm chủ phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh cao hơn so với DN do nam làm chủ. “Vấn đề giới trong bối cảnh Covid-19 mặc dù đã được quan tâm song chưa đáp ứng hết các nhu cầu. Điều này phần nào làm tăng khoảng cách giới trong một số lĩnh vực như lao động việc làm, trong gia đình… ảnh hưởng đến việc thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng như triển khai thực hiện các mục tiêu của chiến lược quốc gia” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Theo ông Dan Rees - Giám đốc chương trình Better Work toàn cầu, cần trao quyền cho lao động nữ thúc đẩy và đảm bảo tuân thủ pháp luật, gia tăng năng suất lao động, tăng lợi nhuận, thúc đẩy đối thoại, cải thiện sức khỏe và mục tiêu học tập, đào tạo cho người lao động và gia đình của họ.

“Khi lao động nữ có tiếng nói trong quá trình đối thoại tại nơi làm việc, tỷ lệ tuân thủ pháp luật cao hơn và điều kiện làm việc trở nên tốt hơn. Khi không còn quấy rối và lạm dụng trong môi trường làm việc, người lao động được hưởng mức độ an sinh cao hơn, còn nhà máy được tăng lợi nhuận. Trong quá trình phục hồi và phát triển sau đại dịch, nhiệm vụ cải thiện bình đẳng giới tại nơi làm việc có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết” - ông Dan Rees nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội, Bộ LĐTB&XH Bùi Tôn Hiến cho rằng, hiện nay tỷ lệ nữ tham gia lao động xã hội liên tục tăng, hiện chiếm hơn 60% tổng số người trong độ tuổi lao động, cao hơn so với nhiều quốc gia. Chính vì vậy, việc tạo ra môi trường làm việc bình đẳng cho lao động nữ có ý nghĩa rất quan trọng.

Cần hành động thực chất của doanh nghiệp

Để có thể “trao quyền” bình đẳng cho lao động nữ, ngoài sự nỗ lực của ngành chức năng theo các chuyên gia rất cần sự đồng hành của DN. Bởi thực tế cho thấy, bảo đảm việc làm cho lao động nữ, tạo điều kiện cho họ có thu nhập để có thể tham gia bảo hiểm xã hội là một trong những mục tiêu của các địa phương trong lộ trình thực hiện an sinh xã hội.

Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hà Nội Bạch Liên Hương, trong quá trình hỗ trợ phục hồi thị trường lao động sau dịch Covid -19, nhóm lao động nữ là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi nghề nghiệp hoặc nâng cao trình độ, chuyên môn. Với những trường hợp nuôi con nhỏ bị ảnh hưởng về việc làm do dịch Covid -19 hoặc có hoàn cảnh khó khăn, họ được ưu tiên thụ hưởng các chính sách an sinh, hỗ trợ sinh kế… Song để rút ngắn khoảng cách về giới trong thị trường lao động, vai trò của DN rất quan trọng.

Chỉ ra vai trò của DN trong việc tạo môi trường làm việc an toàn và bình đẳng cho lao động nữ, ông Lê Quang Bình - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Dịch vụ ECUE cho biết, hiện ECUE đang thực hiện nghiên cứu về bình đẳng giới ở nơi làm việc với sự tham gia của 150 DN, tập đoàn lớn, kết quả cho thấy nhiều DN đang nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, theo ông Bình, các DN mới chỉ quan tâm phần nổi. “DN cần thay đổi các cấu trúc tổ chức đang tạo ra bất bình đẳng cho phụ nữ. Nếu không, dù DN có đạt được các con số đẹp, tạo ra sự bình đẳng giới ở con số thì chỉ là bề nổi, thực tế phụ nữ vẫn chịu phần thiệt thòi” - ông Bình nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bình, việc DN tham gia vào tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội rất quan trọng vì đây không chỉ là trách nhiệm xã hội của DN mà còn giúp DN có một thị trường lao động coi trọng giá trị bình đẳng giới.

Đánh giá về việc triển khai các chính sách dành cho lao động nữ tại công ty, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (Gia Lâm, Hà Nội) Ngô Ngọc Vinh cho biết, ngoài các chế độ, chính sách theo quy định, lao động nữ tại DN còn nhận được sự quan tâm về nhiều mặt. Nhờ đó, DN có được lực lượng lao động tương đối ổn định, tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài.

Dưới góc độ chính sách, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nêu quan điểm, Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 đã điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu theo hướng rút ngắn khoảng cách giữa nam và nữ. Điều này đồng nghĩa, lao động nữ có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu gần hơn so với nam giới.

Ngoài ra, chính sách bảo hiểm xã hội mở rộng đến nhóm lao động làm công việc tự do, tạo điều kiện cho nhiều người tham gia theo hình thức tự nguyện. Việc rút ngắn số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, từ 20 năm hiện nay xuống còn 15 năm, tiến tới 10 năm cũng được các cơ quan chức năng quan tâm trong quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội...

“Chính sách được điều chỉnh phù hợp thực tiễn là yếu tố nền tảng để các bên liên quan mở rộng đối tượng, nâng cao tỷ lệ nữ giới được tiếp cận với các chính sách an sinh nói chung, hưu trí nói riêng” - ông Mạnh khẳng định.

Việt Nam đã gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 7/8 công ước cơ bản, gồm: Công ước số 98 năm 1949 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Công ước số 100 năm 1951 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau, Công ước số 111 năm 1958 về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp, Công ước số 138 năm 1973 về tuổi (lao động) tối thiểu, Công ước số 182 năm 1999 về những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước số 29 năm 1930 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, Công ước số 105 năm 1957 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Hầu hết các công ước đều đề cập đến các quyền của lao động nữ và bảo vệ trẻ em, đồng thời được thể chế hóa trong các quy định của Bộ luật lao động năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất bình đẳng giới trong thị trường lao động - Bài cuối: Trao quyền cho phụ nữ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO