Bất cẩn cũng cần răn đe

Lê Anh Đức 13/10/2017 10:15

Chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng đã liên tiếp xảy ra 3 vụ rò rỉ khí amoniac (NH3) khiến nhiều công nhân phải nhập viện cấp cứu, hàng nghìn người dân phải sơ tán khỏi nơi cư trú, cho thấy sự bất cẩn đến cẩu thả của một số cá nhân, doanh nghiệp, gây lo ngại cho cộng đồng xã hội. Mặc dù trong cả 3 trường hợp rò rỉ khí amoniac đều không có ai thiệt mạng, song đây là những tiền lệ xấu mà dư luận xã hội đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần có ngay biện pháp ngăn chặn, răn đe, tránh để tái diễn.

Mới đây nhất, ngày 10/10, tại TP HCM, một lái xe bồn do bất cẩn đã làm bật đầu nối tiếp khí amoniac vào bồn cố định, khiến cả một vùng rộng lớn bị ô nhiễm với nồng độ đậm đặc loại khí độc chết người. Chính bản thân lái xe và 3 người khác đã bất tỉnh nhân sự tại chỗ, hàng nghìn giáo viên, học sinh và 200 hộ dân xung quanh khu vực đã may mắn được lực lượng cảnh sát PCCC sơ tán kịp thời ra khỏi vùng ô nhiễm, nếu không sẽ khó lường được hậu quả của vụ thoát khí độc amoniac nghiêm trọng này.

Nếu như đây là vụ rò rỉ khí amoniac đầu tiên, hay sau nhiều năm không xảy ra những vụ việc tương tự khiến mức độ cảnh giác lơi lỏng, còn khả dĩ có thể biện hộ cho hành vi bất cẩn đến cẩu thả của lái xe bồn chứa NH3. Song, trước đó chỉ chưa đầy một tuần cũng đã xảy ra vụ rò rỉ khí amoniac tại một khu công nghiệp ở Tiền Giang làm cho những người dân sống quanh khu vực hết sức hoảng loạn. Lâu hơn một chút, vào cuối tháng 5 cũng đã xảy ra vụ rò rỉ khí amoniac tại Công ty TNHH thực phẩm Amanda Việt Nam khiến hàng trăm công nhân phải nhập viện cấp cứu.

Amoniac là một hợp chất vô cơ kết hợp từ hai nguyên tố hóa học là Hidro ở dạng hóa trị 3 và Nitơ ở dạng hóa trị 1 (NH3). Trong tự nhiên, amoniac được sinh ra từ quá trình phân hủy xác sinh vật thối rữa. Amoniac được ứng dụng nhiều trong đời sống hàng ngày và trong công nghiệp nên khả năng ngộ độc loại khí chết người này là rất cao nếu như không cẩn thận trong việc sản xuất, sang chiết và sử dụng. Do đặc tính NH3 nhẹ hơn không khí nên khuếch tán rất nhanh. Khi hít phải, tiếp xúc lâu, nuốt nhầm dung dịch NH3... lập tức bị ngộ độc, mức độ nặng nhẹ tùy theo nồng độ NH3 trong không khí, thời gian tiếp xúc...

Do đặc tính ăn mòn của amoniac nên khi ở trong vùng có khí amoniac nồng độ cao sẽ gây bỏng niêm mạc mũi, cổ họng và đường hô hấp, có thể phá hủy đường thở dẫn đến suy hô hấp. Nồng độ NH3 đậm đặc có thể ảnh hưởng lên giác mạc mắt dẫn đến tình trạng mù tạm thời. Hít nồng độ thấp hơn có thể gây ho và kích ứng mũi họng, kích ứng mắt gây chảy nước mắt. Nếu tiếp xúc trực tiếp với dung dịch amoniac đậm đặc, da, mắt, họng, phổi có thể bị bỏng rất nặng. Những vết bỏng có thể gây mù vĩnh viễn, bệnh phổi hoặc tử vong. Đó là còn chưa kể nếu nuốt nhầm vào trong cơ thể, amoniac sẽ dung hợp với nước trong cơ thể tạo thành amoni hydroxit gây tổn thương tế bào.

Nếu ai còn nhớ những bài giảng hóa học của các thày cô từ hồi cấp 2, cấp 3 thì đều hiểu và ý thức được mức độ độc hại, nguy hiểm của amoniac đối với cơ thể con người. Có rất nhiều hợp chất hóa học mà chỉ cần bất cẩn để thoát ra ngoài không khí, chúng sẽ dung hợp với các nguyên tố có sẵn trong tự nhiên để trở thành các loại “vũ khí hóa học” gây sát thương cao cho cộng đồng xã hội. Nguy hiểm là vậy nhưng có không ít cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị vẫn chưa ý thức được hậu quả nghiêm trọng từ hành vi cẩu thả của mình. Có những người biết quy trình vận hành an toàn nhưng không chấp hành đúng, song cũng có những người thực sự không nắm được quy trình vận hành an toàn do không được chỉ dẫn, đào tạo về những kỹ năng cơ bản khi làm việc, tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại như amoniac.

Đó chính là lý do mà liên tiếp trong vòng chưa đầy 5 tháng đã xảy ra 3 vụ rò rỉ khí amoniac tại các địa phương. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, song hãy thử “đem lên bàn cân” giữa hai việc rò rỉ khí amoniac và xảy ra hỏa hoạn thì cái nào có mức độ nguy hiểm hơn? Chắc chắn việc rò rỉ khí amoniac sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều, bởi nó khuếch tán trong không khí với một bán kính rộng và ảnh hưởng tới cả một cộng đồng dân cư, nếu lực lượng chức năng phản ứng chậm thì sẽ có rất nhiều người bị thiệt mạng. Còn hỏa hoạn nếu chậm ứng cứu thì hậu quả thiệt hại về người sẽ hạn chế hơn rất nhiều so với việc rò rỉ khí NH3.

Nói như vậy không có nghĩa coi thường hỏa hoạn. Đương nhiên khi xảy ra bất cứ sự cố nào, dù là hỏa hoạn hay rò rỉ khí amoniac thì cũng rất cần cơ quan chức năng phản ứng kịp thời, nhanh nhạy để ứng cứu người bị nạn. Song, rõ ràng trong khi có chế tài rất cụ thể đối với cá nhân, đơn vị gây ra hỏa hoạn, thì hành lang pháp lý lại có vẻ đang còn khoảng trống chế tài đối với hành vi làm thoát khí độc ra ngoài xã hội. Nói một cách thẳng thắn thì việc đầu độc một lượng dân cư lớn, trong phạm vi rộng có khác gì hành động khủng bố, chỉ có điều đây là lỗi vô ý chứ không phải là hành động có chủ đích. Cũng giống như trong Bộ luật Hình sự có phân định hai tội danh khác nhau là cố ý giết người và vô ý giết người.

Vậy nên dư luận đòi hỏi phải có hành lang pháp lý để chế tài, xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị để xảy ra thảm họa rò rỉ khí amoniac nói riêng, các hóa chất độc hại nói chung ra môi trường. Có như vậy mới đủ sức răn đe những người khác không còn dám bất cẩn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cẩn cũng cần răn đe

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO