Bất cập công tác phòng, chống cháy nổ tại Hà Tĩnh

Cẩm Kỳ 20/08/2022 08:15

Theo ghi nhận, một số chợ tại khu vực tỉnh Hà Tĩnh công tác phòng chống cháy nổ còn chủ quan, lơ là, nhiều thiết bị, phương tiện chữa cháy còn mang tính hình thức, đối phó.

Dạo quanh các khu chợ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, PV Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại đây còn nhiều bất cập.

Nhiều tiểu thương lơ là công tác PCCC

Ngày 19/8, có mặt tại chợ TP Hà Tĩnh, mới sáng sớm, lượng người tới đây đã khá đông đúc. Để hút khách hàng, các tiểu thương không ngần ngại trưng bày mẫu quần áo, các linh kiện vải, chăn chiếu… tràn ra cả lối đi.

Qua quan sát, công tác PCCC ở đây đang bị buông lỏng, nhiều mặt hàng dễ cháy bày bán lộn xộn, hệ thống điện thắp sáng mắc chằng chịt, bừa bộn, nguy cơ mất an toàn rất lớn.

Tại một số khu vực để hệ thống bình chữa cháy do không được bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ nên có dấu hiệu hoen ghỉ, không thể đóng mở, các thiết bị bên trong liệu có vận hành được hay không thì cũng rất khó kiểm chứng.

Hệ thống bình chữa cháy tại chợ TP Hà Tĩnh do không được bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ nên có dấu hiệu hoen ghỉ.

Ngoài ra, nhiều bình chữa cháy có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng tem kiểm định đã bong tróc, khó có thể biết được hiệu lực còn hay không.

Từ những hình ảnh trên, nhiều người dân khi đi mua hàng phải lắc đầu ngán ngẩm trước nguy cơ hỏa hoạn xảy ra bất cứ lúc nào nếu sự cố chập điện xuất hiện.

Theo thống kê, thời gian qua, nguyên nhân dẫn đến việc hoả hoạn phần lớn là do chập điện. Chỉ một chút bất cẩn trong quá trình sử dụng nguồn điện để chiếu sáng, đun nấu... khi nguồn điện bị chập, tia lửa điện phát ra bén vào các sản phẩm, vật liệu dễ cháy như: xốp, vải, quần áo… ngọn lửa bốc lên, gây cháy nổ là điều khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Thăng Long, Trưởng ban Quản lý chợ TP Hà Tĩnh cho biết, đơn vị thường xuyên nhắc nhở các tiểu thương và bà con nhân dân khi đến mua sắm không sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, không hút thuốc lá và thắp hương, thờ cúng đúng nơi quy định.

Cũng theo ông Long, hàng năm, Ban quản lý chợ cũng ký hợp đồng với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH tổ chức tập huấn. Tuy nhiên, việc quản lý phòng cháy lại phân cấp, giao cho Công an TP Hà Tĩnh thực hiện là chưa phù hợp, bởi còn liên quan đến nghiệp vụ, phương tiện, thiết bị chữa cháy.

Nhiều hộp đựng cuộn vòi chữa cháy, van góc và lăng phun chữa cháy, bình chữa cháy xách tay bị mắc kẹt dưới các gian hàng cố định.

Ghi nhận tại nhiều hộ kinh doanh, buôn bán vàng mã, quần áo, giầy dép và các mặt hàng dễ cháy của chợ Cày (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) rất nhiều hộp đựng cuộn vòi chữa cháy, van góc và lăng phun chữa cháy, bình chữa cháy xách tay bị mắc kẹt dưới các gian hàng cố định.

Chính sự chủ quan, thiếu ý thức tuân thủ các quy định về an toàn PCCC, bày biện, kê hàng hóa che kín các họng nước, dụng cụ, phương tiện cứu hộ, cứu nạn… của một số tiểu thương sẽ khiến công tác PCCC gặp khó khăn nếu như có sự cố hoả hoạn xảy ra.

Ngoài ra, tại dãy nhà A1 được thiết kế tầng 1 dùng để kinh doanh còn tầng 2 và tầng 3 để sinh hoạt, công tác PCCC càng bất cập hơn khi nhiều căn hộ đã tự cơi nới, phá vỡ thiết kế, dùng sắt thép hàn “chuồng cọp” kiên cố nhằm tăng diện tích sử dụng, nhưng lại bịt kín lối thoát hiểm của dãy nhà liền kề.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Đăng Hưng, Ban Quản lý chợ Cày thông tin, đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra tổng thể những hộp chữa cháy trong chợ bị mắc kẹt dưới các gian hàng hoặc không thể đóng mở để sớm có phương án khắc phục.

“Chúng tôi đã phát hiện và nhắc nhở yêu cầu tháo dỡ đối với hơn 10 hộ dân ở dãy nhà A1 khi tự phá vỡ thiết kế hàn khung sắt bịt lối thoát hiểm, tuy nhiên các hộ trên vẫn chưa chịu chấp hành”, ông Hưng nói.

Tiếp tục tuyên truyền đảm bảo an toàn trong PCCC

Những bất cập trong công tác PCCC nêu trên còn tồn tại khá nhiều tại các khu chợ trên địa bàn Hà Tĩnh. Tuy nhiên, những bất cập còn tồn tại chưa kịp xử lý hoặc xử lý chưa triệt để, trước hết là do ý thức, trách nhiệm của tiểu thương, hộ kinh doanh chưa cao.

Hộp đựng cuộn vòi chữa cháy, van góc và lăng phun chữa cháy có dấu hiệu hoen ghỉ.

Bên cạnh đó, vai trò của các cấp có thẩm quyền chưa phát huy, thậm chí, còn buông lỏng quản lý dẫn đến việc phòng, chống cháy, nổ tại các chợ chưa thực hiện đúng quy định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, nhất là trong thời kỳ nắng nóng cao điểm.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân chủ yếu khiến các chợ dân sinh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao là bởi bên trong chợ có nhiều hàng hóa và vật liệu dễ cháy như đệm mút, bông, vải, nhựa, gỗ, giấy…

Bên cạnh đó, việc sử dụng hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo an toàn PCCC. Nhiều chợ chưa được cải tạo, dây dẫn điện cũ hay quá hạn sử dụng chưa phù hợp với tiêu chuẩn... dễ dẫn đến quá tải, chập điện.

Thậm chí, còn xảy ra thực trạng các hộ kinh doanh câu móc điện lung tung, không có aptomat riêng biệt, sử dụng quạt điện, bóng đèn điện dùng dây dẫn cắm trực tiếp vào ổ cắm.

Tại một số chợ còn có hiện tượng đun nấu ngay tại các ki-ốt, sạp hàng gần các mặt hàng dễ cháy. Một số người còn thắp nhang, thờ cúng, hút thuốc ngay tại ki-ốt…

Nhiều bình chữa cháy được xuất xứ từ Trung Quốc nhưng tem kiểm định đã bong tróc, khó có thể biết được hiệu lực còn hay không.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Võ Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua đơn vị đã phối hợp với công an các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn Ban Quản lý các chợ và các tiểu thương về việc chấp hành công tác phòng, chống cháy nổ, không được lơ là, chủ quan.

Cùng với đó, đơn vị cũng đã tổ chức các đợt huấn luyện, diễn tập, xây dựng phương án xử lý các tình huống khi cháy nổ xảy ra.

Đồng thời, tuyên truyền, lập lại trật tự kỷ cương, chấn chỉnh các tiểu thương, nhất là không để hàng hóa lấn chiếm lối đi, che khuất phương tiện, thiết bị phòng, chống cháy.

Nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy, nổ xảy ra tại chợ trên địa bàn, lực lượng chức năng yêu cầu các chợ cần phải duy trì thường xuyên, liên tục công tác PCCC với tinh thần trách nhiệm cao nhất của người dân và người đứng đầu cơ sở.

Đối với những người phụ trách máy móc, kỹ thuật phải có trách nhiệm kiểm tra, bảo dưỡng, kịp thời phát hiện hư hỏng để thay thế, tránh xảy ra cháy, nổ tại các chợ.

Đường dây dẫn điện cũ hay quá hạn sử dụng chưa phù hợp với tiêu chuẩn... dễ dẫn đến quá tải, chập điện.

Có thể thấy, để chủ động phòng, chống và kịp thời ứng phó với các sự cố cháy nổ có thể xảy ra, ngoài sự chủ động, tích cực của lực lượng PCCC và Ban quản lý chợ thì mỗi hộ kinh doanh cần nâng cao ý thức tự giác, thực hiện nghiêm các nội quy, quy định… bởi chung tay đảm bảo an toàn PCCC chợ cũng là để bảo vệ sức khỏe, tài sản của chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập công tác phòng, chống cháy nổ tại Hà Tĩnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO