Bất cập phố đi bộ ở Hải Phòng

Nam Khánh 23/06/2021 06:20

Năm 2018, thành phố Hải Phòng đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng xây dựng công viên, chỉnh trang tuyến đường hai bờ sông Tam Bạc (quận Hồng Bàng), đồng thời xây dựng đề án thí điểm phố đi bộ tại tuyến đường được nâng cấp. Thế nhưng, sau gần 3 năm dự án chỉnh trang đô thị đã hoàn thành, nhưng phố đi bộ vẫn chưa được triển khai.

Phố đi bộ Tam Bạc sau cải tạo được chọn làm phố đi bộ.

Quy hoạch vội vàng?

Cuối năm 2018, UBND thành phố Hải Phòng đã trình HĐND thành phố thông qua “Đề án thí điểm đường phố đi bộ tại tuyến đường hai bờ sông Tam Bạc”. Theo đề án, phố đi bộ là hai đoạn tuyến đường Tam Bạc (dài 1,4 km) và đường Thế Lữ (dài hơn 1,2 km), hai con đường thuộc “Dự án chỉnh trang tuyến đường hai bên sông Tam Bạc”.

Giai đoạn 1 của đề án (năm 2019), phố đi bộ được tổ chức từ 19h ngày thứ 6 đến 23h ngày chủ nhật. Giai đoạn 2 (từ năm 2020), nếu có hiệu quả sẽ tổ chức trong khung thời gian 19h-23h hàng ngày từ thứ 2 đến thứ 5 và từ 19h ngày thứ 6 đến 23h ngày chủ nhật.

Thành phố Hải Phòng kỳ vọng tuyến phố đi bộ Tam Bạc sẽ sầm uất, đem lại những giá trị to lớn về tinh thần cho người dân đất Cảng chẳng thua kém những phố đi bộ Hà Nội hay TP HCM đã thực hiện. Tại đó sẽ có khu ẩm thực, các cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ cùng với không gian văn hóa, nghệ thuật như phòng tranh, phòng nghe nhạc, đồ cổ, phố sách… Không chỉ vậy, tuyến phố còn khai thác dịch vụ du lịch trên sông Tam Bạc kết nối các tuyến du lịch khác của Hải Phòng.

Thành phố đã đầu tư kè hai bờ sông để mở rộng mặt đường, làm vỉa hè cho các tuyến đường Tam Bạc, Thế Lữ. Những khu nhà “ổ chuột” hai bên được giải phóng mặt bằng, tái định cư tại chỗ và biến thành những dãy phố mới khang trang hướng ra sông Tam Bạc thơ mộng.

Để “chơi lớn”, thành phố Hải Phòng còn đầu tư các hạng mục như thả thiên nga và một số loại khác trên sông Tam Bạc; thiết kế hệ thống cây xanh tạo bóng mát, cảnh quan trên đường Tam Bạc, Thế Lữ; lắp đặt cổng chào, vỉa hè, lan can và hệ thống âm thanh, ánh sáng.

Trong giai đoạn tiếp theo, thành phố còn tiếp tục chỉnh trang đường Chương Dương cũ và cải tạo, nạo vét lòng sông, kè sông đoạn đường Chương Dương nhằm tạo cảnh quan và điểm nhấn cho phố đi bộ…

Tuy nhiên, đã gần 3 năm kể từ khi đề án được thông qua, viễn cảnh về phố đi bộ sầm uất nhưng cũng đầy thơ mộng của Hải Phòng vẫn xa vời. Mặc dù các hạng mục chính của dự án đã được triển khai như đề xuất, nhưng tuyến phố đi bộ đầu tiên của thành phố vẫn chưa thành hiện thực.

Không phù hợp, thiếu bản sắc

Theo đề xuất của UBND thành phố Hải Phòng, sau khi làm xong kết cấu hạ tầng hai tuyến phố đi bộ, thành phố sẽ giao cho Sở Du lịch và quận Hồng Bàng thực hiện. Thế nhưng dù đã đôn đốc nhưng muốn thành công, phố đi bộ cần rất nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất là kết cấu hạ tầng phải phù hợp. Yếu tố thứ 2 là vai trò của người dân và du khách tham gia vào phố đi bộ (yếu tố này chiếm đến 70% thành công xây dựng phố đi bộ).

“Đến phố đi bộ phải xem gì, ăn gì, chơi gì, giao lưu văn hóa thế nào để thể hiện vai trò của người dân vào phố đi bộ, điều này Hải Phòng chưa làm được, chưa có. Phố đi bộ chưa có các nhà hàng ăn uống, giải trí, mua sắm... Phố đi bộ mới chỉ có phần kết cấu xây dựng”, một lãnh đạo Hải Phòng cho biết.

Có lẽ, một trong những nguyên nhân khiến việc xây dựng phố đi bộ của thành phố Hải Phòng “giậm chân tại chỗ” là do việc lựa chọn địa điểm tổ chức không gian phố đi bộ tại hai bên bờ sông Tam Bạc chứ không phải dải vườn hoa trung tâm vốn có.

Từ xưa đến nay, dải vườn hoa trung tâm thành phố với không gian mở được các chuyên gia quy hoạch đánh giá rất phù hợp tổ chức phố đi bộ. Ở đó có những công trình kiến trúc ghi dấu tích chiều dài lịch sử, văn hóa nơi đây như đền thờ, tượng đài nữ tướng Lê Chân - người được suy tôn “thành hoàng” đất Cảng; Nhà hát lớn - một trong 3 nhà hát được người Pháp xây dựng tại các đô thị Việt Nam. Giữa dải vườn hoa là Trung tâm Triển lãm và Mỹ Thuật, Nhà kèn, là những địa điểm thường xuyên có các hoạt động giao lưu văn hóa của thành phố.

Dải vườn hoa trung tâm có hồ Tam Bạc, 4 công viên cây xanh với Quảng trường Nhà hát lớn không chỉ là địa danh lịch sử, ghi dấu ấn thành phố mà còn là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động mít tinh, biểu diễn văn nghệ và vui chơi giải trí vào dịp kỉ niệm những ngày lễ lớn.

Cùng với đó là các tuyến phố Quang Trung - Trần Hưng Đạo, Trần Phú - Nguyễn Đức Cảnh “bao bọc” dải vườn hoa trung tâm. Đây là những tuyến phố có tính di sản đô thị và thương mại với hàng nghìn cửa hàng buôn bán từ đồ lưu niệm, hàng tiêu dùng xa xỉ, cao cấp đến dịch vụ phục vụ du khách.

Là “chợ mở” đa dạng hình thức kinh doanh lớn nhất thành phố Hải Phòng và là không gian “thư giãn” của người địa phương từ nhiều năm nay. Dù đủ điều kiện quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố đi bộ gắn với phát triển thương mai, du lịch đô thị nhưng các tuyến phố này lại không được chọn.

Dải vườn hoa trung tâm được quy hoạch làm phố đi bộ sẽ giúp Hải Phòng phát triển và đa dạng sản phẩm du lịch, đồng thời bảo tồn, duy trì được di sản văn hóa đô thị, thu hút được người dân và du khách đến vui chơi thường xuyên. Tuy nhiên, thành phố Hải Phòng lại đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng chỉnh trang khu phố Thế Lữ và một đoạn sông Tam Bạc. Xây dựng công viên Tam Bạc tại khu vực không phải nét đặc trưng và có ưu thế cảnh quan, kiến trúc đẹp, hấp dẫn, giàu tính văn hóa lịch sử dưới hình thức chỉnh trang đô thị rồi đề xuất làm phố đi bộ. Điều này sẽ khó hấp dẫn người dân và du khách đến với phố đi bộ, không làm tăng thêm sản phẩm du lịch đô thị cho Hải Phòng, khó thành công trong việc xây dựng phố đi bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất cập phố đi bộ ở Hải Phòng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO