Bất chấp đe dọa, du khách vẫn kéo tới đảo Guam

Linh Chi 18/08/2017 09:30

Trong lúc mà tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đã đẩy hòn đảo xinh đẹp trên vùng biển Thái Bình Dương vào tình thế có thể bị tấn công bất cứ lúc nào, dòng du khách tới đảo Guam dường như vẫn không mảy may quan tâm đến điều đó khi tấp nập đổ đến đây trong kỳ nghỉ lễ.

Du khách tới đảo Guam trong tháng 7 đã phá vỡ kỷ lục trong 20 năm qua. (Nguồn: CNN).

Du khách vẫn tăng

Trên bờ biển Tumon của đảo Guam, Duhyun Na cùng bạn bè của cô bước xuống nước cùng điện thoại di động để chụp ảnh selfie. Chuyến bay của họ vừa hạ cánh nhưng những du khách này vẫn muốn bỏ chút thời gian để ngắm nhìn bờ biển trước khi trở về khách sạn nghỉ ngơi trong chuyến đi dài 5 ngày.

Đi nghỉ tới đảo Guam trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay, khi mà hòn đảo này đang là tâm điểm trong cuộc khẩu chiến đe dọa lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên, dường như là một quyết định kỳ lạ đối với nhiều người.

Nhưng Na cùng bạn bè tỏ ra không mấy quan tâm tới tình hình căng thẳng đó, bởi họ là những du khách đến từ Hàn Quốc. "Triều Tiên lúc nào cũng đe dọa Hàn Quốc. Điều đó không có nghĩa lý gì với chúng tôi cả", Na nói với hãng tin Reuters.

Người dân Hàn Quốc đã từng phải trải qua một số vụ pháo kích mà người hàng xóm phương Bắc của họ gây ra sau cuộc chiến Liên Triều năm 1953. Truyền thông Triều Tiên ngày nay cũng thường xuyên nhắc tới các kế hoạch biến thủ đô Seoul của Hàn Quốc thành "biển lửa".

Những du khách như Na và bạn bè cô là một trong số những nhân tố chính đóng góp cho nền kinh tế của đảo Guam, và phần còn lại là nhờ quốc phòng.

"Kinh tế của đảo Guam dựa trên 2 thứ: Chúng tôi rao bán cảnh đẹp thiên đường và chúng tôi rao bán vị trí chiến lược" - ông George Charfauros, cố vấn An ninh Nội địa của đảo Guam, cho hay - "Đó là một sự cân bằng. Chúng tôi cần duy trì sự cân bằng đó, không cho phép 1 trong 2 điều này áp đảo".

Được biết khoảng 40% nền kinh tế của đảo Guam dựa vào nguồn lợi từ quân đội, hiện đang vận hành các căn cứ có vị trí quan trọng và sở hữu tới 1/3 diện tích hòn đảo này.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp du lịch mới chính là sức sống và cần câu cơm của những người dân trên đảo. Trong tháng 7 vừa qua, đảo Guam đã phá vỡ kỷ lục về lượng du khách mà nó tiếp nhận trong suốt 20 năm qua - hơn 130.000 người - chỉ trong vòng 1 tháng, theo Cơ quan Du khách Guam.

Du khách đóng góp cho đảo Guam khoảng 1,6 tỷ USD mỗi năm, trong khi ngân sách quốc phòng liên bang đóng góp khoảng 2 tỷ USD. Rất nhiều du khách thăm đảo là các gia đình từ khắp khu vực châu Á, họ tìm kiếm bờ biển đẹp, nước biển ấm áp và một khoảng thời gian sống rảnh ràng trên một hòn đảo.

Thời gian gần đây, chính quyền các nước đã thể hiện rõ sự quan ngại về tình trạng cẳng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên có thể khiến cho du khách quốc tế không muốn lựa chọn đảo Guam làm điểm đến du lịch nữa.

Nhưng trong vài ngày gần đây, tình trạng căng thẳng đã có dấu hiệu suy giảm. Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, các tướng lĩnh nước này đã hoàn tất kế hoạch tấn công vào vùng biển ngoài khơi đảo Guam, nhưng lãnh đạo Kim Jong-un vẫn chưa ra chỉ thị để chờ động thái tiếp theo của Mỹ.

Nhưng cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra trong tuần tới có thể lại làm bùng phát tình hình căng thẳng.

Jon Nathan Denight, Giám đốc điều hành Cơ quan Du khách đảo Guam, nói rằng đến nay họ vẫn chưa thấy tín hiệu số lượng du khách tới đảo giảm, nhưng cũng đang theo dõi sát sao tình hình hoạt động tại các văn phòng của họ ở Nhật Bản và Hàn Quốc - 2 nguồn chính thu hút du khách.

"Du lịch là một ngành công nghiệp hết sức cạnh tranh" - ông Denight nói - "Suy nghĩ của người dân có thể bị ảnh hưởng bởi các thông tin tiêu cực".

Ảnh hưởng từ quân sự

Chính quyền đảo Guam trong mấy ngày gần đây từng nhấn mạnh rằng mức độ đe dọa đối với hòn đảo này chưa thay đổi, nhưng giới chức vẫn hết sức lo ngại rằng ngành du lịch của họ sẽ bị ảnh hưởng, không sớm thì muộn.

"Nếu như lịch sử lặp lại và điều này tiếp diễn, chúng tôi sẽ hết sức lo ngại" - Thống đốc đảo Guam, Eddie Baza Calvo, nói trong một cuộc họp báo - "Chiến dịch Desert Storm (Cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1991) từng ảnh hưởng đến du lịch đảo Guam mặc dù chúng tôi không hề ở Trung Đông... ngay cả dịch SARS trước kia cũng khiến số lượng du khách tới Guam suy giảm".

Và những người dân trên đảo đang làm việc trong ngành du lịch và các ngành nghề liên quan cũng tỏ ra quan ngại rằng tình trạng căng thẳng có thể khiến du khách không đến đây nữa, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói trong một cuộc điện đàm với ông Calvo rằng du lịch đảo Guam sẽ "tăng gấp 10 lần" do lên nhiều mặt báo quốc tế.

"Chúng tôi cần du lịch để vận hành đảo Guam trơn tru" - Jodiann Santos, người làm việc tại Viện bảo tàng đảo Guam, nói.

Lạc quan và lo lắng

Tại bờ biển Tumon, một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất trên đảo Guam, hàng loạt du khách người Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiếp tục tham gia nhiều hoạt động vui chơi giải trí, trong đó gồm lặn biển. Edwin Cruz, một người dân trên đảo đã làm việc trên bãi biển này suốt 17 năm, cho hay ông không hề lo ngại về mối đe dọa tên lửa.

Ông Cruz, 59 tuổi, cho hay ông cũng không nhận thấy có sự thay đổi về số lượng du khách đến đây và cũng không nghĩ rằng họ sẽ ngừng tới đảo Guam - đặc biệt là du khách Hàn Quốc, nước có số lượng du khách tới đây tăng tới 25% trong tháng 7.

"Họ đã quá quen với điều đó" - ông Cruz, người làm việc tại khu du lịch ISA Aqua Sports, nói - "Nếu như họ không lo lắng về mối đe dọa, tôi nghĩ rằng họ không nên lo lắng khi tới đây".

Nhưng không phải ai trên đảo Guam cũng có thái độ lạc quan như ông Cruz. Marino John, một nhân viên 24 tuổi làm việc tại một quán bar bờ biển gần khu nghỉ dưỡng Dusit Thani, nói rằng bản thân khá lo lắng về tình hình hiện tại. "Tôi cảm thấy khá lo lắng về mối đe dọa vừa qua", John nói.

Cơ sở hạ tầng trên đảo Guam phần lớn là để phục vụ cho các du khách đến nơi này, như Na và bạn bè cô. Các biển báo viết bằng tiếng Hàn Quốc có thể được tìm thấy ở nhiều trạm xe buýt và nhiều địa điểm du lịch khác trên đảo.

Hồi tháng trước, lượng du khách Nhật Bản đến đảo Guam đã giảm 5%, khiến cho chính quyền đổ lỗi cho số lượng các chuyến bay bị hạn chế. Nhưng thực tế du khách Nhật vẫn là nhóm du khách lớn nhất đến đảo Guam, tiếp đó mới là Hàn Quốc.

Na cho hay đảo Guam là một điểm đến đẹp, nhưng không phải lựa chọn đầu tiên của cô. Cô và bạn bè từng lên kế hoạch tới Philippines, nhưng sau đó lại hủy bởi cuộc chiến chống ma túy ở nước này và cả chiến sự ở thành phố miền Nam đang bị phiến quân chiếm đóng.

Giới chức đảo Guam không hề cho rằng du khách tìm đến họ tăng lên là nhờ hòn đảo này thời gian qua lên mặt báo quốc tế nhiều vì bị Triều Tiên đe dọa tấn công. Họ hiểu rõ sự nổi tiếng của đảo Guam là nhờ các bãi biển thiên đường, nhưng những mối đe dọa cũng có thể dập tắt nó bất cứ lúc nào.

"Ngành công nghiệp này rất dễ đổ vỡ, bởi nếu có một thảm họa tự nhiên hay thảm họa do con người gây ra, nó sẽ bị ảnh hưởng" - Thống đốc Calvo nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bất chấp đe dọa, du khách vẫn kéo tới đảo Guam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO