Bầu cử Tổng thống Mỹ: Chỉ còn 2 ngày!

Phan Quang Vũ 01/11/2020 07:19

Tuần qua, người Mỹ chứng kiến đương kim Tổng thống Donald Trump cũng như đối thủ Joe Biden “lăn xả” khi vận động đại cử tri. Đó là chặng đua nước rút cuối cùngcuối cùng. Các bang “chiến địa” đều được hai ứng viên đặc biệt quan tâm. Trong khi đó, chỉ còn 2 ngày nữa sẽ chính thức diễn ra và khép lại cuộc bầu cử (ngày 3/11) thì theo kết quả thăm dò dư luận của ABC News/Washington Post, khoảng cách tỉ lệ ủng hộ của cử tri đối với cả hai người là khá tương đồng.

“Cuộc đấu Trump - Biden” sắp kết thúc.

1. Tuy nhiên, tại một số bang quan trọng, mà người Mỹ gọi là những bang “chiến địa”, thì số người được hỏi ủng hộ ông Biden nhỉnh hơn.

Cụ thể, 5 ngày trước bầu cử, ông Biden nhận được nhiều hơn ông Trump 7 điểm phần trăm tại bang Michigan (51% so với 44%). Cụ thể hơn, người ta thấy rằng, ông Biden nhận được sự ủng hộ cao hơn ông Trump từ các nhóm cử tri quan trọng, như cử tri nữ (60% so với 36%), cử tri có quan điểm ôn hòa (67% so với 25%) và cử tri độc lập (52% so với 37%).

Trong khi đó, ông Trump lại chiếm ưu thế ở nhóm cử tri sống tại các khu vực ngoại ô (49% so với 46%).

Tại bang Wisconsin, ông Biden cũng đang dẫn điểm. Tại bang “chiến địa” này, ông Biden đã giành thêm được 5 điểm, trong khi Tổng thống Trump mất 6 điểm về tỷ lệ ủng hộ của cử tri. Điều đó cũng diễn ra tại bang Arizona.

Nhưng như một nhận xét của RealClearPolitics, thì việc dẫn điểm này chưa thể nói lên điều gì. Tuy nhiên, cũng cần nhắc lại rằng trong cuộc bầu cử năm 2016, ông Trump đều giành chiến thắng tại các tiểu bang quan trọng nói trên với cách biệt sít sao so với ứng cử viên đảng Dân chủ khi đó là bà Hillary Clinton.

Giới quan sát chính trường nước Mỹ đều cho rằng, ông Trump hoàn toàn có thể thay đổi tình thế vào phút chót, và rằng cuộc bầu cử Tổng thống năm nay là đặc biệt hiếm thấy trong lịch sử nước Mỹ. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cơ bản cách thức vận động tranh cử. Cũng chính vì thế nên kết quả thắng - thua lại càng khó dự đoán.

Người ta vẫn chưa quên, ở cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cách đây 4 năm, ông Trump đắc cử trong khi gần như mọi dự báo ở Mỹ đều cho rằng và tin rằng bà Hillary Clinton không những chỉ chắc chắn đắc cử và còn thắng cử vang dội. Đó không chỉ là yếu tố bất ngờ mà còn là điều đặc biệt vốn vẫn tồn tại trong nhiều cuộc tranh cử tại Mỹ.

Tại cuộc tranh cử lần này, người ta cho rằng cần phải dự tính đến kịch bản không phải cử tri mà Toà tối cao liên bang mới là nơi ra quyết định cuối cùng về kết quả. Do không phải đa số phiếu bầu phổ thông quyết định mà đa số đại cử tri quyết định ứng cử viên nào đắc cử Tổng thống.

Năm 2000, nhờ phán quyết của Toà tối cao mà 574 cử tri tại bang Florida đã quyết định người đắc cử Tổng thống mới. Cuộc bầu cử năm nay, nếu phải “đưa nhau ra tòa” thì lợi thế nghiêng về ông Trump khi mà 6/9 thành viên của Tòa tối cao liên bang “là người của ông Trump”- một nhận xét của Fox News.

Người ủng hộ ông Trump ở Tulsa, bang Oklahoma.

2. Bộ tham mưu của ông Biden cho rằng, tỷ lệ cử tri đi bầu cử càng cao thì càng có lợi cho phe đảng Dân chủ. Điều này lý giải vì sao phe đảng Dân chủ tập trung vận động và khích lệ cử tri Mỹ tham gia bầu cử cũng như ủng hộ việc tiến hành bỏ phiếu bầu gửi qua bưu điện trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hoành hành dữ dội.

Chính vì thế mà ông Trump kịch liệt phê phán hình thức bầu cử bằng cách bỏ phiếu bầu gửi qua bưu điện. Ông Trump và bộ tham mưu chiến dịch của mình cũng dốc toàn lực để giành chiến thắng tại những bang thuộc diện luôn chao đảo giữa các phe phái.

Chính những bang này tạo ra tình trạng không phải đa số phiếu bầu phổ thông mà đa số đại cử tri - được cử ra từ kết quả bầu cử ở các bang theo tỷ lệ nhất định - quyết định ai đắc cử và ai thất cử.

Trên thực tế, ông Trump hiện đã tung ra hết mọi chiêu thức để kịp xoay chuyển tình thế. Còn trong trường hợp nếu kết quả bầu cử ngày 3/11 tới ông Biden thắng cử với tỷ lệ số đại cử tri chênh lệch sát sao thì ông Trump sẽ phát động cuộc chiến pháp lý sau bầu cử.

Người ủng hộ ông Biden ở Philadelphia.

3. Câu hỏi đặt ra là, sau ngày 3/11, người ta còn phải đợi bao lâu mới có kết quả?

Năm 2000, sau khi cuộc bầu cử khép lại, người Mỹ đã phải đợi tới 36 ngày để giải quyết cuộc tranh đấu giữa hai ông Al Gore và George W Bush. Như vậy, nếu sau cuộc bỏ phiếu lần này lại diễn ra cuộc chiến pháp lý thì người Mỹ sẽ lại phải chờ đợi; trong khi hầu hết đều không muốn điều đó xảy ra.

Xin được nhắc lại, Tổng thống Mỹ không được chọn bằng cách thắng một cuộc bỏ phiếu quốc gia. Thay vào đó bầu cử Tổng thống là một loạt các cuộc đua tại từng tiểu bang, nơi người thắng sẽ chiếm toàn thể số phiếu đại cử tri đã được quy định trước của tiểu bang đó, tùy theo dân số.

Tuy nhiên, kết quả thường được biết ngay trong đêm kết thúc bầu cử. Và những gì tiếp theo là một loạt các diễn tiến được quy định trước, gồm một bài phát biểu công nhận kết quả từ ứng cử viên thua cuộc.

Nhưng có lẽ điều này sẽ không xảy ra trong kỳ bầu cử năm nay - giới quan sát bày tỏ sự nghi ngờ. Nhớ lại, năm 2016, ông Donald Trump được cho là đắc cử vào khoảng 2h30’ sáng (giờ miền Đông nước Mỹ), sau khi chiến thắng ở tiểu bang Wisconsin đưa ông vượt qua ngưỡng 270 phiếu đại cử tri đoàn.

Trong những ngày và tuần sau đó, ngày càng có nhiều phiếu của đảng Dân chủ được kiểm, đồng nghĩa với việc bà Hillary Clinton vươn lên và dẫn đầu về số phiếu phổ thông nhưng vẫn thua số phiếu cử tri đoàn. Vậy nên, ông Trump đã chiến thắng.

Năm nay, một mùa bầu cử Tổng thống thật đặc biệt với nước Mỹ . Cho dù đại dịch Covid-19 hoành hành dữ dội nhưng tới ngày 30/10 cũng đã có tới hơn 80 triệu lá phiếu đã được gửi qua bưu điện - gấp đôi năm 2016 và nhiều hơn bất kỳ năm bầu cử nào khác.

Một số tiểu bang như Florida sẽ bắt đầu xử lý phiếu bầu qua bưu điện trước ngày bầu cử, như xác minh chữ ký và bắt đầu thực sự kiểm phiếu vào sáng ngày bầu cử. Nhưng hầu hết các tiểu bang và Washington DC không bắt đầu đếm phiếu cho đến khi tất cả các cuộc bỏ phiếu trực tiếp kết thúc và các địa điểm bỏ phiếu đã đóng cửa.

Khi chỉ còn 3 ngày nữa là tới “hạn chót”, người Mỹ vẫn cho rằng hai bên đều có động cơ để trì hoãn chấp nhận kết quả, vì cả hai ứng viênchắc chắn sẽ không vội thừa nhận thất bại.

Đáng chú ý, bà Hillary Clinton, người từng đối đầu với ông Trump năm 2016, đã có lời khuyên dành cho ông Biden là không nên chấp nhận ngay kết quả trong đêm 3/11 “trong bất kỳ tình huống nào bởi sự việc có thể còn kéo dài lê thê”.

Như vậy, hầu như mọi dự đoán đều cho rằng cuộc bầu cử lần này sẽ rất kịch tính, không kém gì những cuộc bầu cử Tổng thống gay cấn đến khó tin trong lịch sử nước Mỹ. Người Mỹ đã 58 lần bầu chọn Tổng thống nhưng không phải lần nào kết quả cũng được định đoạt ngay sau ngày bỏ phiếu.

Liêu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay có xác định được người chiến thắng ngay trong đêm 3/11?

5 Tổng thống Mỹ vẫn đắc cử dù thua số phiếu phổ thông

Trong số 58 cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, 53 cuộc có người chiến thắng chiếm đa số cả về số phiếu phổ thông cũng như số phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, vẫn có tới 5 cuộc bầu cử mà người giành chiến thắng sau cùng trên thực tế lại thua về số phiếu phổ thông.

Vấn đề là ở chỗ: Tổng thống Mỹ lại không được bầu bằng số phiếu phổ thông. Chương 2, điều 1 của Hiến pháp Mỹ quy định” Tổng thống được bầu gián tiếp thông qua các “đại cử tri”. Nhóm này được gọi là đại cử tri đoàn.

Để giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử tổng Thống giai đoạn hiện đại, ứng cử viên cần phải giành được 270 trong số 538 tổng số phiếu đại cử tri. Các bang được phân bổ số phiếu đại cử tri dựa trên số đại diện trong Hạ viện, cùng 2 Thượng nghị sỹ.

Các đại cử tri lại được phân bổ theo dân số của mỗi bang, nhưng vẫn đảm bảo bang ít dân nhất cũng có tối thiểu 3 đại cử tri (1 hạ nghị sỹ và 2 thượng nghị sĩ).

Lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ ghi nhận 5 cuộc bầu cử mà người trở thành chủ nhân Nhà Trắng lại thua đối thủ về số phiếu phổ thông. Đó là các cuộc bầu cử diễn ra vào các năm 1824, năm 1876, năm 1888, năm 2000 và năm 2016.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bầu cử Tổng thống Mỹ: Chỉ còn 2 ngày!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO