‘Báu vật’ thời Covid-19

Hà Anh 27/03/2021 06:20

Trong khi diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới ngày càng phức tạp do sự xuất hiện không ngừng của các biến thể mới, vaccine chính là giải pháp hữu hiệu nhất để cải thiện tình hình.

Tuy nhiên, việc nhiều nước và khu vực giàu có đang “cố thủ” để đảm bảo nguồn cung vaccine nội bộ cũng khiến cán cân mất cân bằng.

Một y tá ở San Diego (Mỹ) được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech.

Siết xuất khẩu vaccine

Trước việc hứng chịu nhiều chỉ trích vì hành động chậm chạp trong kế hoạch triển khai tiêm vaccine, ngày 25/3, EU đã quyết định siết chặt kiểm soát đối với xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 nhằm đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vacccine ngừa dịch bệnh và đảm bảo nguồn cung vaccine trong khối.

Theo các quy định mới của EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho hay, khối sẽ cân nhắc mức độ cần thiết của mỗi nước cũng như mức độ sẵn sàng xuất khẩu của họ sang châu Âu trước khi phê duyệt các lô hàng. Bà Ursula von der Leyen giải thích rằng, việc siết chặt quy định xuất khẩu vaccine là nhằm bảo vệ lượng vaccine khan hiếm cho chính công dân của khối.

Nhà lãnh đạo này cũng từng cảnh báo sẽ cấm AstraZeneca xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 nếu các nước thành viên EU không được ưu tiên nhận vaccine. Theo Chủ tịch EC, Công ty dược phẩm Anh-Thụy Điển nói trên mới chỉ giao 30% trong số 90 triệu liều vaccine AstraZeneca đã thỏa thuận trong quý 1/2021.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis, cơ chế kiểm soát xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 của EU không nhằm vào bất kỳ một nước cụ thể nào.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 25/3 lên tiếng bảo vệ quyết định của Chính phủ nước này về việc mua vaccine ngừa Covid-19 chung với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu với các nhà lập pháp Đức trước thềm Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 25-26/3 theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Merkel nhấn mạnh: “Chúng ta đều đã thấy rằng ngay cả những khác biệt nhỏ trong vấn đề phân phối vaccine cũng đã gây ra những cuộc tranh cãi lớn, tôi không thể tưởng tượng sẽ thế nào nếu một số nước thành viên có vaccine trong khi những nước khác lại không có”.

Theo bà Merkel, các cơ sở tại Anh đang sản xuất vaccine cho thị trường Anh, trong khi Mỹ lại không xuất khẩu, do đó EU phụ thuộc vào nguồn cung của chính khu vực này.

Tuy nhiên, bà Merkel cho rằng, EU cần phải làm nhiều việc hơn nữa để đảm bảo rằng phần còn lại của thế giới cũng được cung cấp vaccine ngừa Covid-19 vì nếu không các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 sẽ lại xuất hiện, mà một số biến thể trong đó có thể kháng các vaccine hiện hành.

Cùng với đó, Ấn Độ dường như cũng hoãn xuất khẩu vaccine Covid-19 khi nước này đối mặt làn sóng lây nhiễm mới cùng chiến dịch tiêm chủng bị chững lại.

Liên minh Gavi ngày 25/3 cho biết, cung cấp vaccine cho các nền kinh tế có thu nhập thấp hơn “sẽ đối mặt sự chậm trễ” vì “bước lùi” ở Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) khi xin giấy phép xuất khẩu từ Chính phủ Ấn Độ. SII là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới.

Người phát ngôn của Gavi cho biết giấy phép bị chậm trễ “do nhu cầu vaccine Covid-19 ở Ấn Độ tăng lên”.

Ấn Độ hiện là nhà cung cấp vaccine chính cho các quốc gia khác, đặc biệt các quốc gia nghèo, gồm chương trình tiêm chủng Covax toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh Gavi dẫn đầu. Ấn Độ đã chuyển hơn 60 triệu liều đến 76 quốc gia, chủ yếu là vaccine AstraZeneca.

Hiện việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 gần như chỉ hạn chế ở những nước giàu vì một cuộc khảo sát khác mới đây cho thấy có hơn 2,7 triệu người trên thế giới tử vong do dịch bệnh này.

Phản đối

Trước quyết định trên của EU, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, những sự hạn chế về mua bán vaccine Covid-19 không phải là con đường phía trước mà Anh hay các nước đang hướng tới.

Ngày 25/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, nước này ủng hộ sự minh bạch trong việc mua bán vaccine và không mong muốn chứng kiến những biện pháp hạn chế được áp đặt trong việc trao đổi, mua bán vaccine ngừa Covid-19 với Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Johnson đánh giá cao vai trò của Chính phủ và các công ty tư nhân đã giúp làm nên thành công của chương trình tiêm chủng tại Anh. Theo ông, các công ty lớn đã quyết định chấp nhận rủi ro, “đặt cược” các khoản đầu tư vào điều mà bản thân họ cũng không chắc có thành công hay không.

Nhắc đến nguy cơ mất cân bằng trong việc phân phối vaccine ngừa Covid-19 giữa các nước giàu và nghèo, WHO cho rằng, con đường tiếp cận vaccine Covid-19 của nhiều nước nghèo bị cản trở khi các quốc gia giàu có vung tiền mua vaccine quá mức cần thiết.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, các giao kèo trực tiếp của một số nước giàu với các nhà sản xuất vaccine Covid-19 đồng nghĩa việc phân bổ vaccine theo thỏa thuận trước đó cho các nước nghèo hơn thông qua chương trình Covax sẽ bị giảm.

Theo ông Tedros, WHO có sẵn tiền để mua vaccine cho một số nước nghèo nhất nhờ đóng góp mới của Mỹ, EU… nhưng sẽ vô giá trị nếu không có hàng để mua. Ông kêu gọi các nước giàu kiểm tra liệu giao dịch của họ với các công ty dược phẩm có đang làm suy yếu Covax, chương trình mà các nước nghèo hơn đang dựa vào khi họ chờ đợi những liều vaccine đầu tiên.

“Ngay cả khi bạn có tiền nhưng không thể dùng tiền để mua vaccine, thì việc có tiền cũng chẳng nghĩa lý gì” - ông Tedros nói đồng thời lưu ý rằng, tầm quan trọng của thành tựu khoa học không thể được phóng đại, nếu nó không được phân phối công bằng.

Tuy nhiên, ông Tedros khẳng định, cộng đồng quốc tế phải đặt ra một tiêu chuẩn mới để tiếp cận với những loại vaccine này và đảm bảo chúng có sẵn cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới, cho những con người dễ bị tổn thương nhất trên Trái đất này. Một khi các nhà khoa học hiểu nguyên nhân gây ra dịch bệnh, việc chống lại chúng trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tiêm vaccine, kháng sinh, cải thiện vệ sinh, và cơ sở hạ tầng y tế tốt hơn đã cho phép loài người chiếm thế thượng phong trước những kẻ săn mồi vô hình.

Ngày 25/3, Mỹ thông báo, nước này sẽ cung cấp 15 triệu USD hỗ trợ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và thực phẩm cho người dân Palestine tại Bờ Tây và Dải Gaza. Các chương trình tiêm chủng cho người dân Palestine hiện nay phụ thuộc vào nguồn viện trợ và một số lượng vaccine hạn chế do Israel cung cấp. Đến nay, Israel đã tiêm chủng cho hơn 100.000 người lao động Palestine được phép nhập cảnh vào lãnh thổ Israel hoặc các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Báu vật’ thời Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO