Bẫy lừa đảo con bị cấp cứu: Phụ huynh cần làm gì?

Lê Việt 17/03/2023 18:18

Tình trạng đối tượng xấu giả danh giáo viên nhà trường gọi điện cho phụ huynh thông báo con bị tai nạn để lừa chiếm đoạt tiền xuất hiện ngày càng nhiều và hoạt động theo nhóm đối tượng khiến nhiều phụ huynh cảm thấy bất an khi thông tin bị lộ mà lại còn ảnh hưởng đến tâm lý nhiều người.

Xuất hiện chiêu trò lừa đảo mới

Đầu tháng 3/2023, Tiktoker Long Chun đã đăng tải một clip ghi lại cảnh lừa đảo với thủ đoạn hoàn toàn mới, nhắm đến những gia đình có con em nhỏ đang đi học ở trường đề lừa tiền phụ huynh.

Nội dung video cho biết, khi đang đi quay chương trình cùng với diễn viên Quốc Thuận, Ngọc Lan thì anh Sĩ Hồ - đạo diễn đã nhận được điện thoại của một người tự nhận là giáo viên bộ môn của con trai mình và nói rằng bé bị ngã, chấn thương sọ não và phải chuyển gấp 30 triệu đồng nếu không sẽ quá muộn.

Người phụ nữ gọi điện đến cho đạo diễn Sĩ Hồ tự nhận mình là giáo viên bộ môn tại đúng địa chỉ trường mà con anh học và nhắn bác sĩ bảo phải tạm ứng tiền để bác sĩ phẫu thuật cho cháu, bảo gửi số tài khoản của bệnh viện rồi anh gửi cho cháu làm phẫu thuật với giọng điệu vô cùng gấp gáp.

Sau khi được mọi người tại trường quay trấn an và gọi điện xác nhận con trai không bị làm sao cả, đạo diễn Sĩ Hồ và diễn viên Quốc Thuận đã có màn "diễn" cùng kẻ lừa đảo và tiếp tục nghe cuộc điện thoại tiếp theo.

Khi đó người này tiếp tục gọi và thay vì nhắn chuyển tiền cho bác sĩ thì "giáo viên bộ môn" lại nói cứ chuyển tiền cho mình để làm phẫu thuật trước rồi gửi địa chỉ để anh cùng người nhà lên luôn. Đáng nói, trong cuộc điện thoại này, đầu dây bên kia cũng xuất hiện một giọng nam tự nhận mình là bác sĩ và khẳng định cháu đang trong tình trạng nguy hiểm. Điều đó chứng tỏ đây là cả một tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp và có kế hoạch đầy đủ khi nắm bắt được cả thông tin của con cái nạn nhân cũng như gọi đến đúng người.

Sự việc cuối cùng không bị ảnh hưởng gì một phần do Long Chun trước đó đã đọc được bài báo cảnh giác về hành vi lừa đảo tương tự nên đã đề nghị đạo diễn xác minh kỹ và kết quả là lừa đảo.

Sau khi sự việc xảy ra, đạo diễn Sĩ Hồ cho biết Long Chun mà không cản mình là không biết chuyện gì xảy ra luôn. Bản thân anh có đọc được các thông tin về nạn lừa đảo này nhưng bị rối, lo cho con thì vẫn có khả năng chuyển tiền.

Đây là sự việc được chia sẻ công khai nên nhiều người biết đến, tuy nhiên vẫn có nhiều phụ huynh không rõ về chiêu trò này, trong lúc rối trí đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo mà không kiểm tra kỹ.

Cụ thể, một phụ huynh có con học tại Trường Hoàng Diệu, Quận 4, TP HCM đã bị lừa chuyển khoản gấp 20 triệu đồng với lý do con của họ bị té chấn thương sọ não đang cần tiền mổ gấp; 2 trường hợp khác là phụ huynh của Trường học Quốc tế Canada ở Quận 7 và trường Á Châu ở Quận 10. Theo thông tin, đối tượng yêu cầu mỗi phụ huynh chuyển khoản 200 triệu đồng để điều trị cho con. Trong đó, có một phụ huynh đã chuyển khoản 2 lần vào 2 số tài khoản lạ tên Nguyễn Duy Thái và Thạch Vũ Hà tổng cộng 200 triệu đồng….

Vì sao những đối tượng này lại nắm chắc thông tin?

Trên thực tế, chỉ cần bỏ ra một số tiền nhất định, thông qua các webiste hay hội nhóm trên mạng xã hội, người mua có thể dễ dàng sở hữu các file lưu trữ thông tin cực kỳ chi tiết về nhóm đối tượng mà mình mong muốn. Nhiều khả năng, dữ liệu về học sinh và phụ huynh được kẻ gian tự thu thập hoặc tìm kiếm thông qua phương thức này.

Ngoài ra, ý thức bảo vệ dữ liệu khách hàng của các cơ sở kinh doanh giáo dục, vui chơi, thậm chí là cả nhà trường mặt bằng chung là chưa cao. Những đơn vị này sẵn sàng để các đối tác của mình tiếp cận thông tin nhạy cảm này nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, dẫn đến tình trạng lộ, lọt. Từ đó dễ dẫn tới việc đối tác trực tiếp bán dữ liệu khách hàng cho một bên khác nhằm kiếm thêm doanh thu.

Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) cho biết, sẽ liên tục tổ chức các cuộc thanh tra các nhà mạng, công ty bưu chính và mạng xã hội về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đang trong quá trình đưa ra quy định buộc doanh nghiệp khi muốn tiếp cận khách hàng thì phải làm việc với nhà mạng để hiện tên, chứ không hiện số điện thoại.

Về phía Bộ Công an, cơ quan này cho biết, hiện có 4 nhóm phương thức hoạt động chủ yếu liên quan tới lừa đảo qua điện thoại mà người dân cần đặc biệt cảnh giác.

Thứ nhất, mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, giả danh cán bộ của các cơ quan như công an, viện kiểm sát, tòa án, hải quan, cảnh sát giao thông… bịa đặt thông tin người được gọi liên quan đến một vụ việc đang bị điều tra, dùng lời lẽ đe dọa, khiến người được gọi hoang mang, buộc phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP…, từ đó chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Thứ ba, giả danh người của các công ty, doanh nghiệp, ngành nghề (như bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí…) gọi điện, nhắn tin cho người dân thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về; yêu cầu muốn nhận phần thưởng đó phải mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền; hoặc điền các thông tin cá nhân vào các đường link website giả mạo do các đối tượng gửi đến, từ đó chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của các bị hại.

Thứ tư, mạo danh là nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn bị hại cách nâng cấp sim 4G - 5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại... Khi lấy được lòng tin của bị hại và bị hại làm theo hướng dẫn của đối tượng, chúng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của bị hại, cung cấp tài khoản ngân hàng... từ đó chiếm đoạt tài sản.

Do vậy, người dân cần cảnh giác và chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh.

Đặc biệt, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để được tư vấn.

Người dùng cần tắt máy ngay và trình báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an); cảnh giác ở mức tối đa đối với các cuộc gọi đến từ số điện thoại lạ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bẫy lừa đảo con bị cấp cứu: Phụ huynh cần làm gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO