Bẫy lừa đảo cuối năm

Thúy Hằng 27/12/2020 08:30

Học chơi forex thì thắng lớn, nhưng đổ tiền vào forex chơi thật thì lỗ. Càng dồn tiền càng lỗ lớn… Sau đó tiếp tục vay tiền để đánh. Những cái bẫy tín dụng đen cuối năm mở ra khiến nhiều người trắng tay.

Tin “chuyên gia rởm”

Thời gian gần đây các sàn forex cho cò mồi người chơi “ác chiến”. Các sàn còn mở cả những lớp đào tạo với học phí cắt cổ tính bằng nghìn đô với các lời quảng cáo, chuyên gia đến từ nước ngoài.

Anh T.H.T. (Q"uận 7, TP HCM) cho hay, giữa năm nay, qua quảng cáo của Công ty Babylons ở Việt Nam, anh mua khóa học online với Sandy Jadeja - được quảng cáo là bậc thầy của giao dịch triệu USD. Sau khi đóng 50 triệu đồng khóa cơ bản, chủ yếu nhận định về nguy cơ khủng hoảng tài chính và khuyên học viên bỏ việc, tự do tài chính bằng việc trở thành nhà đầu tư forex, kiếm hàng ngàn USD/ngày, anh lại được mời gọi tham gia khóa học nâng cao 100 triệu đồng, với hứa hẹn học xong sẽ biết các phương pháp giao dịch, chỉ cần vốn 1.000 USD là có thể kiếm 400 USD/ngày.

“Tham gia xong cả hai khóa học, tôi mất thêm 10.000 USD vì đánh theo hướng dẫn của thầy. Toàn bộ học viên trong khóa học mà tôi biết cũng cháy sạch tài khoản” - anh T. cho biết.

Sau khi bị “lừa đẹp” gần 400 triệu đồng, anh T. tìm hiểu thì được biết, Công ty Babylons đã tổ chức rất nhiều khóa học về đào tạo forex với “chuyên gia” Sandy tại Việt Nam, mỗi khóa học thu hút hàng trăm học viên tham gia. Như vậy, với mỗi khóa học chỉ kéo dài vài ngày, Babylons và Sandy đã bỏ túi hàng tỷ đồng.

Nhiều người chơi forex than thở, lúc mình đánh thử thì lãi to lãi lớn. Nhưng đến khi chi tiền thật vào forex thì lỗ. Tức chí tìm hiểu các lớp học, rồi như bị mê hoặc tin lời chuyên gia, đánh theo chuyên gia.

“Một hai tháng đầu tiền cũng có về tài khoản, mỗi lần về được 5 triệu. Sau 2 tháng đầu dồn hết tài khoản để đánh thì mất hết. Càng cố cày, càng nghe theo lời chuyên gia càng chết” - Chị B.K.L. ở toà nhà Tràng An Complex nói.

Ông Phan Dũng Khánh - chuyên gia tài chính cũng chia sẻ nhiều sàn forex có dấu hiệu lừa đảo, ôm lệnh, đốt cháy tài khoản nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cần thận trọng với bất kỳ lời mời chào nào có lãi suất cao gấp 3 lần ngân hàng

Trong khi đó pháp luật về đầu tư forex của Việt Nam còn khá hổng, chưa có hành lang pháp lý để chặn các sàn forex bẩn, đội ngũ môi giới forex lừa đảo, cũng như các chuyên gia đào tạo về forex “dởm”.

Và tín dụng đen giăng bẫy người nghèo

Còn khoảng hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thời điểm này, nhu cầu vay tiền mặt của người dân tăng rất cao, song không phải ai cũng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Nắm bắt được tâm lý này, tín dụng đen tiếp tục vươn vòi bạch tuộc giăng bẫy người lao động nghèo cuối năm.

Các cách quảng cáo của tín dụng đen vẫn rất xưa như thủ tục vay đơn giản, giải ngân ngay trong ngày hoặc sau vài giờ, chỉ cần chứng minh thư…

Sinh viên Nguyễn Quang - sinh viên năm 3 Học viện Nông nghiệp, chia sẻ: “Mình đi làm thêm chạy bàn cho 1 quán cà phê ở Cổ Bi, Gia Lâm. Cuối năm về quê cũng muốn mua chút quà cho em út, đến tháng cuối năm cô chủ quán hẹn trả tiền lương nhưng lại trễ mất 1 tuần. Mình đành đặt thẻ sinh viên để “vay nóng” hơn 3 triệu.

“Lúc nào nhận lương lại trả, vay nhanh và có nguồn thì cũng chấp nhận được” - anh Nguyễn Quang nói.

Nhưng không phải ai cũng có nguồn tiền để trả nhanh như anh Quang. Anh C.H. trong lúc gặp khó khăn tài chính và ngại “mở lời” với người nhà nên đã vào mạng xã hội, click chuột vào trang web cho vay tiền để vay 7 triệu đồng trong thời gian 7 ngày. Tuy nhiên, số tiền thực nhận chỉ có 4,3 triệu đồng, còn lại là trả phí dịch vụ và lãi vay.

Qua 7 ngày, anh C.H chưa trả được số tiền trên thì lập tức bị phạt tiền 400.000/ngày và chỉ trong một tuần, số tiền nợ đã lên đến hơn 10 triệu đồng.

Chủ một cửa hàng vàng trên phố Tôn Đức Thắng cho biết, vào thời điểm cuối năm, lượng người tìm đến các dịch vụ cho vay tiền khá nhiều. Trung bình mỗi ngày có khoảng 7 - 8 khách hàng tìm đến cửa hiệu của anh đề nghị được vay vốn. Tùy theo số tiền vay nhiều hay ít mà lãi dao động từ 5.000 - 7.000 đồng cho món vay 1 triệu đồng/ngày. Mặc dù biết lãi suất cao, gấp cả chục lần, thậm chí vài chục lần so với vay ngân hàng nhưng nhiều người vẫn chấp nhận tìm đến tín dụng đen để vay tiền.

Có thể nói cho vay tiêu dùng đã biến tướng rất phức tạp, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân, tạo áp lực rất lớn cho người vay tiền.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nói người đi vay phải tìm hiểu kỹ các loại hình, nếu không sẽ bị lừa vay phải lãi suất cao. Đặc biệt, bên cạnh hệ thống ngân hàng, công ty tài chính, một vài công ty cho vay ngang hàng hoạt động chính thống, bài bản, cũng có hàng loạt mô hình biến tướng tín dụng đen như cầm đồ, một số app vay tiền online, một số hình thức huy động vốn đa cấp…

Vì vậy, cả người đi vay hay cho vay cần cảnh giác với những loại hình này và tốt nhất là không nên tham gia. Các chuyên gia khuyến cáo khi có nhu cầu vay, người vay cần tìm hiểu rõ thông tin pháp lý của đơn vị cho vay trước khi quyết định nộp hồ sơ vay. Khi trao đổi thông tin với nhân viên tư vấn tín dụng, cần hỏi rõ các thông tin của nhân viên tư vấn hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn cung cấp hình chụp danh thiếp, tránh tình trạng bị giả mạo đánh cắp thông tin.

Bộ Công an cảnh báo

Để dễ nhận biết thủ đoạn lừa người có nhu cầu vay vốn “sập bẫy” tín dụng đen, Cục Cảnh sát hình sự chỉ ra 7 chiêu trò mà các đối tượng thường lợi dụng.

Thứ nhất, khi cho vay để mua sắm phục vụ sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp có thể yêu cầu cầm cố nhà cửa, đất đai, hoặc chính các công cụ sản xuất, nông sản để trả nợ. Nhận tiền người nợ chỉ nhận được một phần tiền còn lại sau khi đã trừ tiền lãi và tiền phí, nhưng khi trả nợ thì phải trả toàn bộ số tiền đã vay. Đối với các cháu học sinh, công nhân, người lao động có thể cầm cố giấy tờ tùy thân, thẻ ATM trả lương... Tuy nhiên, khi không đủ khả năng trả nợ thì các đối tượng siết nợ khiến người thân, gia đình phải trả nợ thay, nếu không sẽ bị đe dọa, chửi bới, ném chất bẩn, chất thải.

Thứ hai, khi cho vay thì lập các hợp đồng như hợp đồng bán xe máy sau đó bắt người vay phải thuê lại xe máy đó để sử dụng, nếu không trả đủ tiền lãi, các đối tượng sẽ chiếm đoạt xe máy đó. Biến tướng việc cho vay bằng việc yêu cầu người nợ viết giấy biên nhận tiền để lo xin việc, chạy chức chạy quyền, nếu người nợ không trả đủ tiền thì sẽ bị các đối tượng tố cáo với Công an là lừa đảo. Hoặc là trong hợp đồng thì cho vay với lãi suất rất thấp nhưng thu thêm các khoản phí (phí hợp đồng, phí xác minh, phí liên lạc...) với mức rất cao, thực ra là tiền lãi suất biến tướng...

Thứ ba, cho vay dưới hình thức cho người nợ tham gia vào chơi họ, hụi (trong Nam gọi là biểu, phường), trong đó người nợ sẽ phải trả lãi cho người vay và chỉ nhận được số tiền vay đã bị trừ tiền lãi ngay từ đầu.

Thứ tư, sử dụng ứng dụng điện thoại, mạng xã hội Zalo, Facebook, website để mời chào cho vay với lãi suất thấp nhưng thực tế cũng bắt người nợ phải trả tiền phí rất cao như những trường hợp bên trên.

Thứ năm, các đối tượng lừa đảo có thể sử dụng thủ đoạn đi vay với lãi suất rất cao so với lãi suất ngân hàng, hoặc kêu gọi đầu tư vốn cho các dự án bất động sản, kinh doanh đa cấp tài chính, kinh doanh tiền ảo, tham gia hui, họ... với mức sinh lời, lãi suất rất cao. Từ đó kéo theo nhiều người vì hám lợi đi vay người thân, bạn bè rồi đi cho vay lại. Các đối tượng có thể trả lãi 1-3 tháng để lấy lòng tin, nhưng sau đó có thể ôm tiền bỏ trốn, dẫn đến nhiều trường hợp bể hụi, họ, vỡ nợ quy mô lớn trong thời gian vừa qua.

Thứ sáu, khi người nợ không đủ tiền trả, các đối tượng lại tiếp tục gợi ý cho người nợ lại đi vay của các đối tượng khác, các ứng dụng cho vay khác nhằm đáo nợ. Tuy nhiên, sau đấy các khoản vay, tiền lãi cộng dồn lại lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Thực chất, các đối tượng, ứng dụng cho vay này đều là một, do các đối tượng lập ra để giăng bẫy người nợ...

Thứ bảy, khi người nợ không trả lãi theo đúng hạn định, các đối tượng sẽ gửi hình ảnh ghép các thông tin bôi nhọ đến nhiều người thân, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè của người nợ, hoặc thậm chí nhắn tin, gọi điện chửi bới, đe dọa, giả làm Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để dọa truy tố trước pháp luật... Để tránh bị rơi vào “bẫy” tín dụng đen tiền mất tật mang, Cục Cảnh sát hình sự cũng khuyến nghị người dân nên tìm đến các tổ chức tín dụng chính thống.

Trước những hiện tượng trên, vừa qua Bộ Công an đã lên tiếng cảnh báo người dân về những thủ đoạn cho vay lãi trên mạng. Theo Bộ Công an, các đối tượng dùng thủ đoạn cho vay qua các ứng dụng trên mạng Internet với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 30,8%/tuần, 132%/tháng và 1.600%/năm; tất cả các giao dịch của người vay và người cho vay tiền đều được thực hiện thông qua mạng Internet và điện thoại di động.

Bộ Công an nhấn mạnh, bên cạnh việc cần báo ngay cho cơ quan chức năng, trước hết, những người có nhu cầu vay tiền cần thận trọng, cân nhắc kỹ khi giao dịch. Nếu thật sự cần thiết thì phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ, thể hiện đầy đủ thông tin như tên công ty, có mã số doanh nghiệp, địa chỉ, điện thoại đầy đủ, cụ thể. Ngoài ra phải xem xét thật kỹ các điều khoản để tránh bị sa bẫy tín dụng đen.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bẫy lừa đảo cuối năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO