Bế mạc Olympic Tokyo 2020: Thông điệp tiến về phía trước

Thế Tuấn 08/08/2021 00:04

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người dường như “quên mất” có một Thế vận hội - Olympic Tokyo 2020. Tuy nhiên, nó đã diễn ra bất chấp Thủ đô Tokyo cũng như nhiều thành phố của Nhật Bản đang bị biến thể Delta tấn công. Những tài năng thể thao vẫn xuất hiện cùng nụ cười và nước mắt. Có thể nói Thế vận hội mùa hè lần thứ 32 ở Nhật Bản sẽ đi vào lịch sử với rất nhiều điều mà ký ức nhân loại sẽ không thể quên.

Dịch bệnh khiến cho vận động viên, ban tổ chức cũng như khán giả Nhật Bản gặp khó khăn. Biến thể Delta đã “chặn đường” không cho người ta tới sân để thưởng ngoạn những trận tranh tài thể thao đỉnh cao. Người hâm mộ cũng không có dịp được diện kiến thần tượng của mình băng xương bằng thịt.

Tuy nhiên, những gì diễn ra tại Thế vận hội đặc biệt đến kỳ lạ này đã truyền đi khắp thế giới một hông điệp, rằng cuộc sống dù khó khăn đến đấu thì con người vẫn tổ chức cuộc sống của mình một cách phong phú nhất có thể. Dịch bệnh dù vẫn đang hoành hành thì cũng không thể buộc con người từ bỏ những giá trị cao cả đã chắt lọc được trong quá trình tồn tại và phát triển.

Vì thế Olympic Tokyo 2020 một lần nữa cho loài người nhận thức sâu sắc hơn giá trị cuộc sống, tin vào mình hơn cũng như tin vào tương lai mà không hề nao núng cho dù có rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đi chăng nữa.

Khác biệt

Thế vận hội Olympic 2020 tại Nhật Bản mùa hè năm nay có quá nhiều khác biệt so với những kỳ Olympic trước đó. Trước hết, nó là kỳ Olympic đầu tiên trong lịch sử bị hoãn. Lẽ ra nói phải được tổ chức vào tháng 7/2020, nhưng phải lùi mất 1 năm do đại dịch Covid-19.

Kể cả việc nó được tổ chức cũng đã là một sự dũng cảm phi thường khi mà những đợt sóng SARS-CoV-2 dồn dập và vaccine chưa đủ cho mọi người, còn thuốc đặc trị thì chưa có. Cũng ít người biết rằng tới thời điểm này Tokyo cũng chính là thành phố duy nhất đăng quang tổ chức 2 kỳ Olympic (lần đầu tiên là vào năm 1964).

Lễ khai mạc Olympic 2020 vừa rồi đã kéo dài hơn 30 phút so với dự kiến ban đầu để tạo điều kiện cho các vận động viên thực hiện việc giãn cách. Lễ bế mạc sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 8/8 (giờ địa phương).

Olympic 2020 cũng là kỳ đầu tiên có tới 33 môn thi đấu với 339 nội dung, trong đó có 4 môn thi đấu mới, bao gồm: Trượt ván (Skateboarding), Leo núi thể thao (Sport Climbing), Lướt sóng (Surfing), Karate. Ngoài ra, kỳ tổ chức năm nay cũng xuất hiện 15 nội dung thi đấu mới ở các môn thi đấu đã có từ trước.

Nhưng có lẽ đặc biệt nhất là một kỳ Olympic 2020 không có khán giả ở các điểm thi đấu. Số người được tận mắt chứng kiến rất ít ỏi, cũng chỉ bởi Covid-19.

Những bóng hồng “xung trận”

Một “điểm son” của Olympic Tokyo 2020 được nhiều người cho rằng đã là sự “xung trận” của rất nhất “bóng hồng”, không chỉ là những tài năng thể thao mà còn là những nhan sắc thực sự.

Trong đó phải kể đến VĐV điền kinh người Đức, cô Alica Schmidt , 23 tuổi, thi đấu ở nội dung 4x400 m hỗn hợp và 4x400 m đồng đội nữ. Cô sở hữu chiều cao 1m75 và tấm thân “đồng hồ cát” mà bất cứ cô gái nào cũng ao ước.

Không thua kém, VĐV bắn cung người Colombia, cô Valentina Acosta Giraldo, sinh năm 2000, có vẻ đẹp nổi bật, vẻ đẹp “đa chủng tộc” hớp hồn đấng mày râu.

Cũng không thể “bỏ qua” VĐV đấu kiếm Hong Kong (Trung Quốc), cô Vivian Kong. Người đẹp 27 tuổi từng đi vào lịch sử với tư cách kiếm thủ nữ đầu tiên của Hong Kong giành chức vô địch thế giới (năm 2019) ở nội dung kiếm 3 cạnh. Truyền thông quốc tế mô tả rằng, Vivian “bỗng chợt tỏa ra vẻ đẹp mê hoặc” khi cô tấn công đối thủ bằng những đường kiếm cổ kính…

Còn rất nhiều bóng hồng tỏa sáng ở kỳ Thế vận hội này, sự xuất hiện của họ khiến cho nỗi lo dịch bệnh như bị đẩy lùi về phía sau. Không chỉ đẹp rạng ngời, họ còn là những VĐV thực sự tài năng.

Như trường hợp Sydney Mclaughlin về nhất ở chung kết 400 m vượt rào nữ với thành tích 51 giây 46, tự phá kỷ lục thế giới của chính mình. Bước vào làn chạy số 4, cô chưa cho thấy mình có thể là nhà vô địch. Nhưng khi còn 150 m cuối thì Sydney Mclaughlin đã bứt phá mạnh mẽ. Còn chừng 30 m cuối cùng, cô đã có cú nước rút thần sầu để cán đích đầu tiên.

Không chỉ giành HCV, Mclaughlin còn phá kỷ lục thế giới do chính cô xác lập trong một giải điền kinh được tổ chức tại Mỹ hôm 26/6. Thành tích khi đó của chân chạy sinh năm 1999 là 51 giây 90.

Cũng nhờ thành tích tại đó, Mclaughlin đã phá kỷ lục Olympic mà VĐV người Jamaica - Melaine Walker, xác lập tại Olympic Bắc Kinh 2008, với thời gian 52 giây 64.

Như vậy, Mclaughlin không chỉ vượt qua đối thủ mà còn vượt qua thành tích của chính mình.

Nữ võ sĩ Avishag Semberg, 20 tuổi.

Không trưởng thành trong một cường quốc thể thao nhưng nữ võ sĩ xinh đẹp Avishag Semberg đã được cả đất nước Israel ngưỡng mộ khi đã viết nên lịch sử cho đất nước mình trong tư thế VĐV vận động viên đầu tiên của quốc gia này đạt huy chương Olympic ở môn Taekwondo.

Semberg cũng là vận động viên trẻ nhất có được thành tích này, cô 20 tuổi. Avishag Semberg sinh năm 2001 tại Gedera, Israel. Cô bắt đầu tập luyện Taekwondo từ khi còn học phổ thông. Năm 2020, nữ VĐV này cũng tham gia vào Lực lượng Phòng vệ Israel - nghĩa vụ bắt buộc của các công dân quốc gia này ở tuổi trưởng thành.

Nếu như Semberg tuổi đời còn rất trẻ thì nữ VĐV Thể dục dụng cụ Oksana Chusovitina (Uzbekistan) đã lập kỷ lục tham dự 8 kỳ Olympic trong sự nghiệp thi đấu thể thao khi đã vào tuổi 46. Chusovitina lần đầu tham dự một kỳ Olympic là năm 1992 tại Barcelona (Tây Ban Nha), khi đó mới 17 tuổi. Đến Olympic Tokyo 2020, nữ VĐV này đã 46 tuổi, trải qua 29 năm liên tục không bỏ sót bất kỳ một kỳ Thế vận hội nào từ đó đến giờ.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ kỳ Olympic nào là kỳ cuối cùng của tôi nhưng rồi thì tôi cũng phải nói lời tạm biệt sau kỳ Olympic này. Tôi đến đây vì niềm đam mê với bộ môn này, tôi cũng mong mọi người cũng sẽ đam mê, yêu thích giống như tôi” - Chusovitina nói.

Nhưng nếu nhìn thân hình và dáng chạy thì không ai nghĩ Chusovitina đã 46 tuổi. Cô được coi là điều kỳ diệu ở môn Thể dục dụng cụ, là một tấm gương về sự đam mê, tính kiên trì, bền bỉ của các VĐV trên toàn thế giới.

VĐV Thể dục dụng cụ Oksana Chusovitina, 46 tuổi.

Thông thường, ở môn Thể dục dụng cụ, các vận động viên chỉ thi đấu đến năm trước 30 tuổi, thế nên việc Chusovitina vẫn thi đấu đỉnh cao ở sân chơi Olympic 2020 ở tuổi 46 thật là điều đáng kinh ngạc. Tại lần thi đấu này, Chusovitina đã hoàn thành bài thi nhảy chống, số điểm trung bình giành được là 14,166 điểm, đủ điều kiện nằm trong nhóm 8 vận động viên dẫn đầu.

Rút lui “trước cổng thiên đường”

Nhưng Olympic không chỉ là nơi tôn vinh những kỳ tích, đó còn là nơi thể thao thế giới rút tỉa ra những vấn đề cho chính mình, mà câu chuyện của “nữ hoàng thể dục dụng cụ” Simone Biles có thể được coi là một ví dụ.

Biles đến Olympic Tokyo 2020 với kỳ vọng sẽ tái hiện kỳ tích đoạt 4 HCV ở Olympic 2016. Nhưng khi các nội dung thi đấu đang diễn ra, cô xin rút lui khỏi giải vì lý do “sức khỏe tinh thần”. Truyền thông quốc tế nói rằng, cô đã rút lui trước “cổng thiên đường”. Sự cố bắt đầu ở phần thi chung kết đồng đội nữ thể dục dụng cụ vào ngày 27/7. Biles thất bại trong phần thi nhảy ngựa khi chỉ xoay được 1,5 vòng trên không (thay vì 2,5 vòng như dự kiến) và suýt ngã khi tiếp đất.

Cú nhảy đó khiến đội tuyển Mỹ bị tụt điểm so với các đối thủ. Cho đến tận trận chung kết đồng đội nữ, không ai nhìn thấy vấn đề gì xảy ra với Biles. Cô là VĐV duy nhất lọt vào chung kết của cả 5 nội dung cá nhân, trong đó nội dung toàn năng và nhảy chống Biles vẫn dẫn đầu ở vòng loại. Ít nhất 3 HCV nằm trong tầm tay của nữ VĐV 24 tuổi này.

Simone Biles, người rút lui “trước cổng thiên đàng”.

Vậy, điều gì đã xảy ra với “nữ hoàng thể dục dụng cụ” của nước Mỹ? Sau này chính Biles đã thổ lộ rằng kỳ Olympic này thực sự quá căng thẳng, không có khán giả và không có rất nhiều thứ khác. Đã có một quá trình rất dài trên đường đến đây, một năm ròng rã kể từ khi Olympic Tokyo bị hoãn. Tinh thần của tôi đã bị vắt kiệt”.

Trước khi “dừng lại trước cổng thiên đường”, Biles được xem là hình mẫu VĐV hiện đại của nước Mỹ. Cô không chỉ tài năng mà còn quan tâm đến nhiều vấn đề xã hội, nổi tiếng với việc đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc cùng việc lạm dùng tình dục trong cộng đồng thể dục dụng cụ.

“Đôi khi cần đặt bản thân ngoài các cuộc thi để nhận ra sức mạnh của mình” - Biles chia sẻ.

Tâm sự của Simone Biles được cộng đồng mạng chia sẻ rất nhiều, vì họ biết rằng cô đã cống hiến hết mình cho thể thao, cho dù có dừng bước “trước thiên đường” đi chăng nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bế mạc Olympic Tokyo 2020: Thông điệp tiến về phía trước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO