Bến bờ yêu dấu

thiên Trang 08/09/2021 19:30

Vào một ngày đã xa khi tôi từ Hà Nội về thăm nhà, bước chân đầu tiên về tới đầu làng, tôi nhận ra những bến đá hiền hòa nằm hai bên bờ sông đã biến mất.

Tôi đi dọc làng, một bến, hai bến, rồi ba bến, rồi cây cầu gạch nâu giòn cong vồng lên ở giữa làng, nơi hai cây gạo cổ thụ sừng sững đã trăm năm đổ bóng xuống dòng sông, cũng đâu bàng hoàng biến mất, để thay vào đó là cây cầu bằng hai phiến đá lớn...

Tôi hiểu rằng những bến đá, những bờ bến dấu yêu của tôi đã được coi như là đi trọn vai trò của nó và được rỡ bỏ đi từ lúc nào. Người làng lấy hai phiến đá lớn của bến thóc ấy để dựng nên cây cầu này. Một cây cầu đá bằng phẳng, vững chãi, tạo bởi hai phiến đá lớn đặt ghép khít cạnh nhau, trông cũng khá hài hòa với cảnh quan thôn quê. Trẻ em xôn xao tíu tít kể với tôi về sự thay đổi kinh ngạc của cây cầu. Từ đây, không còn cảnh phải còng lưng hò dô đẩy xe cải tiến nặng đầy lúa qua cầu bao nhiêu khó nhọc! Trẻ em chạy băng băng qua cầu đá sang sông, không còn cảnh đứa bé phải bò từng bước, đứa chị đẩy mông em lên, hay đứa lớn nhễ nhại cõng em gù lưng qua cầu cong nữa.

Một cây cầu gạch vồng cong như vòm mây nhỏ dấu yêu soi bóng xuống dòng sông, dẫu đã đựng đầy thương mến, đã nên thơ, hoài cổ và lắng đọng biết bao, nhưng dù sao, không thể có gì là bất biến, khi các phương tiện cơ giới rất cần được đi lại trên một con đường bằng phẳng. Người đi bộ thì không sao, nhất là những cô gái, những bà mẹ duyên dáng trong tà áo cánh xẻ eo cao lưng ong thắt đáy, quần nái đen mềm mại, trên đầu nón trắng che nghiêng. Tôi mường tượng những hình dáng thân thương như thế, bước lên cây cầu cong cong soi bóng xuống dòng sông, nét duyên ấy hẳn đã làm nao lòng không ít những chàng trai. Lại mường tượng tiếp về quá khứ xa xôi hơn nữa. Hẳn là khi xây dựng cây cầu này, các cụ làng thâm thúy và tinh tế cũng muốn gửi gắm nhiều ý tứ. Thôn quê ngày xa xưa ấy người dân đi bộ, gồng gánh và đi thuyền trên sông. Thuyền là phương tiện chuyên chở chính của dân làng. Những chiếc thuyền nhiều khi còn có mui, có mái để che mưa trú nắng nữa. Một cây cầu bằng phẳng sẽ không đủ độ cao đảm bảo cho chiếc thuyền có thể đi qua. Cây cầu làng tôi phải cong vồng lên là bởi thế. Tôi cũng đã thấy những cây cầu vồng cong duyên dáng như thế, ở những làng quê khác.

Ở vào thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp làm ăn tập thể, cây cầu vồng cong ấy vẫn thật hợp lý và hữu ích khi mỗi làng là một tổ đội sản xuất và chuyên chở thóc lúa bằng thuyền gỗ lớn. Các bến đá từ đây được chúng tôi quen gọi là bến thóc. Để dựng được những bến đá này, chắc chắn dân làng đã phải rất dày công. Tôi hình dung bến đá chắc có từ lâu rồi, không phải sản phẩm của thời mới! Đá phiến lớn được chuyên chở từ xa về, quê tôi là vùng chiêm trũng, không có núi đá. Sẽ không thể mường tượng hết được về sức người trong điều kiện không có phương tiện cơ giới để chuyên chở, chỉ có thuyền, cùng những dụng cụ hỗ trợ thô sơ. Nhưng làng từ khi tôi sinh ra, đã vẹn nguyên những bến đá đẹp đẽ và vững chãi bên bờ sông ấy. Ở các làng khác cũng như thế, mỗi làng vài ba bến đá, như một minh chứng về đời sống trên bến dưới thuyền nhộn nhịp của một thời. Mỗi bến đều có những cây bàng, cây đa hay cây gạo cổ thụ đổ bóng xuống chở che. Liền kề bên bến, bao giờ cũng là một ngôi đền, hay ít nhất là một ngôi miếu nhỏ. Hẳn là “những người muôn năm cũ”, khi cho dựng nên những bến đá này, ngoài mục đích làm nơi neo đậu cho thuyền bè, nơi chuẩn bị cho các việc tâm linh, hội hè, đình đám, nơi lấy nước phục vụ đời sống thường nhật, thì còn muốn gửi gắm nhiều điều sâu thẳm hơn nữa. Và tôi lại mường tượng về những lễ hội đình làng có những đám rước rất xa xưa…

Còn trong kí ức của cô bé thời đi học, bến đá là nơi chúng tôi xuống rửa chân tay, thậm chí là vục nước lên tay mà uống hay đơn giản là ngồi bệt xuống mà nghịch nước, mà chơi. Ngã bệt quần áo xuống đường đất trơn trượt ngày mưa, chúng tôi xuống bến đá gột sạch bùn rồi lại đến trường. Đôi khi, một ngôi đền kề bến đá có lễ hội làng, chúng tôi xúm lại chờ xem và thì thầm kể cho nhau nghe về đôi rắn thần, sự hiện hình của thần linh, như những điều bí ẩn.

Nhưng nhớ nhất phải kể đến những ngày bến đá trở thành điểm hẹn thuyền về, ấy là khi chúng tôi gọi bến đá là bến thóc. Mỗi buổi trưa tan học về đến làng, chúng tôi vây quanh trên bờ để chờ các mẹ dúi cho mỗi đứa vài con muồm muỗm hay một túm cua, vài chú cá rô ron về nướng ăn. Bà con dân làng trong đó có mẹ, có các chị của tôi đứng dàn thành hàng bên nhau để chuyển lúa vào sân kho, lưng áo ai nấy đẫm mồ hôi. Khi lúa được rỡ hết khỏi thuyền, chúng tôi nhảy xuống thuyền để mót thóc và quét bến.

Cái bến thóc ấy là điểm hẹn của thôn làng. Có bóng con thuyền về là mùa màng xôn xao no ấm, rộn rã giọng nói tiếng cười, qua mùa thì êm đềm thơ mộng, sạch sẽ tinh trong. Bến thóc trở thành bến tắm của lũ trẻ làng. Đi học về rủ nhau ào xuống bến tắm cho mát. Đi chăn trâu về lùa trâu xuống để cả trâu và người cùng ướt át thỏa thuê. Bến thóc cũng là nơi hò hẹn của những gái trai, họ giặt áo đêm trăng hay chỉ là ngồi bên nhau khua chân xuống dòng trong mát. Họ sẽ thầm thì bên nhau những câu chuyện không đầu không kết, hay hát lên chẳng đúng điệu gì, nhưng không sao cả, bởi với họ, giai điệu đẹp nhất khi ấy, là giai điệu của trái tim, và người lắng nghe họ khi ấy, ngoài chính họ ra, chỉ có bến, có trăng và nước…

Thế rồi, những mùa màng hợp tác đã đi qua, thời kỳ khoán ruộng đến. Không còn cảnh làm ăn tập thể, những chiếc thuyền gỗ lớn chuyên chở lúa trên sông cũng không được sử dụng nữa. Ở làng xuất hiện những chiếc xe cải tiến giúp bà con chở lúa và nông sản. Cuộc sống có nhiều đổi thay. Ở làng cũng xuất hiện những chiếc xe đạp, dấu hiệu của cơ giới hóa đã về với nông thôn. Lúc này, với một chiếc cầu cong, người đi xe đạp thì chưa đến nỗi khó khăn lắm, bởi xe đạp nhẹ, gắng sức một chút là đẩy qua. Nhưng khổ nhất là xe cải tiến của bà con nông dân chở thóc lúa qua cầu. Xe đến bên gốc gạo là dừng lại, chờ nhắn người nhà ra cầu, chờ người làng đi làm về qua, nhờ nhau chung sức đẩy giúp xe qua cây cầu cong như cái cầu vồng lúc này sao mà chướng, mà vô duyên đáng ghét đến thế! Lại cũng có khi, không có người để nhờ hoặc không thể chờ lâu, bà con phải rỡ lúa khỏi xe bê sang bờ bên kia, còn chiếc xe không sẽ được đẩy qua cầu nhẹ nhàng và người ta lại hì hụi xếp hết lúa lên để chở về nhà. Biết bao nhiêu là vất vả, mệt nhọc, bao nhiêu mồ hôi công sức của dân làng, cây cầu vồng cong ấy chứng kiến và thấm lấy tất cả. Để rồi cuối cùng, khi những con thuyền gỗ lớn chở lúa trên sông đã hoàn toàn vắng bóng, cây cầu đá đã thay thế vào vai trò lịch sử của cầu vồng. Những bến thóc dấu yêu của tôi không còn nữa…

Mỗi khi hoài nhớ về những bờ bến, những cội cây của làng mình, tôi cũng nhớ cây cầu vồng cong như cái vòm mây râm mát lướt qua con thuyền chở đầy nắng và lúa vàng óng dưới nền trời hè bỏng gắt. Đôi khi tôi được mẹ cho xuống con thuyền ấy, lướt trên sông một đoạn, từ bến này đến bến kia, rất gần nhau thôi, gần đến nỗi chưa thấm được cảm giác bồng bềnh chao động của sông nước lênh loang thì thuyền đã cập bờ bến mới. Những nuối tiếc của một cô bé con rời thuyền ngày ấy, cũng giống như những tiếc nuối và nhớ nhung của người con xa quê, ngày về làng bỗng thấy mất đi đâu những bến bờ yêu dấu, không chỉ của làng mình, mà làng bên, rồi làng bên nữa. Thì ra, một cuộc đổi dời nào đó khiến điều ấy đã xảy ra, không chỉ ở một ngôi làng!

Tôi luôn mường tượng, những cây cổ thụ của làng, những mái đình và bờ bến, những cây cầu, dòng sông là nơi rốn làng giữ chuyện của người xưa. Có những bờ bến ấy, làng có những cái mốc, những điểm dừng trong hành trình sự sống, để ngơi nghỉ, để tụ họp, vui chơi, để bàn việc lớn, để tiếp nối, hẹn hò. Sẽ có cả vui tươi và đầm ấm, kết nối và lan tỏa, cả những cái nắm tay ngùi ngậm, nước mắt hay chia ly. Đôi khi tôi mường tượng những vòm cây như chiếc ô trời tỏa bóng, những bến bờ như mỗi vành nôi. Biết bao con người làng quê nơi ấy, đã được chở che và xoa dịu, được ru êm và nuôi nấng, để rồi mai sau biết khát khao, mong mỏi, biết giữ gìn và viết tiếp những ký ức của làng.

Tôi cũng luôn mường tượng, rằng bóng dáng những người xưa còn đậu lại nơi vòm cây ấy, còn in dấu chân mình nơi những bến bờ yêu dấu ấy. Có những hình bóng gắn với những câu chuyện xa xưa được kể mãi đã trở thành huyền thoại…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bến bờ yêu dấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO