Bên thềm năm học mới

Nguyễn Minh Hoa 09/09/2021 10:00

Xưa (lại ngày xưa), cái gì cũng thiếu - thiếu nên quý thì phải? Giấy vở, sách bút đều là những thứ quvà thiếu cả. Nhà nào con đàn, nuôi con ăn học càng thấm chuyện này.

Bìa cuốn vở ô ly 96 trang của học trò “thời xưa”.

Học cấp 1, vở ô ly kẻ tím, kẻ xanh của nhà máy giấy Bãi Bằng, 32 trang, rồi vở 48 trang, khi nào được Liên Xô tài trợ thì có vở ô ly kẻ xanh, bìa in hình hai bạn nhỏ, đeo khăn quàng đỏ ở xứ xa lắc, trẻ con hít hà đúng là... sướng điên. Vở ấy 96 trang, khổ nhỏ, ô ly cũng bé hơn vở Bãi Bằng. Đấy là những loại hạng sang, không phải nhà nào cũng mua được, vì thứ giấy này bán phân phối trong cửa hàng bách hóa tổng hợp của huyện. Thường thì con em “cánh thoát ly” mới mua được, còn phần đông là các bà mẹ đi chợ mua cho con vở ở các bà hàng xén trong chợ. Đó là những cuốn vở gia công, mực in dòng kẻ đậm, màu xanh, giấy mỏng tang, có khi viết bút mực còn nhòe. Giấy vở gia công này trang có thể đủ, nhưng khổ giấy bị ăn bớt nguyên liệu nên bé tí, nhìn xấu hơn hẳn những cuốn vở nhà máy. Nhưng biết làm sao, được đi học đã là quý, nên đây chỉ coi là khó khăn nhỏ phải khắc phục mà thôi.

Xưa đi học, ít đứa có cặp xách, bố mẹ thường kiếm cho cái túi vải bạt, hay khâu cho cái túi từ bao tải dứa, để quyển vở, cái bút chì, vài thoi phấn và cái bảng gỗ cũ của anh chị vào túi, coi như đủ tư cách đến trường. Trẻ con khoác lên vai chạy thục mạng theo chúng bạn, vui như hội, chẳng nghĩ gì vì đứa nào trong xóm, trong làng cũng thế cả. Thời đó, họa hoằn mới có đứa có dép quai hậu - cũng thường là con nhà thoát ly - còn phần lớn đi dép lê bằng nhựa màu xanh, hồng hay mòn vẹt. Có không ít đứa còn đi chân đất. Sân trường đất mịn, náo loạn và bụi mù dưới chân bọn trẻ từ tinh mơ cho đến lúc tan trường, tắt nắng. Lớp học nền đất, cửa giả tuềnh toàng, hầu như không có cánh cửa, bàn ghế chắp vá. Ghế có khi còn đắp xi măng, bàn ngồi xúm xít 4 đứa. Thế mà học hăng, đọc đồng thanh đua nhau gân cổ, cô hỏi thì giơ tay phát biểu rào rào. Cô lại rất hay gọi những bạn ít hoặc không giơ tay...

Ôi! Thật là nhớ.

Thế rồi, thấm thoát cũng qua từng năm học. Đứa giỏi, đứa dốt lộ rõ trong điểm và ai cũng tin với điểm số ấy. Có thể không nói ra, nhưng mỗi bậc làm cha, làm mẹ đều đã có toan tính cho con mình. Chẳng thế mà, hết cấp 1, lên cấp 2, nhiều đứa “rụng” ở nhà chăn trâu, cắt cỏ, hay dọn hàng cho mẹ, tập buôn bán. Cả chúng và bố mẹ chúng đều yên lòng không so đọ khi các bạn vẫn tiếp tục học cấp 2.

Cấp 2, mốc lớp 7, rất quan trọng, đứa nào học giỏi, bố mẹ có khó cũng đầu tư cho ăn học, đứa nào học dốt, lười học cũng lại “rụng” tiếp. Đôi khi, có đứa học giỏi nhưng kinh tế bố mẹ đuối, chị phải nhường em, em phải nhường anh, vì sức bố mẹ không kham nổi cả mấy anh chị em ăn học. Đứa học giỏi mà phải bỏ học thì cả cô, trò và bố mẹ tiếc mãi. Tiếc cho đến họp lớp sau này bạn bè ngồi bên nhau vẫn nói mãi chuyện ấy với câu “giá mà”. Nhưng thôi, đó cũng là số phận, mà mỗi chúng ta phải đón nhận, trong hành trình của mình.

Lại nói về chuyện giấy vở. Quyển vở 5 hào 2 và giấy tập Bãi Bằng, theo bước học sinh cả một chặng dài 11, sau này là 12 năm. Giấy kiểm tra không sẵn, mà phải bật giấy trong cuốn vở ô ly ra, viết tay, rồi kẻ chia 2 khung. Khung nhỏ là “Điểm”, khung còn lại là “Lời phê của thầy, cô giáo”. Nhiều đứa ẩu ghi mỗi chữ “Lời phê” sẽ bị nhắc là không tôn trọng thầy, cô giáo, viết câu cụt lủn.

Tập giấy Bãi Bằng là dấu mốc phân biệt học sinh cấp 1 với cấp 2. Cứ cuối tháng 8 là anh chị em ngồi đo đo, cắt cắt đóng quyển. Thường là bìa xanh, hay nâu đất, nhiều nhà tiết kiệm dùng giấy xi măng cho con đóng bìa sách vở. Nhãn vở xưa cũng hiếm, nhà cẩn thận bố mẹ hay anh chị lớn ngồi đóng sách, kiểm vở cùng con, đến cái nhãn vở cũng cắt viền cho cân xứng, viết nắn nót xong mới dán lên góc trái bìa vở. Nhiều nhà thây kệ con thì phải, nên bọn trẻ cắt một vuông giấy nhỏ, lệch thiên thẹo, viết vài chữ tên trường lớp, tên mình nguệch ngoạc vào đó, rồi dán giữa trang bìa, rất xấu. Cô giáo phải nhắc để về làm lại. Xưa không có hồ dán đóng hộp sẵn như bây giờ, mà trẻ con phải dán sách vở bằng hồ, tự nấu bằng bột gạo nếp. Nhiều đứa không kiếm được bột nấu hồ dán vở bằng cơm, rất xấu. Quyển 32 trang cho môn phụ, 48 trang cho các môn chính như văn, toán. Nhìn những quyển vở nâu, nhãn tự chế bằng bút mực Cửu Long, vẽ hoa, hay kẻ góc không ít người rưng rưng. Nhà nào sang thì có quyển họa báo bọc vở cho con - thường là họa báo Liên Xô - những nhà này thường phải là có họ hàng, mối quan hệ với người ngoài Hà Nội, chứ hiệu sách huyện, hay tỉnh cũng không thấy bán loại này.

Sách giáo khoa thì sẵn trong tủ của nhà vì có thể anh chị lớp trên học xong để lại, nếu không thì vào năm học mượn của nhà trường. Mấy đứa cao lớn thường giúp cô lên thư viện bê về lớp. Lúc cô “phát sách” thường rất hồi hộp vì sợ bị quyển cũ nát, mất trang. Đứa nào được quyển mới, nguyên vẹn, thì mừng ra mặt. Thường thì việc này diễn ra hôm tổng duyệt nghi thức trước khai giảng.

Quyển nháp, là một quyển khá quan trọng, có trong đầu của bà mẹ hay lo. Nhà 3,4 hay 5 con ăn học, giấy nháp cũng là cả vấn đề. Giấy xi măng không cứu được việc này, nên thường bố mẹ phải tận dụng, xin hay mua những quyển hóa đơn về cho con em mình nháp bài. Xưa, học có lẽ khác bây giờ nhiều, vở ghi chép lý thuyết, vở bài tập và vở nháp luôn đi cùng nhau. Các môn đều cần nháp, nháp cho đúng với ghi vào vở, không có chuyện học sinh có vở bài tập in sẵn, điền vào kết quả như bây giờ. Có lẽ vì tay ghi, đầu nghĩ và tính, nên bài vở được nhớ lâu, nhớ kĩ cho đến tận mãi sau này. Hơn nữa, vì là đi học có nháp, nên mọi sự sau này cũng được con người ta cân nhắc, thận trọng hơn trong lời nói cũng như việc làm. Người ta không ăn nói hàm hồ, mà có lý, có tình hơn nay rất nhiều. Việc làm nhìn ra có lợi lộc mấy, cũng có thời gian nghĩ đến hậu quả cho mình và cộng đồng. Dường như cuộc sống không bị cuốn nhanh theo sự hối hả, bất chấp để đạt được mục đích.

Sau này, giấy vở nhiều, giấy trắng không thiếu, viết bút loại tốt, sướng tỉnh cả người, không ít người nhớ đến những trang giấy còn nguyên vẩy rơm, cậy lên là rách. Thế nhưng ngày ấy, không vì cái ngòi bút mực không ăn giấy mà chữ nghĩa không được viết lên trang. Những thế hệ vẫn học và thi hết lớp, hết cấp và chọn cho mình những ngả đường theo dự định riêng.

Sau này, khi máy tính chưa phổ biến, người ta dùng giấy A4 để viết, cứ nhìn ai sắp giấy, vuốt lề, hay nhặt giấy 1 mặt về làm nháp biết ngay người biết thu vén, làm thân với sách bút, trọng hoặc sống bằng chữ nghĩa. Người thế này có lẽ dễ gần, dễ tin hơn - Đấy là cách nghĩ của riêng tôi - Có lẽ thế hệ 7X chúng tôi đi từ giấy 5 hào 2 sang đến máy tính xách tay, được khen là khởi đầu của công nghệ và cũng bị chê bôi như những kẻ lạc hậu chậm tiến, thậm chí kẻ hợm mình còn bảo kéo lùi lịch sử phát triển... Nhưng tôi biết, chúng tôi giữ được những tin yêu của thế hệ đi trước và cả thế hệ 8X, 9X và 2K sau này, nên vững tin mà bước tiếp chặng đường của mình, bằng những gì mình chắt chiu, cất giữ.

Bên thềm năm học mới, trong một ngày mùa thu giãn cách, lòng người chẳng nguôi yên những chung riêng. Vội ghi đôi dòng, để nhớ.

Tập giấy Bãi Bằng là dấu mốc phân biệt học sinh cấp 1 với cấp 2. Cứ cuối tháng 8 là anh chị em ngồi đo đo, cắt cắt đóng quyển. Thường là bìa xanh, hay nâu đất, nhiều nhà tiết kiệm dùng giấy xi măng cho con đóng bìa sách vở. Nhãn vở xưa cũng hiếm, nhà cẩn thận bố mẹ hay anh chị lớn ngồi đóng sách, kiểm vở cùng con, đến cái nhãn vở cũng cắt viền cho cân xứng, viết nắn nót xong mới dán lên góc trái bìa vở.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bên thềm năm học mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO