Bệnh của người cao tuổi khi trời lạnh: Nguyên nhân và cách phòng tránh

Lan Anh 12/01/2021 15:17

Thời tiết lạnh kéo dài nhiều ngày ảnh hưởng tới sinh hoạt và sức khỏe của tất cả mọi người. Tuy nhiên, đối với người cao tuổi, các chức năng vận động, đề kháng dần suy giảm dần dẫn đến nguy cơ cao về sức khỏe.

Nguyên nhân dễ nhiễm bệnh ở người cao tuổi

Ở người cao tuổi, khối cơ giảm xuống dần theo tuổi. Lượng cơ giảm có nghĩa là “tấm áo” che phủ cơ thể bị mỏng đi và những cơ quan quan trọng như tim, phổi, gan, thận… sẽ kém được bảo vệ, các mạch máu lớn sẽ tiếp xúc nhiều với không khí lạnh và nhiệt độ sẽ bị mất làm cho thân nhiệt bị giảm.

Lớp mỡ dưới da của người cao tuổi sẽ giảm nhiều do ăn uống kém không bù đủ lượng tiêu hao vì vậy lớp “cách nhiệt” tốt nhất của cơ thể bị giảm hoặc mất tác dụng. Số lượng mạch máu bị giảm cùng với khối cơ cũng kém dần do thành mạch bị xơ vữa nên da người già thường lạnh hơn người trẻ vào mùa đông.

Không khí lạnh là một yếu tố tác động không tốt tới đường hô hấp, từ đó làm bùng phát các bệnh hô hấp mạn tính ở người cao tuổi chưa kể môi trường ẩm thấp tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus gây cúm, gây viêm phổi phát triển mạnh, dễ tấn công người cao tuổi và cũng là nguyên nhân khiến nhiều người cao tuổi phải nhập viện vì các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, tim mạch, đột quỵ….

Người cao tuổi dễ nhiễm các bệnh hô hấp khi trời lạnh. (Ảnh minh hoạ)

Chính vì vậy, cần phải lưu ý một số điều sau trong chăm sóc người cao tuổi khi trời lạnh nhằm phòng, tránh nhiễm bệnh. Cụ thể:

Giữ nhiệt độ cơ thể ổn định

Người cao tuổi cần chú ý mặc áo ấm, tất, mũ, găng tay, quần áo mặc giữ độ thoáng. Ở trong nhà nên có thiết bị sưởi giữ nhiệt độ ổn định cho cơ thể người già. Tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể dấn tới tai biến mạch máu não sẽ rất nguy hiểm.

Hạn chế ra ngoài, nhà vệ sinh nên đặt gần nơi ở của người cao tuổi. Trong trường hợp cần thiết, gia đình nên bố trí để người già di chuyển bằng những những phương tiện kín gió như ô tô, tàu hoả.

Bổ sung chế độ dinh dưỡng phù hợp

Trong những ngày lạnh, người cao tuổi cần ăn đồ ăn nóng, dễ tiêu hóa, tránh những đồ ăn cứng, bổ sung dinh dưỡng theo chỉ định với những người có bệnh lý đặc biệt đảm bảo lượng dinh dưỡng trong ngày. Bên cạnh đó, cần động viên người già tăng cường sử dụng thực phẩm, đồ uống tăng cường nhiệt như thịt, cháo bổ dưỡng, trà gừng…

Canh bí đỏ nấu thịt - một trong những món ăn bổ dưỡng cho người già. (Ảnh minh hoạ)

Mùa lạnh, người cao tuổi có thể ăn nhiều hơn mùa hè do cơ thể phải tiêu tốn năng lượng nhiều hơn để bù lại lượng nhiệt mất ra môi trường. Lưu ý, cần ăn thức ăn nấu chín kỹ, mềm, dễ tiêu, số lượng ít nhưng chất lượng phải đảm bảo như súp, cháo thịt, các món hầm… Đặc biệt, cần chia thành nhiều bữa nhỏ, không nên dồn ép vào 1-2 bữa trong ngày sẽ làm cơ thể người cao tuổi khó hấp thụ.

Cần có các bài tập vận động hợp lý

Người cao tuổi nên tập thể dục trong thời gian ngắn với những bài tập nhẹ, không nên tập quá sức sẽ phản tác dụng. Những bài tập này sẽ giúp khí huyết lưu thông, không bị cứng cơ, teo cơ, tinh thần sảng khoái; củng cố và tăng cường sự hoạt động của hệ tim mạch, hô hấp; giảm đường huyết; giảm mỡ máu; ăn uống chóng tiêu và giúp cho cơ thể tăng khả năng chịu lạnh. Khi tập thể dục cũng phải chọn chỗ kín gió, ấm áp, thậm chí có thể tập ngay trong nhà khi thời tiết quá lạnh. Không nên cố tập khi thời tiết quá lạnh.

Cần kiểm tra ngay những dấu hiệu bất thường

Nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi vào những ngày lạnh khá cao. (Ảnh minh hoạ)

Người cao tuổi cần thường xuyên đo huyết áp, tim mạch, để ý những dấu hiệu bất thường như : chóng mặt, đau đầu, rối loạn ngôn ngữ, chán ăn... Trong trường hợp xấu nhất, đối với những người già bị tai biến khi thời tiết rét, trong khi chờ đợi xe cấp cứu đến hãy để người già nằm nơi ấm áp, kín gió; tăng cường nhiệt, giữ ấm ngực, cổ, đầu và bẹn bằng những thiết bị tăng cường nhiệt như chăn, túi chườm.

Theo Tổng hợp
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh của người cao tuổi khi trời lạnh: Nguyên nhân và cách phòng tránh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO