Bệnh đậu mùa khỉ thuyên giảm: Không thể chủ quan

Hà Anh 05/10/2022 07:10

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự lây truyền bệnh đậu mùa khỉ đang chậm lại ở các điểm nóng châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, ở Mỹ số ca mắc mới lại đang tăng ở một số bang. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, đợt bùng phát này còn lâu mới kết thúc.

Đã có hơn 67.000 trường hợp được báo cáo ở các quốc gia chưa từng ghi nhận bệnh đậu mùa khỉ trước đây. Ảnh: AP.

Yếu tố tích cực

Theo số liệu từ WHO, đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 67.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và 16 trường hợp tử vong trong năm nay, tuy nhiên, đã có dấu hiệu lây truyền chậm lại tại châu Âu và Mỹ, các ca mắc mới đã giảm kể từ tháng 8.

Phát biểu trong một cuộc họp báo gần đây, Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Tại châu Mỹ, nơi chiếm hơn một nửa số ca được báo cáo, một số quốc gia tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm ngày càng tăng. Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng khích lệ khi xu hướng giảm liên tục ở Canada".

Một số quốc gia châu Âu như Đức và Hà Lan cũng đang chứng kiến sự bùng phát chậm lại rõ ràng, điều này chứng minh hiệu quả của các biện pháp can thiệp y tế cộng đồng và sự tham gia của cộng đồng để truy vết các ca bệnh và ngăn ngừa lây truyền.

"Những dấu hiệu này xác nhận những gì chúng tôi đã nói nhất quán từ đầu rằng, với các biện pháp phù hợp, đợt bùng phát đậu mùa khỉ có thể được ngăn chặn" – ông Tedros nói.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu chỉ ra hiệu quả của vaccine đối với bệnh đậu mùa khỉ cũng khiến các nhà quản lý y tế thêm lạc quan. Đầu tháng 10, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khẳng định, vaccine đậu mùa khỉ có hiệu quả cao, bảo vệ mọi người sớm nhất là hai tuần sau liều đầu tiên.

Một phân tích sơ bộ do cơ quan này đăng tải cho thấy từ ngày 31/7 đến ngày 3/9, những người chưa tiêm phòng có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ cao gấp 14 lần so với những người đã được tiêm phòng, 14 ngày sau mũi tiêm đầu tiên. Kết quả dựa trên các trường hợp lây nhiễm đã được xác nhận từ 32 khu vực pháp lý trên toàn nước Mỹ.

Giám đốc CDC Mỹ, bà Rochelle Walensky cho biết: “Những dữ liệu mới này cung cấp cho chúng tôi mức độ lạc quan thận trọng rằng, vaccine đang hoạt động như dự kiến”. Tuy nhiên, bà Walensky cũng lưu ý rằng: “Ngay cả khi có được dữ liệu đầy hứa hẹn trên, chúng tôi đặc biệt khuyên mọi người nên tiêm hai liều vacicne Jynneos cách nhau 28 ngày để đảm bảo khả năng bảo vệ miễn dịch lâu dài và bền vững”.

Không thể chủ quan

Gần 4 tháng sau báo cáo đầu tiên về bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ, loại virus này đang có những dấu hiệu rút lui đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, số trường hợp mắc mới lại đang tăng nhanh ở một số tiểu bang của Mỹ như Indiana, Virginia và Massachusetts. Đàn ông da đen và gốc Tây Ban Nha chiếm gần 2/3 số người bị nhiễm bệnh, nhưng chỉ khoảng 1/4 số người được tiêm chủng cho đến nay. Ông David Harvey - Giám đốc điều hành của National Coalition of STD, cho biết: “Tiến độ của chúng tôi rất không đồng đều. Đợt bùng phát này còn lâu mới kết thúc".

Bên cạnh đó, báo cáo về việc một liều vaccine đậu mùa khỉ Jynneos duy nhất có thể không đủ mạnh để bảo vệ, làm dấy lên những lo ngại mới. Các quan chức y tế liên bang cũng cảnh báo rằng, virus có thể kháng với tecovirimat, phương pháp điều trị an toàn duy nhất cho những người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Tiến sĩ Marion Koopmans, Trưởng khoa virus học tại Trung tâm Y tế Erasmus ở Rotterdam, Hà Lan, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết, sử dụng 2 liều đầy đủ sẽ hiệu quả hơn nhưng vẫn ở mức "khiêm tốn".

Trong một nỗ lực để kéo dài nguồn cung cấp vaccine, chính quyền Tổng thống Biden đã áp dụng chiến lược chia nhỏ liều, 1/5 liều thông thường được đưa vào da chứ không phải sâu bên dưới lớp mỡ. Cách tiếp cận này đã được thử nghiệm trong các trường hợp thiếu vaccine khác.

Nhưng các nhà quản lý y tế và một số nhà khoa học đã nghi ngờ phương pháp này. Nhóm nghiên cứu ở Hà Lan đã không xem xét việc sử dụng liều lượng chia nhỏ (liều phân đoạn) bằng 1/5 liều thông thường sẽ có hiệu quả bảo vệ như thế nào. Nhưng trong một nghiên cứu trước đó, họ đã thử nghiệm một loại vaccine cúm gia cầm tương tự như Jynneos và nhận thấy rằng, hai liều phân đoạn tạo ra lượng kháng thể thấp hơn nhiều so với hai liều đầy đủ.

“Tuy nhiên, có thể sự kết hợp của một liều đầy đủ và một liều chia nhỏ có thể hoạt động tốt” - Tiến sĩ Koopmans nói.

“Chúng ta còn biết rất ít về hiệu quả của liều lượng thông thường, chứ đừng nói đến liều lượng phân đoạn, vì Jynneos được phê duyệt chủ yếu dựa trên dữ liệu từ động vật. Nhưng bằng chứng cho đến nay cho thấy rằng, 2 liều tốt hơn 1 liều” - Tiến sĩ Peter Marks từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho biết.

Một số bằng chứng còn cho thấy, liều thứ 3 được tiêm một năm sau 2 liều đầu tiên sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Nếu điều đó trở thành sự thật, một chế độ 3 liều có thể là lý tưởng để kiểm soát lây nhiễm đậu mùa khỉ về lâu dài. Tuy nhiên, Tiến sĩ Marks cho biết, các nhà khoa học liên bang vẫn đang tranh luận về việc có nên thử nghiệm liều thứ 3 hay không.

Một thử nghiệm mới do Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) dẫn đầu, bắt đầu vào đầu tháng này, sẽ thu nhận 200 người lớn và so sánh liều tiêu chuẩn với liều 1/5 và 1/10. Nếu các liều chia nhỏ được chứng minh có hiệu quả tương đối, thì phương pháp chia nhỏ liều sẽ mở rộng đáng kể nguồn cung vaccine đậu mùa khỉ trên thế giới, trong đó có cả các quốc gia hiện chưa có vaccine.

CDC Mỹ cho biết, sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ đang chậm lại nhưng virus lan rộng đến mức khó có thể loại bỏ được. Ông Marc Lipsitch - Giám đốc khoa học của CDC Mỹ do dự khi nói rằng bệnh đậu mùa ở khỉ sẽ không tồn tại vĩnh viễn, nhưng ông khẳng định, nó sẽ vẫn là một mối đe dọa trong vài năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh đậu mùa khỉ thuyên giảm: Không thể chủ quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO