Bệnh gout: Gia tăng bệnh nhân trẻ tuổi

THANH MAI 05/06/2022 07:18

Theo các chuyên gia y tế, gout (gút) là một trong những bệnh về xương khớp phổ biến, chiếm khoảng 1/3 số người bệnh đến khám các vấn đề về xương khớp. Bệnh này trước đây ít được biết đến và thường được xem là bệnh của nam giới trên 50 tuổi, song hiện nay ngày càng gặp nhiều gặp ở người trẻ.

Bệnh nhân gout bị biến chứng.

Nhiều người chủ quan

Theo định nghĩa mới của Hiệp hội Chống các bệnh thấp khớp châu Âu, gout là bệnh lắng đọng vi tinh thể muối urat natri trong cơ thể. Từ định nghĩa trên, nếu tìm được những lắng đọng vi tinh thể urat natri (tophi) trong cơ thể thì người đó có thể đã bị bệnh gout. Siêu âm khớp, thận đối chiếu với X-quang giúp phát hiện sớm những mảng muối urat bám vào khớp, sỏi urat ở thận, cục tophi ở dưới da trên cả những người tăng axit uric máu chưa triệu chứng.

BS Nguyễn Trần Trung (khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện E Hà Nội) cho hay, hiện người đến khám do bệnh gout chiếm tới 30% số lượng bệnh nhân tại cơ sở y tế này. Đặc biệt thời điểm này, khi thời tiết thay đổi, các cơn gout cấp dễ xảy ra và diễn biến liên tục hơn.

Thống kê cho thấy, các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh gout cao là nam, nữ tuổi từ 40-60, phụ nữ sau mãn kinh. Người béo phì có nguy cơ bị gút cao gấp 5 lần người bình thường, 75% bệnh nhân gout mạn lạm dụng bia rượu, ăn nhiều thịt. Ngoài ra còn gặp ở những người mắc bệnh thận (thận đa nang, suy thận mạn), bệnh máu (thiếu máu huyết tán, bệnh bạch cầu thể tuỷ mạn tính), nhiễm độc chì…

Còn PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa (Trưởng khoa Nội Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, gout là một trong những bệnh về xương khớp phổ biến, chiếm khoảng 1/3 số người bệnh đến khám các vấn đề về xương khớp. Trung bình cứ 4 người bệnh đến phòng khám Nội cơ xương khớp được chẩn đoán mắc gout, thì có 1-2 người trong độ tuổi 30-40. Nhóm bệnh nhân trẻ tuổi đang có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, đặc điểm chung của hầu hết người trẻ mắc gout thường xem nhẹ tình trạng bệnh, cho rằng không nguy hiểm bằng các bệnh đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… nên không tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Điểm đáng nói là những cơn gout cấp khi mới xảy ra thường rất đột ngột, kéo dài từ vài ngày đến 1 tuần rồi “biến mất” khá lâu (lâu nhất là 3 năm) sau đó mới tái phát. Khoảng thời gian cơ thể được “nghỉ ngơi” này khiến nhiều người tưởng rằng đã khỏi bệnh rồ nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là. Nhiều bệnh nhân chỉ dùng thuốc khi sưng đau khớp, sau đó triệu chứng cải thiện thì tự ý bỏ thuốc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Biến chứng nguy hiểm đến xương

Theo các chuyên gia y tế, một số biến chứng bệnh gout thường gặp là tổn thương xương khớp. Khi những tinh thể muối axit uric đọng lại ở các đầu khớp sẽ kết tủa thành các u cục mềm gọi là hạt tophy. Hạt này là thủ phạm gây viêm hoạt dịch, khiến sụn bị tổn thương rồi dần dần mất hẳn chức năng. Bệnh gout có nguy hiểm không. Nhiều trường hợp người bệnh gout không được điều trị kịp thời sẽ bị nhiễm trùng khớp phải đốt khớp, cắt cụt chi. Đặc biệt nếu người cao tuổi bị thoái hóa khớp lại mắc bệnh gout thì quá trình này diễn ra càng nhanh chóng hơn.

BS Nguyễn Trần Trung cho biết, triệu chứng để phát hiện bệnh gout sớm là bệnh nhân bị đau ở vị trí khớp bàn chân, ngón cái, cổ chân, gối... Khi bệnh chuyển lên tay, diễn biến đã nặng. Vị trí đau ở một khớp không có tính chất đối xứng. Cơn đau sẽ tăng dần và diễn ra tối đa trong 24h tiếng. Bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ngay cả không di chuyển hoặc vô tình chạm phải. Cơn gout cấp đầu tiên sẽ tự khỏi, sau đó người bệnh phải điều trị khi bệnh nặng dần. Bệnh nhân sẽ đau nhiều vào ban đêm hơn ban ngày, sáng sớm ngủ dậy thấy khớp sưng to.

Theo các chuyên gia y tế, có khoảng 15% bệnh nhân bị gout xảy ra tổn thương thận, 2 bệnh lý về thận thường gặp là viêm thận và suy thận. Lý do là bởi khi bạn bị gout, thận sẽ cố gắng làm việc hết công suốt để tống khứ axit uric ra ngoài, tuy nhiên lúc này ống dẫn niệu sẽ bị lắng đọng rất nhiều muối urat. Quá trình này kéo dài gây ra sỏi thận, sỏi làm tắc nghẽn và nhiễm trùng đường tiểu gây suy thận.

BS Trung cũng cho biết, nếu phát hiện bệnh sớm, lượng tinh thể muối urat lắng đọng còn ít thì việc điều trị tan urat sẽ dễ dàng hơn những người đã bị gout mãn tính. Nếu điều trị phục hồi các rối loạn chuyển hóa, đồng thời làm sạch tinh thể muối urat thì cũng có thể được coi là hết bệnh gout. Tuy nhiên dù có được điều trị hết gout, bệnh nhân vẫn cần duy trì chế độ sinh hoạt ăn uống hợp lý để chống tái mắc bệnh.

Việc lạm dụng thuốc giảm đau ở bệnh nhân gout có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, gãy xương, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, đột tử… Do vậy các bác sĩ khuyến cáo người bệnh khi được chẩn đoán mắc gout nên bình tĩnh đối mặt và chấp nhận liệu trình điều trị lâu dài.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh gout: Gia tăng bệnh nhân trẻ tuổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO