Bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn được cứu sống hy hữu

11/09/2020 20:08

Hành trình cứu sống bệnh nhân ở Tây Ninh bị rắn hổ chúa cắn được xem là một “kỳ tích” đối với đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Nhờ sức khỏe hồi phục tốt, bệnh nhân Phan Văn Tâm, ngụ tỉnh Tây Ninh – người mang rắn hổ mang chúa trên tay vào bệnh viện cấp cứu sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Đây là 1 trong 2 ca bị rắn hổ chúa cắn được cứu sống tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM trong hàng chục năm qua. Hành trình cứu sống bệnh nhân này cũng được xem là một “kỳ tích” đối với đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Bệnh nhân bị rắn cắn đã phục hồi rất tốt.

Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, 16 năm qua, Khoa Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận và điều trị cho 8 trường hợp bị rắn hổ chúa cắn, trong đó chỉ cứu được 2 ca.

Theo bác sĩ Hùng, do môi trường sống của rắn hổ chúa thường ở các khu rừng sâu, rừng già, khu vực hẻo lánh nên không có nhiều trường hợp được đưa đến nhập viện. Tuy nhiên, điều đáng nói là nọc độc của rắn hổ chúa thuộc loại độc nhất trên cạn, người bị rắn cắn thường tử vong trước khi đến bệnh viện.

Các nạn nhân bị rắn hổ chúa cắn diễn tiến nặng, có nhiều trường hợp sau khi truyền huyết thanh kháng độc đã ổn định, tỉnh lại nhưng rồi suy tim nhanh, tổn thương đa tạng dẫn đến tử vong. Vì vậy đối với nạn nhân Phạm Văn Tâm, các bác sĩ phải tiến hành can thiệp biến chứng rất sớm.

Bệnh nhân sau khi được sử dụng huyết thanh kháng độc, bỏ máy thở đã được theo dõi viêm cơ tim và đặt máy hỗ trợ tạo nhịp rất sớm. Các bác sĩ cũng thay huyết tương, cắt lọc các mô hoại tử nhiều lần và lọc máu liên tục để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Bác sĩ Hùng cho biết, kho huyết thanh kháng độc rất hiếm được dự trữ trong nhiều năm qua đã được sử dụng hết cho ca bệnh này.

“Với ca bệnh này chúng tôi đã sử dụng tổng cộng 20 lọ huyết thanh và cho tới nay gần như kho dược đã cạn kiệt. Ngay lập tức khoa Dược Bệnh viện Chợ Rẫy đã phải xúc tiến ngay các biện pháp liên kết để nhập thêm, chuẩn bị cho các trường hợp kế tiếp”, Bác sĩ Hùng nói.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Kiều Ngọc Dũng, Phó Trưởng Khoa Điều trị rối loạn nhịp tim - Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân bị độc tố tấn công vào tim, tổn thương cơ tim cấp. Dù được hồi sức bằng huyết thanh giải độc nhưng tình trạng tổn thương cơ tim vẫn tiến triển, có biểu hiện rối loạn nhịp rất phức tạp nên việc sử dụng thuốc đơn thuần không thể hỗ trợ hoàn toàn cho việc điều trị. Các bác sĩ phải thường xuyên hội chẩn, cho bệnh nhân đặt máy tạo nhịp tim tạm thời, nhằm đảm bảo tim còn đập, sau đó mới dùng thuốc. Tuy nhiên, trên đường đưa bệnh nhân vào phòng mổ để đặt máy tạo nhịp thì tình trạng rối loạn nhịp tim càng nghiêm trọng, nguy cơ tử vong cao.

“Bác sĩ quyết định sẽ tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tại giường, vận chuyển các trang thiết bị cấp cứu ngay tại giường bệnh nhân. Và kết quả là cuộc đặt máy cho bệnh nhân rất tốt và đảm bảo nhịp tim, duy trì được sinh mạng, sau đó dùng các thuốc khác duy trì nhịp tim, phổi cho bệnh nhân”, Bác sỹ Dũng cho hay.

Mặc dù đã duy trì được sự sống, cắt lọc ghép da nhưng phần bị hoại tử còn rất nhiều, chiếm hơn 5% diện tích da cơ thể, cả ở vùng hông, bẹn, đùi và cơ quan sinh dục ngoài, nên anh Phan Văn Tâm được chuyển về Khoa Bỏng - Tạo hình để tiếp tục điều trị. Hiện vết thương nhiều nơi đã lành, nhưng sẽ để lại một số di chứng ở vùng khớp háng bên phải khiến bệnh nhân vận động khó khăn.

Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chi phí điều trị cho bệnh nhân Tâm hiện đã lên đến 482 triệu đồng. Nhiều mạnh thường quân đã tìm đến hỗ trợ bệnh nhân gần 1 tỷ đồng. Cả hai vợ chồng anh Phan Văn Tâm cũng được tặng 1 thẻ BHYT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn được cứu sống hy hữu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO