Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng

T.H 15/12/2022 07:21

Ngày 14/12, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần 50 giảm 14,7% so với trung bình 4 tuần trước, song vẫn ở mức cao so với cùng kỳ các năm. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng.

Bác sĩ Nguyễn Đình Qui thăm khám cho một bệnh nhân bị nhiễm tay chân miệng.

Từ đầu năm đến ngày 11/11, toàn thành phố ghi nhận 78.561 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng gần 7 lần với cùng kỳ năm 2021) với 1.930 ca bệnh nặng. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến nay là 2,46% (1.930/78.561), tăng hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tuần 50, trên địa bàn ghi nhận 50 ổ bệnh sốt xuất huyết mới phát sinh ở 31 phường, xã (giảm 12 ổ bệnh mới so với tuần 49). Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp, tăng 23 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Đối với bệnh tay chân miệng, tính đến ngày 11/12, thành phố ghi nhận 18.779 trường hợp mắc. Tuần 50 có thêm 182 ca bệnh tay chân miệng, tăng 92,3% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh tăng nhiều ở cả khám ngoại trú và điều trị nội trú. Địa phương có thêm hai ổ bệnh tay chân miệng mới, nâng tổng số lên 90 ổ bệnh trong năm 2022.

Theo các chuyên gia y tế, khi phát hiện các triệu chứng bất thường ở trẻ như nổi hồng ban ở tay, chân, sốt, biếng ăn, loét miệng.... thì cần nghĩ ngay tới bệnh tay chân miệng vì đây là một bệnh phổ biến ở trẻ em và rất nguy hiểm. Cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được hỗ trợ và điều trị kịp thời, tuyệt đối không được tự ý điều trị bệnh khi không có hướng dẫn của bác sĩ.

Người dân không được chủ quan trước dịch bệnh vì trẻ có thể mắc bệnh tay chân miệng nhiều lần trong đời. Ngoài ra, trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nặng nề như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí có thể tử vong khi mắc bệnh tay chân miệng.

Vì vậy, nếu nghi ngờ bị tay chân miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để xác định chính xác bệnh và được hướng dẫn cụ thể. Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa và là bệnh lây qua đường tiêu hóa, vì vậy biện pháp quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh cho trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO