Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp

Thanh Giang 03/06/2023 07:05

Tại TP Hồ Chí Minh, bệnh tay chân miệng đang gia tăng. Nhiều bệnh viện nhi những ngày gần đây ghi nhận các trường hợp trở nặng, biến chứng khi nhập viện.

Mỗi ngày khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 điều trị 20 - 30 trẻ bị tay chân miệng. Ảnh: TTXVN.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 1.670 trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 270 ca điều trị nội trú. HCDC cho hay, từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, số ca TCM liên tục biến động, có xu hướng tăng cao ở tuần 15 và bắt đầu giảm đến tuần 19, sau đó tiếp tục tăng trở lại ở tuần 21. Riêng trong tuần 21 ghi nhận 157 ca TCM, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (107 ca), trong đó số ca nội trú tăng 22% và số ca ngoại trú tăng 52%. Cụ thể, có 14/22 quận/huyện có số ca mắc tăng so với số ca mắc trung bình 4 tuần trước.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy (Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1) cho biết, số ca bệnh TCM đang gia tăng, trong đó có nhiều ca bệnh nặng. Hiện BV đang tiếp nhận điều trị cho 15 trường hợp, trong đó 1 ca nặng độ 3; 2 ca độ 2B. Báo cáo của BV Nhi đồng 1, ngày 31/5, có 1 trường hợp mắc TCM nặng đã tử vong. Bệnh nhi do bệnh viện đa khoa tỉnh Tiền Giang chuyển đến trong tình trạng rất nặng với bệnh cảnh phù phổi cấp và sốc nặng (độ 4).

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc BV Nhi đồng thành phố cho hay, hiện khoa Nhiễm có 3 ca nặng (1 ca thở máy, 2 ca thở oxy) và 13 ca nhẹ. “Khuynh hướng dịch bệnh gia tăng và trở nặng nhanh do Enterovirus 71 (EV71). Hiện bệnh nhi ở các tỉnh vào thành phố nhiều, cần lưu ý vì bệnh TCM lan rất nhanh” - BS Tiến nhận định. Tương tự, tại Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 hàng ngày điều trị từ 20 - 30 ca bệnh nội trú TCM.

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM lo lắng khi EV71 gây bệnh TCM nặng ở trẻ em. Thống kê cho thấy, tại các BV chuyên khoa Nhi của thành phố các bệnh nhi đều dưới 5 tuổi. Trong đó, có 9 ca nặng (3 ca tại quận Tân Phú và huyện Củ Chi), đã có 4 trường hợp nặng xác định do mắc EV71. Sở Y tế đang tiếp tục phối hợp với đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford giải trình tự gene xác định các chủng gây bệnh nguy hiểm của EV71. Đại diện Sở Y tế TPHCM khẳng định, các bệnh viện thành phố đều thực hiện được các xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh TCM.

Để phòng bệnh TCM hiệu quả, phụ huynh cũng được truyền thông rộng rãi về bệnh. BS Dư Tuấn Quy cho rằng, bệnh TCM đa phần có diễn biến nhẹ nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh có thể gây nhiều biến chứng như viêm não, viêm cơ tim dẫn đến suy hô hấp, tử vong. BS Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo, thường xuyên rửa tay dưới vòi nước và rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh các bề mặt hạn chế lây bệnh TCM cho trẻ nhỏ. Tại các trường mầm non, nếu phát hiện 1 - 2 trẻ bị TCM thì cần phải đóng cửa phòng học để vệ sinh kỹ, phun Cloramin B.

“Trẻ TCM phải nhập viện sẽ được điều trị theo phác đồ. Riêng trẻ bị TCM nhẹ điều trị tại nhà, cha mẹ cần theo dõi sát diễn biến của bệnh, cần thiết tái khám mỗi ngày. Đặc biệt, thấy bệnh nhi sốt cao không hạ, thở mệt và không đều, tay chân lạnh, da tím tái cần phải nhập viện ngay” - BS Tiến khuyến cáo.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), bệnh TCM lây truyền qua đường tiêu hoá: nước uống, bàn tay của trẻ hoặc của người chăm sóc trẻ, các đồ dùng, đặc biệt là đồ chơi và vật dụng sinh hoạt hàng ngày bị nhiễm virus từ phân hoặc dịch nốt phỏng, vết loét hoặc dịch tiết đường hô hấp, nước bọt. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể lây truyền do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua các dịch tiết đường hô hấp hoặc hạt nước bọt. Hiện Sở Y tế TPHCM đã thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn các trường hợp bệnh nặng và tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch TCM. Các BV chuyên khoa Nhi của thành phố sẵn sàng các trang thiết bị hồi sức các trường hợp nặng (lọc máu, ECMO...) và thuốc điều trị theo phác đồ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO