Bệnh tay chân miệng vào mùa

Giang Hương 26/09/2017 10:00

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trong các tuần gần đây có chiều hướng tăng và xu hướng tăng cao trong thời gian tới do đang là mùa dịch và học sinh vào năm học mới. Vậy người dân cần phải làm gì để phòng bệnh?


Giữ vệ sinh để phòng bệnh tay chân miệng ảnh: tl

Cả nước ghi nhận 43.162 trường hợp mắc bệnh

Theo báo cáo giám sát của các địa phương từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước ghi nhận 43.162 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 20.063 trường hợp nhập viện, không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trong các tuần gần đây có chiều hướng tăng và xu hướng tăng cao trong thời gian tới do đang là mùa dịch và học sinh vào năm học mới.
Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, thế nhưng thời điểm chuyển mùa, bệnh thường có cơ hội lây lan mạnh. Đỉnh dịch bệnh tay chân miệng ở khu vực phía Nam thường từ tháng 3 đến 5 và vào mùa tựu trường từ tháng 8 đến 9. Các chuyên gia cho rằng có thể thời tiết năm nay nắng mưa thất thường làm tăng đột biến bệnh tay chân miệng và sớm hơn so với chu kỳ đỉnh dịch các năm trước. Dự đoán từ nay đến cuối năm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Tại TP.HCM, hiện mỗi ngày bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị cho khoảng 50-60 trẻ bị tay chân miệng, tăng gấp đôi so với trước và đã xuất hiện rải rác các ca bệnh nặng độ 3, một số trẻ phải thở máy. Tuy nhiên, hiện nay đa số phụ huynh đã có kinh nghiệm nên phát hiện trẻ bệnh rất sớm và đưa vào viện khám kịp thời, ít để xảy ra biến chứng.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1, so với năm trước thì số ca bệnh tay chân miệng thời điểm này chưa tăng cao. Tuy nhiên, bệnh bắt đầu vào mùa và sẽ kéo dài từ 1 - 2 tháng tới đây. Dự kiến, phải đến tháng 11 thì bệnh mới giảm.
8 tháng đầu năm toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 4.700 trẻ bệnh tay chân miệng, gần 2.000 bé phải nhập viện, nhiều nhất là ở thành phố Biên Hòa với khoảng 1.400 ca. Theo bác sĩ Lê Văn Giai - trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng từ cuối tháng 6 và kéo dài đến nay. Hiện trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 60-80 ca bệnh nhập viện, tăng 4-5 lần so với các tháng đầu năm và cùng kỳ năm 2016.
Theo ngành y tế vùng ĐBSCL, hiện số ca bệnh tay chân miệng ở khu vực đang gia tăng nhanh chóng. Tại Bệnh viện Nhi Đồng thành phố Cần Thơ, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 100 lượt bệnh nhân, có ngày lên đến 120 bệnh. Theo nhận định của bác sĩ, bệnh tay chân miệng gia tăng trong những ngày qua là do vào chu kỳ phát bệnh và sẽ kéo dài đến hết năm.

Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, nhưng thời điểm chuyển mùa, bệnh thường có cơ hội lây lan mạnh. Các chuyên gia cho rằng có thể thời tiết năm nay nắng mưa thất thường làm tăng đột biến bệnh tay chân miệng và sớm hơn so với chu kỳ đỉnh dịch các năm trước. Dự đoán từ nay đến cuối năm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Không chủ quan
Bệnh tay - chân - miệng là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, dễ lây lan vì trẻ có ít kháng thể hơn người lớn và ít khả năng miễn dịch khi tiếp xúc. Đây là một bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn.
Nguyên nhân gây bệnh là do các loại virút thuộc nhóm đường ruột, trong đó hay gặp là vi rút đường ruột týp 71 (EV71) và coxsackie A16. Vi rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng. Các triệu chứng của tay chân miệng thường bắt đầu bằng sốt, biếng ăn, đau họng và mệt mỏi. Sau khoảng từ 1-2 ngày kể từ thời điểm bắt đầu sốt, những vết lở loét có thể xuất hiện trong miệng bé. Những vết đốm đỏ mọng nước bắt đầu nổi dạng ban trên da ở tay và chân, có thể cả trên đầu gối, khuỷu tay và mông bé. Phát ban này có thể có mủ nhưng thường sẽ không bị ngứa.
Nguy hiểm hơn là các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm và người nhà không chú ý. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Trong một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong. Bệnh rất nguy hiểm cho trẻ nếu bố mẹ phát hiện trễ và không điều trị kịp thời. Nguy hiểm hơn là bệnh có thể để lại biến chứng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt.. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, nhưng thời gian gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần. Tất cả những người chưa từng bị bệnh tay chân miệng đều có nguy cơ nhiễm bệnh, tuy nhiên bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Chủ động phòng bệnh
Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế vừa có Công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố cần huy động các ngành, các tổ chức chính trị -xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh tay chân miệng tại địa phương.

Sở Y tế các địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch lan rộng, kéo dài.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các Sở Y tế tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, quan tâm các bệnh nhân nặng nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị; Chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc… cho công tác phòng chống dịch.

Bộ Y tế cũng đề nghị các trường học ngay từ đầu năm học mới cần thực hiện vệ sinh lớp học, làm sạch bề mặt và đồ chơi hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, cung cấp đủ nước sạch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại các cơ sở giáo dục để tổ chức khám, điều trị, xử lý kịp thời ổ dịch…

Trẻ bị tay chân miệng nên nghỉ học từ 7 đến 10 ngày để tránh lây truyền cho các em khác. Cho bé ăn thực phẩm lỏng dễ tiêu, dùng thuốc giảm đau hạ sốt theo chỉ định. Không kiêng tắm mà phải giữ vệ sinh, tắm với xà phòng sát khuẩn và trong phòng kín gió.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh tay chân miệng vào mùa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO