Bệnh viện cũng lao đao vì... mất nước

Thư Hoàng 03/10/2015 00:45

Người dân đang sống ở Hà Nội, họ không đáng phải chịu một “phép thử” của sự thiếu thốn nước sinh hoạt. Cũng không thể để các bệnh viện phải đảo lộn, ngưng trệ vì thiếu nước sạch.

Bệnh viện cũng lao đao vì... mất nước

Tình trạng thiếu nước sạch ản hưởng tới nhiều bệnh viện.

1. Hôm qua, dư luận lại càng bức xúc khi đọc được trên các trang mạng lời nói của ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Vinaconex, đơn vị quản lý đường ống nước Sông Đà: “Mất nước một ngày thì có làm sao!”. Nhiều người bức xúc, có người giận giữ.

Đường ống nước sông Đà đã vỡ tới lần thứ 15, lần nào vỡ cũng khiến mấy chục ngàn hộ dân đang sống ở Thủ đô ảnh hưởng. Thế mà ông vẫn hồn nhiên đăng đàn nói một câu “xanh rờn” như thế, hỏi, sao không bức xúc?

Người ta còn tự hỏi, không biết ông Tốn có còn chút tình người nào không khi thốt ra điều đó. Bởi nếu ông phải trải qua những ngày không có nước sinh hoạt để dùng thì ông mới thấm thía nỗi lòng của người dân đang mong ngóng, chắt chiu từng giọt nước.

2. Nếu ở những lần vỡ đường ống nước trước mới chỉ thấy người dân kêu ca, phàn nàn thì đến lần thứ 15, nhiều bệnh viện đã bị ảnh hưởng nặng, dẫn đến phải điều chỉnh một số ca mổ vì không có nước sinh hoạt. Ví như một số khoa của Bệnh viện 198 người ta thấy bác sĩ phải đi xách nước, nhiều bệnh nhân trốn viện xin về.

Đại tá Lã Văn Hạnh - Trưởng phòng hành chính quản trị (Bệnh viện 198) đã than thở với cánh báo chí rằng: “Bệnh viện thiếu nước sạch đã 2 ngày, tình trạng đang rất căng thẳng, ảnh hưởng lớn đến công tác khám, điều trị của bệnh viện. Nhiều khoa điều trị chuyên môn khẩn cấp cần sử dụng nước như phòng mổ cấp cứu, phòng nhân chạy thận, nước phục vụ khu xử lý khuẩn, kiểm soát nhiễm khuẩn, chạy máy hấp sấy xử lý dụng cụ y tế đều không có nước để xử lý”.

Trong khi đó ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tình trạng thiếu nước còn trầm trọng hơn khi cả tuần lễ phải chắt chiu nước sạch. Ngay cả nguồn nước dự trữ cũng cạn, dẫn đến bệnh viện này phải dừng tất cả các cuộc mổ chủ động, chỉ ưu tiên cho các mổ cấp cứu. Quần áo, ga giường thay ra chất đống có nguy cơ bị nhiễm khuẩn cao…

Còn có cả những câu chuyện cười ra nước mắt, khi bệnh nhân trốn viện, “nhịn đẻ” vì mất nước, người nhà mang “quà nước” tặng bệnh nhân…

3. Vẫn biết chẳng ai muốn bị mất nước. Đơn vị quản lý đường ống nước sông Đà cũng không muốn cứ hết lần này đến lần khác phải xử lý sự cố vỡ đường ống. Nhưng khi chất lượng công trình đã được các chuyên gia cảnh báo là kém chất lượng, thì các cơ quan chức năng cũng cần lưu tâm đến việc tìm các cách để xử lý. Những người sai phạm đã và đang bị xử lý, thì đã đành.

Nhưng còn người dân đang sống ở Hà Nội, họ không đáng phải chịu một “phép thử” của sự thiếu thốn nước sinh hoạt. Cũng không thể để các bệnh viện phải đảo lộn, ngưng trệ vì thiếu nước sạch.

Khi đường ống nước sông Đà thứ 2 chưa được khởi công, thì từ nay đến lúc đó, rất cần có phương án nước sạch dự phòng, để sẵn sàng cung cấp. Có như vậy, Hà Nội mới tự hào là “thành phố đáng sống”, như lời ông Chủ tịch Thành phố nêu ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh viện cũng lao đao vì... mất nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO