Bệnh viện 'khát' thuốc, vật tư y tế

THANH GIANG 06/03/2023 07:10

Đại tá Lê Quang Trí - Giám đốc Bệnh viện Quân y 7A cho biết, thiếu máy móc hiện nay là vấn đề rất lớn. Nếu có máy có thể cấp cứu cho bệnh nhân kịp thời, nhưng không có thì chắc chắn bệnh nhân sẽ chuyển biến nặng. Chưa kể, theo những quy định, các trang thiết bị hư hỏng mất thời gian sửa chữa từ 3 - 6 tháng, không đáp ứng được nhu cầu cấp cứu, điều trị bệnh.

Người bệnh gặp khó khăn khi các bệnh viện thiếu vật tư y tế.

Bệnh viện không có thuốc, người bệnh phải mua bên ngoài

Đầu tháng 3, bà Lê Kiều đưa người thân từ Gia Lai xuống TPHCM để tái khám điều trị ung thư thanh quản. Bà Kiều cho hay: “Do sốt ruột vì nghe nhiều bệnh viện thiếu vật tư, thuốc trị bệnh nên đưa người nhà đi khám sớm hơn so với lịch hẹn tái khám của bác sĩ”. Cha của bà Kiều là ông Lê Đình Bình, đã điều trị ung thư thanh quản 2 năm nay tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy. Sau Tết Nguyên đán, BV có kế hoạch chuyển ông sang bệnh viện vệ tinh tại quận 8 để tiếp tục điều trị vì Chợ Rẫy thiếu thuốc, vật tư y tế nhưng gia đình không đồng ý.

Một trường hợp khác: Bà Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1948 (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cho biết, trước Tết bà bị viêm thân sống thoát vị đĩa đệm và nằm điều trị 2 tuần ở BV Chợ Rẫy. Trong thời gian nằm điều trị, người nhà bà thường xuyên phải mua thuốc bên ngoài với giá hơn một triệu đồng/đơn. Lý do BV không đủ thuốc, không có thuốc. Quay về BV Lê Văn Thịnh (Q2) để được bác sĩ theo dõi sức khỏe, song bà vẫn chịu cảnh thiếu thuốc. Thay vì bác sĩ cho thuốc uống một tháng nhưng bà Lan chỉ nhận được nửa tháng thuốc. Thậm chí, nhiều thứ thuốc bà Lan phải mua bên ngoài.

Thống kê của BV Hùng Vương (Q5), còn khoảng 15 ngày nữa các vật tư tiêu hao của BV sẽ hết hàng loạt. Riêng bộ gây tê ngoài màng cứng, hiện chỉ còn 300. Với số lượng này chỉ có thể cung ứng trong 10 ngày. Tương tự, tại BV Quân y 7A, có lúc trang thiết bị phục vụ công tác cấp cứu, điều trị do chỉ có một máy.

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho hay, trong 2 năm qua, các đơn vị đã chủ động triển khai công tác mua sắm trang thiết bị y tế. Việc mua sắm đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và thực hiện tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên việc này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Không để người dân hoang mang

Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các ngành liên quan cần tập trung giải quyết các vấn đề về y tế.

Ông Mãi nhấn mạnh, BV lớn như Chợ Rẫy mà chỉ còn sức chống chịu một tuần thì lo quá. Cần rà soát lại những khó khăn của các cơ sở y tế, không để người dân hoang mang. Còn ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM nói: “Làm gì thì làm nhưng không thể chấp nhận tình trạng thuốc ngoài xã hội có, tiền người dân có mà phải ngồi chờ cơ chế. Không thể để người dân khi bị bệnh tim cần phải stent mà vì cơ chế nên phải nằm chờ là rủi ro”. Ông Nên yêu cầu, ngành y thành phố phải báo cáo ngay những việc ngoài tầm quyết định để cấp trên giải quyết.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Trong khi đó, bà Lê Thiện Quỳnh Như - Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế thành phố đang gặp khó khăn về trang thiết bị y tế do nhiều nguyên nhân. Ví dụ như không xác định được giá dự toán của gói thầu; hết hạn giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị; thực hiện đấu thầu qua mạng.

Tại các cơ sở y tế có khoảng 10% số lượng mặt hàng vật tư y tế, trang thiết bị là hàng đặc thù, riêng biệt nên cơ sở y tế không thể có được 3 báo giá. Rất nhiều trang thiết bị, dịch vụ không có giá trúng thầu của các gói thầu tương tự trong thời gian không quá 90 ngày, kể cả dựa vào kết quả được công bố trên cổng công khai kết quả đấu thầu của Bộ Y tế…

Để tháo gỡ khó khăn, bà Như cho biết, Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị tiếp tục cho phép thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật theo hình thức máy đặt cho đến khi cơ quan có thẩm quyền quy định, hướng dẫn hình thức tổ chức phù hợp và cơ sở y tế đảm bảo được đầy đủ trang thiết bị; Xem xét, chấp thuận hình thức máy đặt theo kết quả trúng thầu hóa chất, vật tư y tế được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu; Bổ sung quy định về căn cứ xác định giá gói thầu của các gói thầu mua sắm trang thiết bị, dịch vụ phi tư vấn sửa chữa, bảo trì, bảo hành trang thiết bị có tính chất đặc thù, riêng biệt. Đồng thời, Sở Y tế TPHCM kiến nghị sớm cấp giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị; cấp tài khoản cho các cơ sở y tế thành phố để thực hiện đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, trong mua sắm hóa chất và vật tư y tế tiêu hao, dựa theo Thông tư 68 của Bộ Tài chính phải đáp ứng đủ 3 báo giá. Yêu cầu này khiến các BV gần như không thực hiện được. Cụ thể, BV Chợ Rẫy khi mở một gói thầu lớn thì những sản phẩm đủ 3 báo giá chỉ được 30 - 40%. Cũng liên quan đến mua sắm máy móc, ông Thức cho biết, máy ci-ti có hàng trăm loại máy với nhiều chức năng khác nhau. Bệnh viện tuyến tỉnh có thể mua máy khoảng 64 lát cắt với giá khác, lên Việt Đức, Chợ Rẫy mua máy 258, thậm chí 512 lát cắt thì giá khác. Trường hợp này, nếu lấy giá kê khai trên cổng thông tin thì không áp vào được vì không có điểm chung… Từ đó ông Thức kiến nghị Bộ Y tế cho các bệnh viện hạng đặc biệt được lựa chọn mua sắm thiết bị phù hợp, hoặc các cơ quan quản lý nhà nước quyết định giá rồi cho phép BV tự mua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bệnh viện 'khát' thuốc, vật tư y tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO