Bí quyết Putin

Nguyễn Trung Tín 28/12/2015 10:20

Như tin đã đưa, ngày 4-11 vừa qua tạp chí Mỹ Forbes đã công bố danh sách những nhân vật mà ban biên tập của nó đánh giá là những nhân vật có quyền lực nhất trên thế giới hiện nay. Đứng đầu danh sách đó là Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tiếp theo sau là nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Giáo hoàng Francis và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình. Tỉ phú Bill Gates được xếp ở vị trí thứ sáu…

Bí quyết Putin

Tạp chí Mỹ Forbes lại bình chọn
Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhân vật quyền lực nhất thế giới năm nay.

Vững tay rẽ sóng

Theo đánh giá của Forbes, Tổng thống Putin tên cơ sở tổng hợp tất cả các yếu tố có thể phân tích được, hiện không có một đối thủ nào có thể sánh cùng về uy lực đối với cộng đồng quốc tế. Tạp chí này nhận xét, ông Putin đang tiếp tục chứng minh rằng, ông là một trong số ít những người trên thế giới có đủ ảnh hưởng đến mức có thể làm bất cứ việc gì mà ông muốn. Những biện pháp trừng phạt của phương Tây ,được triển khai sau khi Krym sáp nhập vào thành phần LB Nga và bùng nổ cuộc chiến tranh cục bộ ở Ukraina đã làm phá giá nặng nề đồng rub và dồn nước Nga vào một cuộc khủng hoảng gay gắt nhưng lại không làm hề hấn gì tới bản thân ông Putin. Tháng 6 vừa qua, chỉ số tín nhiệm của Tổng thống Nga đã gia tăng tới mức kỷ lục: 89,9%. Tháng 10, ông đã bắt đầu cho máy bay sang Syria ném bom lực lượng của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự phong và gặp Tổng thống Syria, Bashar al-Assad tại Moskva, làm giảm ảnh hưởng của Mỹ và NATO ơ khu vực giếng dầu thế giới, đồng thời lấy lại cho nước Nga uy tín quốc tế mạnh mẽ.

Theo nhận xét của nhà báo Valerie Sperling trên tờ báo Mỹ Foreign Afffairs, ông Putin đã hành xử hệt như một con gấu mà có lần ông đã tuyên bố: “Con gấu không bao giờ hỏi xin phép ai cả”. Trong hai năm gần đây, Tổng thống Nga đã buộc thế giới phải công nhận ông là một chính trị gia – gấu, hành xử chỉ tuân theo những gì mà ông cảm thấy có lợi cho đất nước ông. Và dẫu rằng nhiều nhà lãnh đạo phương Tây cảm thấy tức tối và lo lắng trước những bước đi của Điện Kremli trên bàn cờ quốc tế nhưng không ít chính trị gia tại Mỹ ở một mức độ nhất định nào đó đang cảm thấy ghen tị với Tổng thống Nga. Thí dụ, trong khi bày tỏ sự lấy làm tiếc trước cái gọi là sự yếu thế của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cựu thống đốc bang Alaska, Sarah Palin, từng được thượng nghị sĩ John McCain chọn vào liên danh chạy đua vào Nhà trắng năm 2008, đã có vẻ như thèm được có một vị Tổng thống mạnh mẽ như ông Putin, có thể không ngần ngại tỉ thí với “các chú gấu” và khoan các mỏ tìm kiếm dầu trên biển. Cựu thị trưởng New York, Rudi Julianni cũng bộc lộ thái độ khâm phục đối với ông Putin và đưa ra những lời phát biểu công khai: “Ông ấy quyết định và thực hiện quyết định của mình. Chính con người như thế thì chúng ta mới gọi là thủ lĩnh”.

Kể từ khi ông Putin bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba của mình trong Điện Kremli, ông đã đạt được tỉ lệ tín nhiệm cao ở mức ổn định rất đáng kinh ngạc: từ 80 tới 90%. So với ông thì các đồng nghiệp ở phương Tây đang tụt hậu khá xa. Thí dụ, chỉ số tín nhiệm hiện nay của Tổng thống Pháp Francois Holland, theo tạp chí Journal du Diamnche, chỉ ở mức 20% (!)

Có thể phương Tây luôn coi đương kim Tổng thống Nga là nhà lãnh đạo có phong cách “độc tài” nhưng trong con mắt của đại đa số người dân Nga, ông Putin là biểu tượng cho sự trỗi dậy tiềm năng của nước Nga trên trường quốc tế. Tổng thống Nga trong thời gian qua đã thành công trong việc thực hiện hàng loạt những biện pháp nhằm đảm vệ các lợi ích quốc gia và dân tộc khỏi mối đe dọa từ phương Tây, đặc biệt là từ Mỹ và NATO. Tháng 1-2015, chính ông Putin đã thẳng thắn nêu rõ, tại Ukraina đang diễn ra cuộc chiến đấu không phải nhằm chống lại quân đội nước này mà chống lại “lực lượng viễn chinh ngoại bang: được NATO hỗ trợ để kiềm tỏa Moskva. Dư luận xã hội Nga đã nhất trí với các quan điểm của Tổng thống. Trong cuộc điều tra xã hội tháng 6-2015, có tới 86% số người Nga tham gia đã đồng tình với ý kiến cho rằng, Washington đang “lợi dụng những phức tạp hiện có ở nước Nga để biến nó trở thành một quốc gia hạng hai và nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho phương Tây”.

Thực tế cho thấy, người dân Nga vẫn như trước đây, tiếp tục đặt vào Tổng thống của mình niềm hy vọng rằng, ông sẽ giúp cho nước Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay một cách nhanh nhất và ít tổn thất nhất. Vẫn như trước đây, người Nga trông đợi rất nhiều ở phẩm chất người cầm lái anh minh mà theo dòng thời gian, ông đã rèn giũa và phát triển ở trong mình.

Phẩm hạnh đẳng cấp

Không ngẫu nhiên mà người tiền nhiệm Boris Yeltsin, trong cuốn hồi ký "Marathon Tổng thống", đã tìm thấy ở ông Putin "hiện thân của những gì mà ông vẫn muốn nghĩ về các vị tướng Nga". Ông Yeltsin viết: "Nước Nga đã luôn tự hào về các vị tướng của mình. Những vị tướng của cuộc chiến tranh năm 1812, những vị tướng của chiến dịch Krym (dù đã bị thất bại), những vị tướng vĩ đại của chiến tranh thế giới thứ hai...

Đã có lúc, có thể là năm 93 hay sớm hơn nữa, vào năm 91, tôi đã phân vân: đang có một cái gì đó không hẳn như thế ở các vị tướng của chúng ta. Có cái gì đó còn thiếu ở họ: có thể, đó là sự mã thượng, tính trí thức, một cái cốt lõi nào đấy... Tôi ngóng đợi một vị tướng nào đó không giống như các vị tướng khác xuất hiện. Hay nói chính xác hơn, vị tướng giống như những vị tướng mà tôi đã được đọc trong sách. Tôi ngóng đợi... Và rồi thời gian trôi qua, vị tướng ấy đã xuất hiện. Anh ấy đến và toàn xã hội nhìn thấy rõ hình ảnh chân chính, dũng mãnh và thông thạo nghiệp vụ của các quân nhân ta. Tên gọi "vị tướng" ấy là... Đại tá Vladimir Putin". Và "trưởng lão" Yeltsin đã mời Vladimir Putin tới gặp mình vào sáng sớm ngày 5-8-1999 để thông báo về sự lựa chọn Thủ tướng mới. Trong cuốn sách "Vladimir Putin: Sự lựa chọn của nước Nga" đã kể về quá trình ông Yeltsin "lôi kéo" ông Putin vào cuộc chơi chính trị trong Điện Kremli như sau:

"Putin chăm chú nhìn tôi. Im lặng.

Tôi nói tiếp: "Nhưng đó chưa phải là tất cả. Anh cũng hình dung đại khái ra lý do khiến tôi cách chức anh Stepashin. Tôi biết, Stepashin là bạn anh, cũng là người Saint Peterburg, nhưng bây giờ cần phải suy nghĩ về chuyện khác. Quan điểm của anh cần phải tinh tế, hợp lý một cách tối đa nhưng cũng cần rất cứng rắn. Chỉ có bằng cách đó anh mới giành được uy tín trong xã hội và kết quả tích cực trong cuộc bầu cử quốc hội.

"Trong bầu cử, chúng ta sẽ dựa vào ai?" - Putin hỏi. "Tôi không biết," - tôi thành thực thú nhận. - Chúng ta sẽ lập ra một chính đảng mới. Tôi, với tư cách là một người từng khốn đốn với Quốc hội hơn bất cứ ai trong lịch sử, tôi biết rằng một chỗ dựa vững chắc trong Duma cần thiết với anh như thế nào. Nhưng điều quan trọng - đó là trữ năng chính trị của bản thân anh, hình ảnh của anh. Không cần phải xây dựng nó một cách nhân tạo. Nhưng cũng không bao giờ được quên vấn đề này".

Putin lặng người suy nghĩ.

"Tôi không thích các chiến dịch tranh cử, - anh ấy thú nhận. -Tôi không biết tiến hành nó và không thích".

"Nhưng anh cũng không cần phải tiến hành. Quan trọng là ý chí của anh, sự tự tin của anh. Hành vi của anh. Mọi sự đều phụ thuộc vào những cái đó. Uy tín chính trị hoặc là sẽ có, hoặc là không. Anh đã sẵn sàng chưa?".

"Tôi sẽ làm việc bất cứ ở đâu mà ông đề cử," - Putin đáp ngắn gọn.

Theo đúng kiểu nhà binh.

"Còn nếu vào chức vụ cao nhất?".

Putin lưỡng lự trả lời. Có cảm giác là lần đầu tiên anh ấy hiểu ra câu chuyện hướng tới đâu.

"Tôi không biết, thưa Boris Nikolaievich! Tôi không nghĩ rằng tôi đã sẵn sàng làm việc ấy." - "Cứ suy nghĩ đi. Tôi tin ở anh."

Cũng phải nói rằng, khi chưa được ông Yeltsin để ý tới, ông Putin đã làm việc chỉ như một viên chức bề ngoài có vẻ bất cần danh vọng và phù hoa. Ông chỉ cố gắng làm đúng chức phận của mình và những khi có cơ hội tiếp xúc với cấp trên, không bao giờ cố ý tỏ ra là mình có những năng lực đặc biệt nào đó. Xét về tính cách cá nhân, ông Putin rất khác ông Yeltsin. Nếu ông Yeltsin đường bệ, kiểu cách, thì ông Putin giản dị, khiêm nhường. Nếu ông Yeltsin bay lượn trên đỉnh núi thì ông Putin đứng chắc cả hai chân trên mặt đất. Nếu ông Yeltsin trong mọi việc chỉ "dăm câu ba điều" vạch ra những đường hướng chung chung thì ông Putin lại đi sâu vào tìm hiểu chi tiết. Ông Yeltsin chậm chạp, khó xoay xở, còn ông Putin nhanh nhẹn và tháo vát. ông Yeltsin càng tuổi tác càng trở nên đại lãn và ham uống rượu, còn ông Putin năng động, ham công việc thực tế. Ông Yeltsin chén chú chén anh thường xuyên, còn ông Putin hầu như không mấy khi uống vodka, ông chỉ thích bia hơi. Ông Yeltsin ham chơi môn tennis quý tộc thì Putin lại chỉ mê những môn võ bình dân và những trò dã ngoại đại chúng. Ông Yeltsin nói năng cục mịch và luôn quá nghiêm túc thì ông Putin lại hay kể chuyện tiếu lâm ngay cả trong những cuộc trịnh trọng như lễ hội truyền thống của người Nga gốc Do Thái khiến không khí trở nên thân tình và cởi mở hơn... Có lẽ vị "trưởng lão" chọn Vladimir Putin vì chính những phẩm chất mà ông ta không có chăng?..

Theo đánh giá của ông Stepashin, người đã phải để lại ghế lãnh đạo chính phủ cho ông Putin, có hai nguyên tắc cơ bản, bất di bất dịch trong cách hành xử của ông Putin khiến ông rất coi trọng. "Thứ nhất, đó là việc anh ấy không bao giờ thông qua các quyết định mà chỉ dựa trên các tin đồn. Không thể gây sức ép với anh ấy được. Thứ hai, anh ấy không bao giờ bỏ rơi những người khác"...

Khi đề cử ông Putin vào ghế Thủ tướng ngày 9-8-1999, ông Yeltsin đã nói những lời nhiệt thành ít ứng cử viên nào trước đó được nghe: "Tôi tin rằng, làm việc trên vị trí cao này, ông (tức ông Putin -T.G) sẽ mang lại lợi ích lớn cho đất nước và nhân dân Nga sẽ có điều kiện đánh giá những phẩm chất chuyên môn và đời sống của Putin. Tôi rất tin tưởng ở ông. Và tôi muốn rằng tất cả những ai sẽ tới nơi bỏ phiếu năm 2000 cũng cùng tin tưởng ở ông. Tôi nghĩ, ông sẽ có đủ thời gian".

Có thể nói là Điện Kremli đã rất thành công trong việc tạo nên một hình ảnh Vladimir Putin hợp lòng dân. Và cũng phải nói rằng, bản thân Vladimir Putin cũng có những phẩm chất thích hợp với vai trò của mình... Những phẩm chất ấy đã, đang và sẽ giúp ông cùng nước Nga tiến tới một tương lai phồn thịnh và bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bí quyết Putin

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO