Biến chủng mới virus SARS-CoV-2: Thế giới lại bất an

Hà Anh 06/01/2021 06:33

Biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 dường như đang làm thế giới quay trở lại vạch xuất phát trong cuộc chiến chống Covid-19. Trong khi đó, một số nước khác như Mỹ, Nhật Bản… cũng có thể bị quá tải hệ thống y tế và buộc phải áp dụng các biện pháp phòng dịch mạnh tay hơn khi các ca mắc mới Covid-19 tăng chóng mặt.

Nước Anh buộc phải phong tỏa toàn quốc lần thứ ba. Ảnh: The Guardian.

Nước Anh tái phong tỏa

Ngày 5/1, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 bằng việc đóng cửa tất cả các trường học vì biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục lan rộng.

“Rõ ràng chúng ta cần hành động hơn nữa để kiểm soát biến thể này. Điều đó có nghĩa là Chính phủ Anh một lần nữa đề nghị người dân ở nhà”, Thủ tướng Anh phát biểu trên truyền hình quốc gia. Theo lệnh phong tỏa mới, các trường học ở Anh sẽ phải đóng cửa từ ngày 5/1 và chuyển sang cơ chế học trực tuyến, ngoại trừ con em của các lao động thiết yếu.

Cũng theo lệnh phong tỏa, người dân Anh chỉ được phép ra ngoài với một số lý do nhất định như mua sắm đồ thiết yếu, thể dục, khám chữa bệnh hay tránh bạo lực gia đình - một vấn nạn phát sinh trong thời gian cách ly xã hội.

Xuất cảnh chỉ được chấp thuận với một số trường hợp nhất định như vì lý do công việc. Các trung tâm thể dục thể thao ngoài trời sẽ tạm thời phải đóng cửa. Tuy nhiên khác với lệnh phong tỏa trước đó, lần này, các trường mầm non vẫn được hoạt động, một số môn thể thao vẫn được phép diễn ra, các nhà thờ vẫn được phép mở cửa nhưng phải chấp hành nghiêm quy định về giãn cách xã hội.

Lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực từ ngày 5/1 và dự kiến kéo dài đến giữa tháng 2. Lệnh trên được đưa ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại ở Anh cùng với sự xuất hiện của biến thể SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan rất nhanh.

Trước đó, hôm 4/1, Thủ tướng B.Johnson đã cam kết Chính phủ sẽ “làm mọi thứ có thể để kiểm soát virus”.

Giới chức khoa học và y tế tại Anh nhận định, tình hình dịch Covid-19 tại Anh hiện nay còn nghiêm trọng hơn hồi tháng 4/2020 khi số ca mắc bùng nổ, một phần lớn nguyên nhân do biến chủng của virus SARS-CoV-2 vốn có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 50-70% so với virus cũ.

Mọi hy vọng kiểm soát dịch của Anh giờ đây đặt vào chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19. Trong ngày 4/1, vaccine do Hãng dược AstraZeneca và Trường Đại học Oxford sản xuất bắt đầu được sử dụng. Nước Anh đã đặt hàng 100 triệu liều vaccine loại này và dự tính sẽ tiêm chủng cho toàn bộ các thành phần cư dân có nguy cơ cao như người cao tuổi, nhân viên y tế… trong vòng 12 tuần đầu của năm 2021.

Hiện khoảng 2/3 các thành phố của Anh đã bị đặt ở cấp độ cảnh báo thứ tư của hệ thống mức độ cảnh báo - các mức hạn chế tương đương với hai lần phong tỏa trước đó vào mùa xuân và tháng 11/2020, khi các cửa hàng “không thiết yếu” buộc phải đóng cửa và người dân được yêu cầu làm việc trực tuyến nếu có thể. Phần còn lại của nước Anh nằm ở mức cảnh báo thứ ba, ngoại trừ duy nhất Đảo Scilly hẻo lánh, vẫn nằm ở mức cảnh báo thứ nhất.

Chạy đua chống biến chủng mới

Mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa xác định được việc liệu biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh và Nam Phi có nguy hiểm hơn chủng cũ hay không, nhưng việc nó có khả năng lây lan nhanh hơn đã làm cho nhiều nước trên thế giới cảm thấy bất an.

Ngày 5/1, giới chức y tế Mỹ cảnh báo, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ đang đối mặt với nguy cơ “sụp đổ hoàn toàn” do quá tải bệnh nhân nhập viện vì Covid-19.

Phát biểu trên truyền hình, Giám đốc Trung tâm y tế Los Angeles Brad Spellberg cho rằng, nếu Mỹ xuất hiện làn sóng dịch bệnh đột biến mới, hệ thống y tế nhiều khả năng sẽ “sụp đổ hoàn toàn”. Ông Spellberg nêu rõ, các bệnh viện Mỹ không thể ngăn chặn dịch bệnh mà chỉ có thể phản ứng với làn sóng lây nhiễm. Do vậy, chính quyền các bang và cộng đồng người dân cần tuân thủ các biện pháp hạn chế dịch bệnh.

Trước đó, Thống đốc bang New York, ông Andrew Cuomo đã xác nhận, bang này ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với biến chủng virus SARS-CoV-2. Thông báo này đưa ra trong bối cảnh ít nhất ba bang khác của Mỹ đã có báo cáo các trường hợp nhiễm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, ở châu Âu, các ca nhiễm biến chủng mới không ngừng gia tăng khi ngày 5/1, Bộ trưởng Y tế Pháp cho biết, hiện nay, có ít nhất 10 trường hợp ở Pháp bị nghi ngờ nhiễm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 từ Vương quốc Anh.

Cùng ngày, Áo cũng xác nhận 5 trường hợp nhiễm biến chủng mới từ Vương quốc Anh và Nam Phi.

Ở châu Á, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch công bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận gồm Saitama, Kanagawa và Chiba vào ngày 7/1 nhằm khống chế dịch Covid-19.

Trong bài phát biểu ngày 5/1, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết, ông lắng nghe ý kiến của các chuyên gia dịch tễ và đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này. Tình trạng khẩn cấp có thể sẽ có hiệu lực trong khoảng một tháng. Chính phủ sẽ cố gắng hạn chế tối đa trở ngại cho các hoạt động kinh tế-xã hội bằng cách thực hiện các biện pháp này trong phạm vi hạn chế và có trọng điểm.

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun vừa thông báo nước này đang thúc đẩy kế hoạch tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 cho hơn một nửa dân số trước mùa Thu năm nay, khoảng 60-70%. Nếu kế hoạch được tiến hành suôn sẻ, Hàn Quốc sẽ là một trong những nước thoát khỏi đại dịch Covid-19 sớm nhất. Nhà chức trách nước này cũng đang nỗ lực đẩy nhanh việc đặt mua vaccine ngừa Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến chủng mới virus SARS-CoV-2: Thế giới lại bất an

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO