Biến mất mát, đau thương thành động lực để vượt qua khó khăn

Quốc Định 19/11/2021 14:01

Buổi tưởng niệm bày tỏ lòng tiếc thương, sự mất mát to lớn đối với đồng bào tử vong, cũng như các cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu đã hy sinh trong thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, chương trình còn bày tỏ lòng biết ơn, tri ân đối với những người đã tham gia cống hiến trong công tác này, góp phần xoa dịu nỗi mất mát đau thương cho những người ở lại của các gia đình.

Vào lúc 20h hôm nay, 19/11/2021, Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 sẽ chính thức diễn ra. Chương trình do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức. Trước thời khắc thiêng liêng này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với bà Phan Thanh Kiều Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị cũng như mục đích, ý nghĩa của sự kiện ý nghĩa này.

PV: Là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, TP.HCM đã có những hoạt động gì để hưởng ứng chương trình này, thưa bà?

Bà Phan Thanh Kiều Hương: Thành phố đang tích cực hoàn thành những công việc còn lại nhằm chuẩn bị tốt nhất, an toàn nhất cho sự kiện quan trọng trên. Trước đó, ở Thành phố nhiều cơ sở tôn giáo đã có nhiều hoạt động tưởng niệm nhưng đợt tưởng niệm lần này mang một ý nghĩa lớn. Bởi, đây là chương trình có quy mô, sâu, rộng nhất kể từ khi có dịch đến nay.

Để đồng hành, Thành phố đã tuyên truyền dừng các hoạt động toàn dân vui chơi giải trí trong khung giờ từ 20h đến 21h, ngày 19/11, mọi người sẽ cùng nhau mặc niệm, thắp hương tưởng nhớ những người đã mất. Mặt trận cũng vận động, các tôn giáo tạm ngưng hoạt động của mình trong thời gian này. Và đúng 20h30, ngày 19/11, tại Thành phố sẽ thực hiện theo nghi lễ các tôn giáo, cụ thể như: đổ chuông, đánh trống, thắp nến, thỏa hoa đăng… các tôn giáo sẽ làm theo nghi thức, điều kiện riêng của mình.

Bà Phan Thanh Kiều Hương trong một hoạt động tiễn các tình nguyện viên tôn lên đường tham gia phòng, chống dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà, những thông điệp chính mà Lễ tưởng niệm muốn gửi gắm đến người dân là gì?

Buổi tưởng niệm bày tỏ lòng tiếc thương, sự mất mát to lớn đối với đồng bào tử vong, cũng như các cán bộ, chiến sĩ, lực lượng tuyến đầu đã hy sinh trong thực thi nhiệm vụ phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, chương trình còn bày tỏ lòng biết ơn, tri ân đối với những người đã tham gia cống hiến trong công tác này, góp phần xoa dịu nỗi mất mát đau thương cho những người ở lại của các gia đình.

Không giống như sự ra đi thông thường, những người mất do dịch, họ không hoặc ít được thực hiện nghi thức tang lễ truyền thống, thậm chí họ cũng không có người thân, họ hàng, bạn bè tiễn đưa. Vì vậy, buổi tưởng niệm còn nhằm mang lại sự ấm lòng, giảm đi sự cô đơn đối với hương linh những người đã nằm xuống.

Thông qua đây, tôi mong muốn tất cả các cơ quan, đơn vị, các tổ chức tôn giáo, Nhân dân cùng nhau một lòng thành kính để tưởng niệm. Biến những mất mát, đau thương thành một quyết tâm cao; chia sẻ các biện pháp phòng, chống để đẩy lùi dịch; giúp cho chúng ta trở về trạng thái “bình thường mới”.

Trao quà cho người dân gặp khó khăn bởi đại dịch tại Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19 ở quận 8, TP.HCM.

Bà có thể điểm qua những nét chính về các hoạt động nhằm xoa dịu mất mát do dịch gây ra ở Thành phố?

Với vai trò, chức năng của mình, trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở Thành phố đã luôn nỗ lực thực hiện công tác chăm lo cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch họa, đồng bào gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhất là khi xuất hiện dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 cho đến nay, hệ thống Mặt trận Thành phố đã tổ chức vận động, tiếp nhận ủng hộ từ Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, các tôn giáo, đồng bào ta ở nước ngoài hỗ trợ những người gặp khó khăn.

Việc tiếp nhận, phân phối hỗ trợ được làm thường xuyên, kịp thời để hạn chế những khó khăn cho người dân. Mặt trận cũng phối hợp tiếp nhận hàng hóa, thực phẩm từ các địa phương trên cả nước hỗ trợ, tổ chức trực tiếp đưa sản phẩm đến nhiều hộ dân và khu vực bị cách ly y tế trong thời gian Thành phố đang thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”. Việc tiếp nhận hỗ trợ được thực hiện công khai minh bạch, không để thất thoát.

Ngoài việc tiếp nhận, hỗ trợ về những sản mặt hàng sinh hoạt thiết yếu, Mặt trận Thành phố còn tiếp nhận các trang thiết bị y tế. Kết nối, phối hợp mang sản phẩm ủng hộ đến các địa chỉ chuyên môn phục vụ công tác điều trị bệnh nhân không may mắc Covid-19.

Mặt trận và các tổ chức thành viên cũng phối hợp cùng các tôn giáo vận động, tổ chức cho những tình nguyện viên lên đường tham gia công tác phòng, chống dịch. Người tham gia tình nguyện là các tu sĩ, chức sắc, chức việc, tín đồ, tín hữu. Điểm đáng trân trọng là họ tham gia với tinh thần tích cực, sẵn sàng làm bất cứ công việc gì, kể cả những việc nguy hiểm, miễn là giúp đỡ được đồng bào mình.

Bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận ủng hộ trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống; điều trị bệnh nhân dịch Covid-19.

Mặc dù không ai mong muốn nhưng dự báo tình hình dịch sẽ còn diễn biến phức tạp. Vậy Mặt trận Thành phố trong thời gian tới sẽ tập trung vào những hoạt động nào để tiếp tục hỗ trợ người dân gặp khó khăn?

Với chức năng nhiệm vụ của mình, Mặt trận tiếp tục nỗ lực hoạt động trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; tiếp tục khảo sát, thống kê những trường hợp khó khăn để có giải pháp kịp thời giúp đỡ hoặc kết nối với các tổ chức, các mạnh thường quân hỗ trợ.

Để thực hiện hiệu quả công việc trên, Thành phố đã thành lập Trung tâm an sinh xã hội, hỗ trợ người khó khăn do dịch Covid-19. Trung tâm có nhiệm vụ hỗ trợ các túi an sinh cho người dân, trong túi có các sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu hàng ngày. Từ khi đi vào vận hành (tháng 8/2021) đến nay, Trung tâm đã hỗ trợ được rất nhiều gia đình. Công việc này sẽ được Trung tâm đẩy mạnh trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt vừa qua, Trung tâm cũng đã có không ít hoạt động hỗ trợ các em mồ côi vì cha mẹ mất bởi dịch Covid-19, điều này rất có ý nghĩa, góp phần giúp các em học tập, trưởng thành.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến mất mát, đau thương thành động lực để vượt qua khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO