Biến thể SARS-CoV-2 cùng nỗi lo dịch bệnh theo mùa

Phan Quang Vũ 28/03/2021 07:36

Các nhà nghiên cứu Czech và Thụy Sĩ đã thử nghiệm thành công một loại kháng thể kép có khả năng chống lại các đột biến virus SARS-CoV-2 ở Anh, Nam Phi và Brazil. Kháng thể kép được phát triển bởi các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Y sinh ở Bellinzona, Thụy Sĩ và được các nhà khoa học Czech tại Trung tâm Sinh học của Viện Hàn lâm khoa học Czech thử nghiệm. Chúng được tạo ra bằng cách sử dụng các kháng thể đơn khác nhau từ máu của những bệnh nhân từng bị nhiễm Covid-19.

Ấn Độ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề của Covid-19. Ảnh: Hindustan Times.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết hạn chế của phương pháp này là việc virus sẽ nhanh chóng nhờn thuốc. Để khắc phục, các nhà nghiên cứu đã kết hợp hai kháng thể tự nhiên thành một phân tử kép với mục đích ngăn không cho virus lan truyền và đột biến. Các kết quả thử nghiệm ban đầu trên chuột cho thấy kháng thể kép có khả năng ngăn chặn sự phát triển của virus bao gồm cả các chủng đột biến mới. Theo các chuyên gia, trong tương lai hoạt chất này có thể thay thế một hỗn hợp kháng thể đắt tiền trong chữa bệnh và sản xuất vaccine.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cũng phát hiện thấy virus SARS-CoV-2 có khả năng thích ứng với kháng thể đơn dòng tiêu chuẩn trong phòng thí nghiệm chỉ trong hai ngày. Nhưng, cho dù đã đạt được một số tiến bộ trong nghiên cứu, điều chế vaccine ngừa Covid-19, thì giới khoa học vẫn cho rằng điều đó chưa thể “đủ điều kiện” tiêu diệt SARS-CoV-2.

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 26/3 thông báo, nước này đã phát hiện một biến thể đột biến kép của virus SARS-CoV-2 tại bang Maharashtra, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 tại nước này.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc gia Ấn Độ, ông Sujeet Kumar Singh, cho biết biến thể mới này được phát hiện trong 206 mẫu xét nghiệm tại bang trên. Trong khi đó, giới chức y tế nước này cũng đã phát hiện biến thể đột biến kép trong 9 mẫu xét nghiệm Covid-19 ở thủ đô New Delhi.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết thêm kết quả giải trình tự bộ gen và phân tích các mẫu từ bang Maharashtra cho thấy các đột biến trong virus không trùng khớp với các biến thể phát hiện trước đó ở Anh, Brazil và Nam Phi. Tuy nhiên, họ cho biết số ca nhiễm biến thể mới này chưa đủ để xác định liệu biến thể này có phải nguyên nhân khiến số ca nhiễm mới hằng ngày tại Ấn Độ gia tăng trở lại trong thời gian gần đây.

Trước đó, Ấn Độ cũng đã phát hiện một số ca nhiễm biến thể của SARS-CoV-2 từng phát hiện tại Anh, Brazil và Nam Phi.

Tới thời điểm này, “quốc gia tỉ dân” là Ấn Độ vẫn quay cuồng trong dịch Covid-19. Số người nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục tăng, đặc biệt là tại vùng nông thôn, các khu ngoại ô nghèo. Kể từ tháng 11/2020, ngày 24/3, Ấn Độ ghi nhận thêm 47.262 ca nhiễm SARS-CoV-2. Đây là ngày nước này có số ca nhiễm mới cao nhất. Đến nay, tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại nước này đã vượt con số 11 triệu ca, chỉ sau Mỹ và Brazil.

Trở lại với biến thể SARS-CoV-2 phát hiện tại Brazil, thì rồi cũng đã “có mặt” tại Uruguay, kể từ ngày 23/3 với những ca đầu tiên nhiễm biến thể mới đầu tiên. Cụ thể: Có 24 ca được xác định nhiễm biến thể P1 và 4 ca nhiễm biến thể P2 trong tổng số 175 mẫu xét nghiệm Covid-19. Nhà khoa học thuộc Viện công tác quốc tế (GTI), TS Gregorio Iraola, cho biết biến thể P2 tại Uruguay là do lây nhiễm trong cộng đồng, chứ không phải từ nước ngoài và thực tế này khiến việc xử lý ổ dịch thêm phức tạp. Tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou đã phải triệu tập cuộc họp nội các để bàn biện pháp ứng phó.

Uruguay, quốc gia Nam Mỹ chỉ ó 3,5 triệu dân, trong vài tuần qua đã chứng kiến số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 tăng mạnh. Theo báo cáo của giới chức y tế nước này, trong tổng số bệnh nhân phải chữa trị tại bệnh viện thì có tới 22% bệnh nhân Covid. Giới chức nước này cảnh báo, nếu không có biện pháp ứng phó khẩn cấp, số giường bệnh đã có bệnh nhân có thể lên tới 85% vào ngày 4/4 tới. Tình trạng quá tải bệnh viện đã bắt đầu.

2 biến thể P1 và P2 được xác định đang lây lan mạnh nhất tại Brazil. Theo những nghiên cứu mới nhất, 2 biến thể này có khả năng rất đáng sợ là làm suy yếu kháng thể, làm gia tăng nguy cơ tái nhiễm và làm giảm hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19.

Biến thể SARS-CoV-2 còn được biết đến dưới tên P.1, đã xuất hiện tại hơn 20 quốc gia. Chúng có tốc độ lây lan nhanh và có thể tái lây nhiễm cho những người trước đó đã khỏi bệnh.

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang đe dọa hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19.

Trong một nghiên cứu về sự xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 và sự lây lan của chủng virus này ở thành phố Manaos thuộc vùng rừng nhiệt đới Amazon, một số nhà khoa học cho rằng biến thể này đã “vô hiệu hóa những vaccine đã có”. Tuy nhiên, luồng ý kiến này chưa được kiểm chứng về độ xác thực. Chuyên gia về virus học Nuno Faria -Trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết trong 100 người tại Manaos mắc Covid-19 đã khỏi bệnh trước đó thì có khoảng từ 25 đến 61 người dễ bị tái nhiễm với P.1. Virus P.1 có khả năng lây nhiễm cao hơn tới 2,2 lần so với loại virus SARS-CoV-2 xuất hiện ban đầu.

Trong khi đó, một nghiên cứu mới của Mỹ cho rằng biến chủng SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tiên ở bang California hồi tháng 12/2020 có khả năng lây nhiễm nhanh hơn những biến thể ghi nhận trước đó. Điều này làm gia tăng quan ngại rằng những biến thể mới có thể khiến số ca mắc vốn đang có chiều hướng giảm lại tăng lên ở Mỹ. Đáng chú ý, người ta cho rằng biến thể này có khả năng sản sinh gấp đôi số phần tử virus trong cơ thể người so với các chủng xuất hiện trước đó đồng thời cũng có thể “né tránh” hệ thống miễn dịch của người, cũng như vaccine.

TS Charles Chiu (Đại học California) đã tình cờ phát hiện ra biến thể mới khi đang nghiên cứu những mẫu xét nghiệm dương tính tại bang California, nhằm xác định xem liệu chủng B.1.1.7 phát hiện ở Anh đã xâm nhập Mỹ hay chưa. Đúng đêm giao thừa chuyển giao sang năm mới 2021, TS Chiu đã phát hiện chủng mới có trong 1/4 số mẫu xét nghiệm đang phân tích. Tuy nhiên lúc đó người ta chưa thấy lo ngại về chúng.

Tới nay biến thể California có tên mã hóa là B.1.427 hoặc B.1.429, đã xuất hiện ở 45 bang trên khắp nước Mỹ và một số nước khác như Australia, Đan Mạch, Mexico… nhưng phổ biến nhất vẫn ở California.

Còn tại châu Phi, nơi mà hệ thống y tế được cho là còn nhiều hạn chế, thì biến thể mới của virus SARS-CoV-2 cũng đã xuất hiện tại 17 quốc gia - theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Châu Phi. Trong đó, 3 quốc gia mới nhất xác nhận sự hiện diện của biến thể của virus SARS-CoV-2 là Eswatini, Malawi và Namibia.

Tới nay, “lục địa đen” đã ghi nhận hơn 4,1 triệu ca mắc Covid-19 và cũng đã có tới 109.000 người tử vong. Nam Phi vẫn là nước ghi nhận số ca mắc cũng như tử vong cao nhất châu lục, tiếp theo là Maroc và Tunisia.

Trong một diễn biến khác, LHQ mới đây đã đưa ranhận định, rằng Covid -19 có thể phát triển thành bệnh xuất hiện theo mùa. Theo đó, Báo cáo của một nhóm chuyên gia chỉ ra rằng hiện tượng lây nhiễm qua đường hô hấp thường có tính chất theo mùa, đặc biệt là vào giai đoạn cao điểm dịch cúm mùa Thu-Đông ở các miền khí hậu ôn đới.

LHQ cho biết, sau hơn một năm bùng phát, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 2,7 triệu người trên toàn cầu và đến nay thế giới vẫn còn nhiều điều chưa rõ xung quanh căn bệnh này. Người ta cho rằng, cũng như các đợt dịch do virus gây ra, chúng cũng “mạnh yếu” theo mùa.

Ben Zaitchik - nhà nghiên cứu của Đại học The John Hopkins (Mỹ), cho rằng với các đợt dịch, trong năm đầu bùng phát số ca nhiễm tăng lên tại một số địa điểm khi vào mùa nóng. Và điều đó sẽ lặp lại vào năm sau. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã cung cấp một số bằng chứng rằng virus tồn tại lâu hơn trong thời tiết khô, lạnh với bức xạ tia cực tím thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biến thể SARS-CoV-2 cùng nỗi lo dịch bệnh theo mùa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO