‘Biệt phủ’ của Giám đốc Sở: Nên làm rõ ràng để bảo vệ uy tín cán bộ

M.L. - A.T. (ghi) 12/06/2017 15:10

Về việc thanh tra khối tài sản đang đứng tên vợ ông Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong cho rằng nên để cơ quan thanh tra cấp Trung ương vào cuộc. Còn theo đại biểu Dương Trung Quốc, chính bà Bí thư Tỉnh ủy nên chỉ đạo làm rõ ràng để bảo vệ uy tín của mình.

Trao đổi giữa đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong và đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc với báo chí.

Không thể phủ định hiện tượng có quan chức đưa vợ, em vợ đứng tên tài sản, lâu nay có gặp khó khăn trong việc giám sát tài sản của quan chức hay không?

Đại biểu Đặng Thuần Phong.

Đại biểu Đặng Thuần Phong: Không dại gì quan chức đứng ra đứng tên cho mình. Cái đó là một nguyên tắc để vừa tránh dư luận vừa an toàn cho mình bao giờ cũng để cho người thân, người này người nọ đứng tên.

Từ 18 tuổi trở lên người ta có quyền đứng tên sở hữu tài sản. Tuy nhiên việc xác minh không khó, bởi lẽ tính ra quá trình ai đứng tên không là vấn đề mà nguồn tiền đó từ làm ăn của họ có tạo ra được như thế không?

Để làm được điều này cần vai trò quyết định của các cơ quan kiểm tra, thanh tra của Đảng, Nhà nước… Chứ chả lẽ ai cũng đứng tên tẩu tán tài sản là mất hết, thoát hết những tội khác hay sao?

Dư luận đang đặt vấn đề về chuyên này và kiến nghị, ngoài kê khai tài sản của bản thân cán bộ, cũng cần phải kê khai tài sản của người thân ở trong gia đình để nhìn nhận nguồn gốc tài sản từ đâu mà ra. Lúc đó sẽ khách quan, đánh giá được cán bộ có trung thực hay không, lúc đó chúng ta mới tính toán những bước tiếp theo. Không làm được điều này thì công cuộc phòng chống tham nhũng của mình không đáp ứng được yêu cầu như mong muốn.

- Cơ chế kiểm soát việc kê khai tài sản của cán bộ như thế nào?

- Hiện cơ chế kiểm soát đang tắc. Nhưng cái nào tắc chúng ta cũng phải tính toán đường mở chứ không phải, cứ kê khai rồi để đó. Kê khai là cơ sở để để cấp có thẩm quyền xác minh, đánh giá. Tính trung thực thể hiện trong việc kê khai, còn việc xác minh rất quan trọng. Việc xác minh này không chỉ là cơ quan chức năng xác minh đâu mà phải lắng nghe từ quần chúng, trong đó có vai trò phản biện từ các tổ chức xã hội…

Người dân sống ở đó rất hiểu cán bộ, có thể cung cấp thông tin xác đáng về cán bộ và tài sản của cán bộ này. Khi có vấn đề, thì cơ quan chức năng xác minh nhằm làm trong sạch nội bộ, đồng thời nhân điển hình đối với những cán bộ “làm giàu chính đáng”. Rồi nếu có cái nào không đúng, chúng ta mới xử lý. Chứ còn kê khai rồi bỏ đó thì không có tác dụng gì.

Liên quan tới vấn đề tài sản của cán bộ, vừa qua, tỉnh Yên Bái ra quyết định thanh tra tài sản của em trai Bí thư Tỉnh ủy có khách quan hay không?

- Đương nhiên thanh tra tỉnh thực hiện thì tính khách quan bị dư luận nghi ngờ, cái này nên để cơ quan thanh tra cấp Trung ương vào cuộc thì vấn đề được nhìn nhận khách quan hơn và nếu họ trong sạch thực sự thì cũng minh oan cho người ta.

Đại biểu Dương Trung Quốc.

Cũng về những thông tin liên quan đến tài sản của ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Yên Bái, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng: Chính bà Bí thư Tỉnh ủy nên chỉ đạo việc này làm cho rõ ràng để bảo vệ uy tín của bà ấy. Nếu không làm minh bạch thì người dân có quyền gắn kết mối quan hệ ấy (mối quan hệ chị - em giữa Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà với Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Phạm Sỹ Quý - PV) với những tài sản.

Trước đây, quan chức về hưu mới xây dinh thự lớn, nay khi đương chức thậm chí mới lên chức ở địa phương thì làm dinh thự to. Có cách lý giải nào về câu chuyện này?

- Điều đó đang cho thấy, chúng ta không làm mọi việc đến nơi đến chốn, không xử lý nên người ta có ý coi thường.

Vì thế, chúng ta phải làm cho rõ. Hiện tượng ấy như thế nào thì chúng ta phải làm cho rõ hơn. Quyền tài sản là quyền thiêng liêng nhưng tài sản đó phải là tài sản minh bạch.

Sắp tới chúng ta triển khai các văn bản liên quan đến quyền tài sản chắc chắn cơ chế sẽ rõ hơn. Nhưng bây giờ chúng ta nên chủ động làm trước đi vì những đối tượng này liên quan đến Đảng, hơn nữa Đảng đang cần uy tín và Đảng đang cần niềm tin nên cần thiết làm.

Ông có cho rằng, phô trương tài sản như vậy có làm xấu đi hình ảnh của cán bộ với người dân không?

- Tôi không dùng từ xấu, mà làm cho người dân có những câu hỏi không được giải đáp. Nhất là trong tình trạng chúng ta thừa nhận “tham nhũng đang còn nặng nề”.

Còn việc bổ nhiệm ông Phạm Sỹ Quý, Phó Bí thư Yên Bái cho rằng, Bên Đảng quyết định, chính quyền thừa lệnh thôi, ông suy nghĩ như thế nào?

- Đó là một sự đùn đẩy trách nhiệm thôi. Thực tế, bên Đảng hay chính quyền thực ra là một. Trách nhiệm là giải thích làm sao cho công chúng hiểu được.

Cá nhân tôi không quan tâm nhiều đến có phải người đó có phải là người thân họ hàng của ai đó không, cái tôi quan tâm người đó có xứng đáng không?

Bởi vì chúng ta thấy rằng, có những người có hoàn cảnh gia đình, có điều kiện, con em của họ có chất lượng cao hơn. Cái cuối cùng là soi vào những người ấy phải thấy chất lượng công việc, chất lượng con người.

Chuyện cha truyền con nối là chuyện bình thường, cả thế giới chứ chả riêng gì nước ta. Trước hiện tượng này, chúng ta đừng vôi phê phán vội, cần đánh giá kỹ xem những người đó là người như thế nào, quy trình có thực sự đánh giá những người đó có năng lực hay không.

Theo ông Dương Trung Quốc, tên thực tế có chuyện con ông, cháu cha, có hiện tượng lôi bè kết cánh thân tộc. Ở Việt Nam, ngay trong làng xã đã có chuyện dòng họ nay, dòng họ kia. Để khắc phục, bên cạnh yếu tố dân chủ, minh bạch công khai, thì phải xây dựng cơ chế để tuyển chọn được người tốt, người giỏi không phải tuyển chọn « người nhà ».

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Biệt phủ’ của Giám đốc Sở: Nên làm rõ ràng để bảo vệ uy tín cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO