Biểu tượng của khát vọng nhân dân

Thành Vĩnh 08/10/2018 14:00

"Tháng tám giỗ cha - tháng ba giỗ mẹ” đã trở thành một tập quán tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Trong số các vị Thánh bất tử, chỉ duy nhất Đức Thánh Trần – Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn  là nhân vật lịch sử có thật, được cho là linh thiêng vào bậc nhất. Có thể hiểu điều này giống như lòng ngưỡng mộ và tôn sùng tột bậc mà nhân dân dành cho vị Anh hùng gắn với những chiến công hiển hách thế kỷ XIII.

Biểu tượng của khát vọng nhân dân

1. Đền thờ 2 vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi ở gần nhau, khiến mỗi năm vào mùa thu, lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc càng trở nên náo nức, kéo dài cả tháng trời. Có lần khi chúng tôi gặp nhà văn Hoàng Quốc Hải – tác giả của những bộ tiểu thuyết lịch sử lừng lẫy về 2 triều đại Lý – Trần, cả buổi chuyện, nhà văn đã nhiều lần thốt lên: Trong lịch sử Việt Nam, Trần Hưng Đạo là vị tướng tài năng kiệt xuất vào bậc nhất. Nhân dân thật sáng suốt và công bằng khi tôn vinh ông là bậc Thánh "bảo dân hộ quốc”.

Còn theo GS Lê Văn Lan, trong lịch sử dân tộc, hiếm có một vị tướng nào được đánh giá cao bằng Trần Hưng Đạo. Người ta xếp các vị tướng theo những danh hiệu thứ bậc như: Cấp độ 1 là Dũng tướng tức là vị tướng giỏi có sức mạnh hơn người; Cấp độ 2 là Trí tướng tức vị tướng tài ba không chỉ giỏi cơ bắp mà còn có mưu lược; Bậc cao hơn nữa là Nhân tướng – đánh giặc bằng đạo Nhân, đó là cấp rất cao rồi. Nhưng duy nhất trong lịch sử, theo ông Lê Văn Lan, có một người được phong là Thánh tướng – đó là Đức Thánh Trần Hưng Đạo.

Đức Thánh Trần – Thánh tướng Trần Hưng Đạo Đại vương trong lịch sử có công lao đánh giặc giữ nước, nhà quân sự lỗi lạc có biệt tài đánh bằng thủy chiến. Ngài sau khi hiển Thánh, tiếp tục được nhân dân phong là vị Thánh tướng có khả năng và đã nhiều phen trừ ma diệt quái. Không phải ngẫu nhiên, mà trong tiềm thức nhân dân, Đức Thánh Trần ngự ở đâu đều là để trấn giữ bờ cõi ở đấy, nhất là những nơi đầu sóng ngọn gió.

Trong tâm thức của nhân dân Việt Nam đến nay, vẫn coi ngày giỗ Đức Trần Hưng Đạo là một ngày lễ trọng – ngày hội. Từ Nam chí Bắc, dân chúng nô nức đi chảy hội đền Trần. Bởi vì, theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, ngày giỗ vị Quốc công tiết chế thống lĩnh quân sự, có công chỉ huy đánh thắng giặc Mông – Nguyên tới ba lần, cứu giang san nòi giống thoát khỏi sự hủy diệt của kẻ thù tàn ác, nó có tầm quan trọng như một ngày Quốc lễ vậy.

Nếu các vị Thánh khác trong tín ngưỡng dân gian, ít nhiều nhuốm màu huyền thoại, thì Đức Thánh Trần là một nhân vật lịch sử. Ông là người đã được lịch sử tôn vinh là người có công và có tài cầm quân, là bậc tướng mưu lược vào bậc nhất trong lịch sử của dân tộc. Tên tuổi ông không chỉ ghi trong sử sách mà khắp nước còn lập đền thờ ông, dựng tượng ông, và ngày càng sùng kính ông, tới nay chưa có dấu hiệu phôi pha. Đó là về con người thực của nhân vật lịch sử kiệt xuất Hưng Đạo Đại vương. Tuy nhiên, Trần Hưng Đạo còn được dân chúng ngưỡng mộ suy tôn ông là một vị thánh. Trong lịch sử Việt Nam, các nhân vật lịch sử chỉ có Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là người duy nhất được tôn vinh là Thánh.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải cho rằng: Trần Hưng Đạo từ những ngôi đền được dân chúng tri ân bước thẳng vào ngôi điện tâm linh trong tâm thức sùng kính của muôn dân. Vị Thánh ấy chính là khát vọng của quần chúng. Và một khi họ đã chấp nhận ông là Thánh của họ thì họ đắp cho ông đủ thứ quyền uy mà họ cần. Điều đó giải thích vì sao nhân dân đặt Đức Thánh Trần Hưng Đạo vào hàng linh thiêng bậc nhất.

2. Vương triều Trần rực rỡ đã có những giá trị đặc biệt: Một triều đại vừa sinh Phật, vừa sinh Thánh. Cả Phật và Thánh nhà Trần cho đến tận ngày hôm nay, sau gần một thiên niên kỷ bão táp, vẫn giữ một vị trí sừng sững trong tâm thức dân tộc. Cùng với thời gian, giá trị tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông và Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã vượt lên, mang tầm vóc thời đại.
Tháng 8-1300, khi vua Trần Anh Tông nghe tin Trần Hưng Đạo bệnh nặng ngoài Kiếp Bạc mới đi thuyền nhỏ tới, cầm tay hỏi kế sách giữ nước. Mặc dù vua Trần Anh Tông hỏi trong trường hợp có chiến tranh xảy ra, nhưng Trần Hưng Đạo không đề cập cụ thể chuyện đánh giặc mà nói chuyện trường tồn và phát triển của đất nước, của lịch sử, của xã hội bằng nhận thức về vai trò của nhân dân. Trần Hưng Đạo từ vai trò to lớn của nhân dân trong chiến tranh mở rộng ra vai trò của nhân dân trong tất cả các hoạt động xã hội và lịch sử. Đấy là cả một đối sách, chính sách, sách lược để ứng xử với nhân dân gói gọn trong mấy chữ: Khoan thư sức dân.

Trước đó, khi cầm quân, Đức Thánh Trần của Việt Nam, ở thế kỷ XIII, đã thể hiện tư tưởng bằng hành động, huy động sức mạnh nhân dân vào trong cuộc chiến tranh. Theo GS Lê Văn Lan, Đức Hưng Đạo đại vương là người tổ chức chiến tranh lần đầu tiên khác với Lý Thường Kiệt, khác với Lê Hoàn. Ba lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông, rõ nhất là 2 lần ngài đều bỏ kinh đô. Mà bỏ kinh đô thì đi đâu? Dựa vào đâu? Ngài đặc biệt dựa vào nhân dân. Đức Trần Hưng Đạo đã khơi mào để sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp tổng kết được thành lời: Chiến tranh nhân dân. Tư tưởng Chiến tranh nhân dân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bắt đầu từ Trần Hưng Đạo khi trên thực tế Ngài đã dựa vào dân để cứu nước, giữ nước.

Trần Hưng Đạo, trước khi từ lịch sử bước sừng sững vào tâm thức tín ngưỡng dân gian, đã để lại không chỉ những chiến công lẫy lừng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông mà cao hơn, là để lại một di chúc chính trị - quân sự có giá trị vượt qua mọi thời đại lịch sử, vượt qua không gian và thời gian: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là kế thượng sách để giữ nước”. Khoan thư sức dân không đơn giản là một kế sách mà là triết lý tồn tại cho mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, là chân lý của mọi thời đại. Đó là tư tưởng thân dân, đặt con người vào vị trí cao nhất trong nghệ thuật trị quốc. Tư tưởng chủ đạo ấy khai thông mạch nguồn dân tộc, làm thăng hoa sức mạnh con người Việt Nam, tạo nên khí phách Việt Nam.

Lần đầu tiên, lễ giỗ Đức Thánh Trần được tổ chức ở quy mô quốc gia là mùa thu năm 1945. Hai ngày sau ngày Nam Bộ kháng chiến, 23/9, nhằm đúng ngày 20/8 âm lịch (tức 25/9/1945), lễ giỗ Đức Thánh Trần diễn ra ở quảng trường Nhà hát Lớn, do Bộ Tuyên truyền của Chính phủ đứng ra tổ chức. Buổi lễ ngày ấy là để hướng về Nam Bộ, mà theo một bài báo hồi ấy tường thuật lại thì “quốc dân đến Nhà hát Lớn không những để tỏ lòng sùng kính một vị anh hùng cứu quốc, mà còn để tỏ sự phẫn uất trước những hành động trái công lý và để nêu cao tinh thần chiến đấu cùng lòng kiên quyết của mình...”

Kể từ đó đến nay, lễ giỗ Đức Thánh Trần mỗi năm, vẫn là một ngày giỗ quan trọng của dân tộc. Theo tập quán của dân ta, ngày giỗ là dịp để con cháu tu tâm lấy việc tưởng nhớ người xưa mà giáo dục người nay, để phúc đức của tổ tiên được thấm nhuần. Lễ Giỗ Đức Thánh Trần mỗi năm, những dòng người vẫn đến Kiếp Bạc, đền Trần… là dịp để hiểu hơn về cuộc đời Ngài, củng cố sâu sắc hơn lòng thành kính đối với một vị Thánh – một nhân vật lịch sử có thật. Có lẽ cho đến muôn đời sau, Đức Trần Hưng Đạo vẫn mãi là một tượng đài sừng sững, là biểu tượng cao đẹp về lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự cường của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Biểu tượng của khát vọng nhân dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO