Việc phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại TP Hồ Chí Minh mới đây càng đẩy hàng không vào thế khó, khi các chuyến bay thương mại tiếp tục bị trì hoãn. Trong khi đó mới chỉ có Vietnam Airline được Nhà nước hỗ trợ. Đây là vấn đề đang gây tranh cãi giữa các hãng bay...
Không phân biệt đối xử giữa các hãng bay
Có thể nói, ngành hàng không đã trải qua thời kỳ suy giảm tồi tệ nhất từ trước tới nay do tác động của đại dịch Covid-19. Số lượng hành khách vận chuyển và doanh thu suy giảm kỷ lục khiến các hãng bay đứng bên bờ vực phá sản. Triển vọng phục hồi ngày càng kém tích cực do đại dịch kéo dài và diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh đó, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đến hết tháng 5/2020, các quốc gia trên thế giới đã cấp các khoản viện trợ có tổng giá trị lên tới 123 tỷ USD nhằm giúp các hãng hàng không có thể “sống sót” sau đại dịch. Các khoản hỗ trợ được phân bổ dưới dạng cho vay 50,4 tỷ USD, hỗ trợ việc làm 34,8 tỷ USD, cho vay có bảo đảm 11,5 tỷ USD, hoặc dưới hình thức “bơm” vốn 11,2 tỷ USD. Trong tổng số 123 tỷ USD, có 67 tỷ USD sẽ phải trả và tổng số tiền nợ của ngành này sẽ lên tới gần 550 tỷ USD, tăng 28%. Đó cũng là thách thức tiếp theo của ngành hàng không thế giới.
Cần chính sách quản lý vĩ mô cho hàng không
ThS. Trần Thị Thu Hà, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia nhận định: Sự cạnh tranh gay gắt của các hãng hàng không hiện nay chủ yếu là về giá và dòng tiền. Ngành hàng không Việt Nam mấy tháng qua đã chứng kiến những đợt khuyến mãi chưa từng có trong lịch sử khi các hãng đua nhau giảm giá kỷ lục để hút khách. Điều đó có thể ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các hãng. Theo thông kê của Cục Hàng không Việt Nam (tháng 9/2020) doanh thu của các hãng hàng không hiện vẫn giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019. Hầu như không còn hãng nào còn tiền trên tài khoản do dịch bệnh đã “đốt” 41% tài chính. Bức tranh ảm đạm của ngành hàng không vẫn giữ nguyên tới cuối năm 2020, và sẽ kéo dài tới những năm sau nếu Nhà nước không có chính sách quản lý vĩ mô đối với ngành hàng không.
Với Việt Nam, Chính phủ vừa thông qua gói hỗ trợ cho hãng hàng không quốc gia Vietnam airline (VNA). Động thái này được giới chuyên gia kinh tế cho rằng, các hãng hàng không tư nhân cũng rất cần được hỗ trợ. Như thế sẽ vừa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, vừa bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử.
Liên quan đến việc hai hãng hàng không tư nhân Vietjet và Bamboo Airways đề nghị được hỗ trợ vốn, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/12, thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay: Hỗ trợ các hãng hàng không và các đơn vị vận tải không phải chuyên ngành hàng không như đường sắt, đường thủy… Bộ Giao thông Vận tải đều đã có phương án phối hợp giữa các bộ, ngành. Chính phủ cũng có nhiều quyết sách liên quan đến vận tải, tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Như đối với hàng không đã thông qua chính sách giảm phí, giảm thuế nhiên liệu, giãn nợ… áp dụng bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các hãng bay.
Với trường hợp của Vietnam Alines được hỗ trợ tài chính, theo ông Đông, đây là hãng hàng không quốc gia, xuất phát là doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước có vốn ở Vietnam Alines, do đó bảo tồn vốn là một khía cạnh để chúng ta xem xét. Việc các hãng đề xuất hỗ trợ, tôi cho rằng phải đối xử bình đẳng nhưng cần xem xét các yếu tố về vốn xuất phát từ đâu. Tất nhiên tất cả các đề xuất đều phải xem xét kỹ lưỡng.
Về phía các hãng bay tư nhân, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air cho biết, hãng này đã lỗ trong 9 tháng qua, dù đã bán, chuyển nhượng tài sản tích luỹ trong nhiều năm, giảm lương tới 50 – 70% với quản lý cấp cao, trung và chỉ trả mức thu nhập tối thiểu 8 – 10 triệu đồng với người lao động. Do đó, Vietjet kiến nghị Ngân hàng nhà nước xem xét hỗ trợ nguồn tái cấp vốn vay hạn mức 4.000 tỷ đồng để giải quyết thanh khoản với lãi suất ưu đãi trong thời hạn 3 – 5 năm. Sau đó, Vietjet sẽ bắt đầu trả nợ và lãi từ 2023 – 2025.
Bên cạnh đó, đại diện Bamboo Airways cho hay, quy mô hãng bay này nhỏ hơn nhiều so với Vietnam Airlines và Vietjet, nhưng thiệt hại do Covid-19 cũng không kém. Hãng này cũng đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét gói tài chính hỗ trợ cho các hãng hàng không tư nhân như đã phê duyệt hỗ trợ cho Vietnam Airlines.
Lợi ích của nền kinh tế là tiêu chuẩn quan trọng nhất
Và nhìn một cách tổng quát về phương án hỗ trợ “giải cứu” riêng Vietnam Airlines có làm thay đổi được toàn ngành hàng không hay không là câu hỏi được đặt ra. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống- chuyên gia hàng không phân tích: Nếu Nhà nước chỉ “bơm” thêm vốn vào cho Vietnam Airlines thì rất bất công với các hãng hàng không hiện hữu khác, vì chúng ta đang thúc đẩy cạnh tranh, quốc tế họ sẽ đánh giá về vấn đề thị trường cạnh tranh. Do đó, nhà nước cần phải đánh giá lại, ngành hàng không lớn mạnh được như ngày hôm nay, có phải là do Vietnam Airlines hay là do có sự xuất hiện của các hãng hàng không tư nhân đã tạo ra được sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng lên.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm, trước đây chỉ có Vietnam Airlines độc quyền là không tốt. Mặc dù, Vietnam Airlines có công ty con, có hãng hàng không trực thuộc nhưng cũng chẳng tạo là được môi trường cạnh tranh lành mạnh. Ví dụ hãng hàng không Pacific Airlines thuộc Vietnam Airlines dù có vốn góp nước ngoài, nhưng bao nhiêu năm vẫn không có lãi. Có thể thấy Vietnam Airlines quản lý không hiệu quả như hãng hàng không tư nhân.
“Kể từ khi có hãng hàng không tư nhân xuất hiện đã tạo ra thị trường cạnh tranh, thay đổi được tính độc quyền của Vietnam Airlines, khiến cho Vietnam Airlines phải thay đổi chiến lược kinh doanh, có những vé máy bay giá rẻ theo xu thế thị trường. Rõ ràng, sự xuất hiện của các hãng hàng không tư nhân đã làm Vietnam Airlines quản lý tốt hơn. Nhìn về tăng trưởng, lợi nhuận của Vietnam Airlines thì lại không bằng tư nhân. Do đó, Nhà nước chỉ giúp mỗi Vietnam Airlines là không công bằng với các hãng bay khác” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống bày tỏ.
Ở thời điểm này, ý kiến của chuyên gia kinh tế PGS.TS Bùi Quang Bình - Chủ nhiệm khoa Kinh tế, Trường đại học Kinh tế Đà Nẵng được giới chuyên môn đánh giá cao khi cho rằng: Việc hỗ trợ này rất cần thiết và coi như đó là khoản đầu tư của nhà nước cho ngành hàng không và cho toàn bộ nền kinh tế. Với các hãng hàng không, tuỳ theo quy mô, vai trò và mức đóng góp cho nền kinh tế mà Chính phủ nên quyết định mức hỗ trợ tài chính sao cho hợp lý.
“Để đảm bảo hiệu quả của các khoản hỗ trợ, Chính phủ cần yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng các phương án phục hồi và phát triển của mình, khả năng tài chính có thể huy động. Đồng thời đánh giá đúng và khách quan để đảm bảo sự công bằng và hiệu quả, lấy lợi ích của nền kinh tế là tiêu chuẩn quan trọng nhất. Để đảm bảo tính khách quan trong đánh giá phương án của các hãng hàng không, việc này nên được thực hiện bởi một hội đồng tư vấn bao gồm các chuyên gia am hiểu sâu về hoạt động của ngành và không có quan hệ lợi ích với các đơn vị trong ngành” - PGS.TS Bùi Quang Bình nhấn mạnh.
Áp dụng công bằng các gói vay ưu đãi
“Theo tôi biết có gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, trong đó 8.000 tỷ vốn nhà nước “bơm” cho VNA và 4.000 tỷ cho vay ưu đãi để tăng vốn. Tôi cho rằng, gói cho vay ưu đãi phải áp dụng cho tất cả các hãng hàng không thì mới công bằng, ta nên hỗ trợ theo tỷ lệ doanh thu, thị phần của các hãng từ trước khi xảy ra dịch Covid-19. Hoặc là hỗ trợ cho các hãng có làm ăn có lãi, lãi càng lớn thì càng phải hỗ trợ, các hãng đang bị lỗ rồi thì càng không nên hỗ trợ. Hiện tại, đâu chỉ có mỗi Vietnam Airlines bị thua lỗ do dịch Covid-19, hay bão lũ, thiên tai, mà tất cả các hãng hàng không tư nhân cũng đang phải gánh chịu nhưng hậu quả này” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.