Bình thường hóa nỗi lo khi học sinh trở lại trường

NGUYỄN HOÀI (thực hiện) 13/02/2022 07:30

Trở lại trường học trong điều kiện số ca F0 trong cộng đồng vẫn tăng cao, tâm lý lo lắng của phụ huynh, học sinh về dịch bệnh là không thể tránh khỏi. Làm thế nào để vượt qua rào cản tâm lý này? PV báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục - ĐHQG Hà Nội.

PGS.TS Trần Thành Nam.

PV: Dù rất mong chờ ngày trường học mở cửa trở lại, nhưng tại thời điểm hiện tại, nhiều phụ huynh đang có tâm lý lo lắng khi con đến trường học trực tiếp. Quan điểm của ông về vấn đề này?

PGS.TS Trần Thành Nam: Cần hiểu rằng, hiện nay tất cả chúng ta đang sống trong thế giới với tình trạng biến động, tính phức tạp cao. Vì vậy, chúng ta phải học cách đối diện với nguy cơ và thích nghi với biến động bất định và phức tạp này. Con cái của chúng ta muốn trở thành công dân số cũng cần phải học cách đối diện với nó. Chúng ta cũng cần phải biết phân biệt: thế nào là nguy cơ và tỷ lệ mắc như thế nào để tự trấn an mình.

Tất nhiên khi trở lại trường học, đã có trường hợp học sinh dương tính với SARS-CoV-2. Nhưng chúng ta cũng không còn chiến lược “Zero-Covid” nữa nên nguy cơ trở thành F0 cũng tồn tại như nguy cơ bị tai nạn khi tham gia giao thông. Nhìn từ khía cạnh khi tham gia giao thông, người dân đã được trang bị những kiến thức về luật, thực hiện các quy tắc an toàn để tham gia giao thông.

Trách nhiệm đưa học sinh trở lại trường không phải của riêng ngành giáo dục mà còn có trách nhiệm của cha mẹ vì tương lai của chính đứa con mình và rộng hơn là của cộng đồng xã hội.

Vì vậy, số vụ tại nạn giao thông được hạn chế tối đa. Tương tự, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi học sinh trở lại trường sẽ được giảm thiểu khi phụ huynh dạy con đúng luật. Luật ở đây là quy tắc 5K, các quy định tại trường, thực hiện các cách thức giữ an toàn cho bản thân… Phụ huynh cũng nên nhìn nhận rằng, đây là động lực để phụ huynh yên tâm và cần phải làm.

Giáo dục là một bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế. Hiện nay, nền kinh tế nước ta và các nước trên thế giới đã mở, giáo dục cũng không thể đứng ngoài cuộc mặc dù vẫn còn nhiều nguy cơ do dịch bệnh. Hơn nữa, trên thế giới đã có thuốc điều trị Covid-19.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của các chuyên gia cũng cho thấy, hệ miễn dịch của trẻ em vẫn còn tươi mới nên khi không may mắc Covid-19 thì các triệu chứng đều rất nhẹ, không có biến chứng và khỏi bệnh nhanh chóng. So sánh về mặt hậu quả giữa việc trẻ ở nhà quá lâu và nguy cơ mắc Covid-19 khi tới trường thì nguy cơ trẻ ở nhà quá lâu còn trầm trọng hơn.

Vừa mừng lại vừa lo là tâm trạng của nhiều học sinh khi trở lại trường thời điểm này. Ở nhà quá lâu, không ít học sinh chia sẻ rằng, các em ngại đến trường học trực tiếp. Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, theo ông nguyên nhân là do đâu?

- Đây là những lo lắng muôn thuở. Kể cả những năm trước đây, sau mỗi dịp nghỉ Tết, nghỉ hè, khi học sinh quay lại trường, các em luôn có nỗi lo lắng như vậy. Thậm chí, nhiều học sinh còn có câu kinh điển: “Trở lại trường là trở lại những nỗi lo”. Và không ngoại lệ, trong bối cảnh hiện tại, học sinh trở lại trường trong tâm thế vừa háo hức vừa lo lắng là điều dễ hiểu.

Tôi cho rằng nguyên nhân bởi cách tiếp cận, quan điểm giáo dục của chúng ta từ trước tới nay vẫn trọng thi hơn trọng học. Theo tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới, phương pháp dạy học đã thay đổi, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học. Mà như vậy, sẽ không còn việc chạy đua về điểm số hay thành tích. Như lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói, phải hướng tới học thật thi thật. Nếu chúng ta quyết tâm chuyển đổi triệt để thì học sinh trở lại trường sẽ không quá căng thẳng và áp lực như thế này.

Muốn thực hiện được điều như ông phân tích ở trên, về phía nhà trường, phụ huynh nên thay đổi quan điểm như thế nào, thưa ông?

- Để học thật thi thật thì tất cả chúng ta cần đối xử với nhau cũng phải thật. Tức là, cha mẹ không vì kỳ vọng của bản thân mà đặt áp lực lên vai con cái quá nhiều. Nhà trường không nên chạy đua về thành tích, phân biệt môn chính hay môn phụ. Xã hội cũng không nên đánh giá một con người dựa trên khung điểm số của một số môn học nào đó.

Ở nhà quá lâu, ít nhiều học sinh cũng bị tổn thương về sức khỏe tâm thần. Vì vậy, theo tôi, trong giai đoạn đầu trở lại trường, các trường học cần tập trung quan tâm về mặt chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. Ngay cả mục tiêu bù đắp kiến thức, bảo đảm chất lượng trong thời gian học trực tuyến cũng nên xem là thứ yếu sau sức khỏe. Hãy dành thời gian 1 tuần hay thậm chí 1 tháng cho công việc ổn định tâm lý học sinh, giúp các em tái thiết lập lại độ sắc bén của tư duy, khả năng tập trung và trở lại với guồng quay của việc học tập ở trường.

Trước những lo lắng khi học sinh trở lại trường học trực tiếp sau dịp Tết Nguyên đán, lời khuyên nào cho phụ huynh ở thời điểm này, thưa ông?

- Vì sự lo lắng thái quá của người lớn mà hiện nay một số trường học ở các địa phương yêu cầu học sinh phải test nhanh định kỳ để bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên. Nỗi sợ của người lớn bắt những đứa trẻ phải hành động theo như vậy tôi cho rằng là chưa đặt trọng tâm vào đứa trẻ. Thay vì sợ hãi, lo lắng, việc cần làm lúc này là công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch cần phải thực hiện tốt. Phụ huynh sẽ là chốt chặn để phát hiện dấu hiệu bất thường đầu tiên của con qua đó có cách xử lý kịp thời.

Trách nhiệm đưa học sinh trở lại trường không phải của riêng ngành giáo dục mà còn có trách nhiệm của cha mẹ vì tương lai của chính đứa con mình và rộng hơn là của cộng đồng xã hội. Tâm thế của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến con. Nếu con đi học, cha mẹ luôn lo lắng, con cũng sẽ lo lắng, áp lực khi đến trường. Ngược lại, nếu cha mẹ bình tĩnh, tự tin, tích cực con cũng sẽ tự tin, sẵn sàng quay lại trường học.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình thường hóa nỗi lo khi học sinh trở lại trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO