Bình tĩnh trong xử lý tình huống

Thu Hương 26/04/2022 06:20

Nhiều vụ việc xảy ra trong trường học mà nếu người thầy ở vị trí “cầm cân nảy mực” bình tĩnh hơn sẽ giảm bớt được những hệ lụy về sau.

Không nên cứng nhắc trong xử lý học sinh mắc vi phạm. Ảnh minh họa

Không cứng nhắc trong xử lý học sinh

Những ngày gần đây, câu chuyện học sinh lấy lại thức ăn đã vứt vào thùng rác để ăn theo yêu cầu của một hiệu phó trường THPT chuyên nhận được sự quan tâm của nhiều người. Theo đó, sáng 18/4, ông L.T.Đ. - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (Cà Mau) đi kiểm tra nề nếp học sinh. Quá trình kiểm tra, ông Đ. phát hiện có 6 học sinh lớp 12 mang thức ăn vào lớp ăn. Theo quy định của trường không cho học sinh ăn trong lớp nên ông Đ. gọi 6 học sinh này ra ghế đá trước sân trường ngồi ăn. Khi đi ra ngoài sân trường, có 2 học sinh nam quăng thức ăn đi. Ông Đ. khi quay trở lại thấy 2 nam học sinh không có thức ăn trong tay nên yêu cầu đi lấy lại ăn.

Thông tin từ nhà trường, sau đó ông Đ. đã gặp nhà trường và học sinh, thừa nhận có chút nóng vội, sơ suất không kiểm tra việc học sinh để thức ăn ở đâu, nếu biết học sinh đã vứt thức ăn vào thùng rác đã không làm như vậy. Ông Đ. đã nhận khuyết điểm với học sinh.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, cách xử lý như vị Phó Hiệu trưởng trên là nóng vội, chưa suy xét thấu đáo nên dễ dẫn đến sơ suất. Phải xác định, học sinh mắc lỗi là chuyện bình thường, việc xử lý kỷ luật không nhằm mục đích trừng phạt, mà là cơ hội để giáo dục học sinh. “Phạt học sinh vi phạm kỷ luật là cần thiết, qua đó tập cho các em biết chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, hình phạt phải mang tính giáo dục, giúp học sinh ý thức tốt hơn sau khi bị phạt chứ không phải để thỏa mãn sự bực tức của giáo viên” - ông Lâm nêu quan điểm.

Lấp khoảng trống trong giáo dục

Trên thực tế, trách phạt cũng là một trong những phương pháp giáo dục học sinh cần thiết để tuân thủ kỷ luật trường lớp nhưng trước khi áp dụng phương pháp này, thầy cô nên tự đặt mình vào tình thế khó khăn của học sinh; cân nhắc kỹ nguyên nhân, hoàn cảnh, diễn biến của sai phạm, đặc điểm tâm lý, tính cách của đối tượng... Dù dùng biện pháp xử phạt nào thì cũng phải xuất phát từ lòng yêu thương, hướng tới việc để học sinh nhận ra lỗi lầm và tìm cách sửa chữa. Lạm dụng trách phạt hoặc trách phạt quá nặng, thiếu khách quan, không công bằng có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc.

Học sinh ngày nay rất nhạy cảm nên nếu xử phạt không khéo, không cân nhắc trước sau thì có thể sẽ phản tác dụng. Như trong câu chuyện trên, học sinh khi bị yêu cầu ra ngoài ghế đá sân trường ăn, khi tất cả các học sinh khác đang ở trong lớp, thậm chí là lớp khác cũng nhìn thấy thì tâm lý “quê” của các em là điều có thể hiểu, dẫn đến phản ứng mạnh là quăng thức ăn vào thùng rác.

Theo GS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, sinh viên sư phạm đều học môn tâm lý học, trong đó có kỹ năng giải quyết học sinh phạm lỗi nhưng không nhiều giáo viên thấu hiểu tâm lý học sinh trong quá trình dạy học. Chẳng hạn, với quy định không ăn sáng trong lớp học là đúng, không phải chỉ một mà rất nhiều trường có quy định này. Song trong trường hợp các em vì lý do nào đó đến trường chưa kịp ăn sáng, chẳng lẽ nhịn đến trưa trong khi có đồ ăn trong cặp? Hợp tình hợp lý nhất là nhà trường quy định khu vực dành cho học sinh ăn sáng tại căng tin hoặc một phòng sinh hoạt chung nào đó. Đi kèm với đó là nhắc nhở, tuyên truyền để học sinh cùng có ý thức giữ gìn vệ sinh lớp học, trường học sạch đẹp thì có lẽ những vụ việc ăn sáng trong lớp học sẽ giảm thiểu, hạn chế được. Hoặc nếu có học sinh vi phạm, thầy cô ghi nhận sự việc đến hôm sau, gọi các em lên phòng riêng, tìm hiểu ngọn ngành rồi góp ý nhẹ nhàng, không để các em xấu hổ với bạn bè thì học sinh sẽ không có phản ứng thái quá, ngược lại, sẽ cảm kích, biết ơn thầy cô, từ đó tự nguyện hợp tác để giữ sạch trường học, lớp học.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, trong giáo dục, nếu cứng nhắc quá rất dễ đẩy các em học sinh đến những hành động bộc phát, khó kiểm soát, nhất là ở lứa tuổi vị thành niên khi các em đang muốn thể hiện, khẳng định “cái tôi” của mình.

Từ câu chuyện này, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những khiếm khuyết trong giáo dục hiện nay. Đó là việc học sinh từ nhỏ đến lớn, từ lớp mẫu giáo đã hình thành thói quen tuân thủ theo lời của thầy cô giáo mà không có suy xét, phản ứng bảo vệ mình trước những sự việc khác nhau.

Một trong những mục tiêu của giáo dục đó là học để biết, học để làm người. Các em phải biết phân biệt đúng sai, biết cách tự bảo vệ mình trước những sự việc không đúng dù đó là giáo viên, người lớn tuổi hơn, thậm chí là phụ huynh của các em.

Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định giáo viên, nhân viên không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh, đồng nghiệp. Mỗi giáo viên, nhân viên nhà trường cần nghiêm túc chấp hành quy định này không chỉ trên giấy tờ mà trong thực tiễn cũng cần bình tĩnh, làm chủ mình để trước bất kỳ sự việc nào cũng không nóng giận quá đà, gây tổn hại đến học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình tĩnh trong xử lý tình huống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO