Năm 2016, UBND TP Vinh (Nghệ An) có quyết định đóng đường Hồ Tông Thốc (xã Nghi Phú) để triển khai xây dựng bệnh viện tư nhân. Người dân, dư luận liên tục phản đối. Để rồi sau gần 2 năm (tức 9/2018) ngân sách nhà nước đã phải tốn hơn 4,5 tỷ đồng để con đường được mở lại. Vậy nhưng, trách nhiệm của những người bịt đường đến nay vẫn chưa xử lý?
Dân phản đối, xã không đồng ý vẫn bịt đường
Đường Hồ Tông Thốc nối QL1A với Đại lộ Lênin (còn gọi Đại lộ 3-2 ) đi qua các xã Nghi Phú, Nghi Đức, Nghi Phong… dài khoảng 3km. Đây là con đường rải nhựa đã tồn tại hàng chục năm ngay giữa lòng thành phố Vinh. Bỗng dưng, vào ngày 27/12/2016 UBND TP Vinh có văn bản số 7059/UBND-QLĐT về việc đóng đường Hồ Tông Thốc để phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đầu tư xây dựng mới Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An (Khu B).
Thời điểm đó, sau khi quyết định trên được ký, một đoạn đường gần 200m đã bị bịt kín. Người dân sống trên tuyến đường, dư luận hết sức phản đối. Bởi, chỉ vì một dự án tư nhân, mà con đường tồn tại hàng chục năm phải đóng. Thậm chí, một phần đường được xây chồng lên khiến giao thông nơi đây bị ách tắc, phải đi “lòng vòng”, kéo dài thời gian, tốn kém nhiên liệu, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông.
“Chúng tôi phản đối, dư luận vào cuộc tuyến đường mới được mở lại, còn không là mất luôn. Bởi, nó không chỉ là con đường có tên tuổi, mà việc bịt đường gần 2 năm (từ 12/2016 - 9/2018) đã khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn, nhất là những cư dân sống 2 bên đường Hồ Tông Thốc” - ông N.V.B (64 tuổi) trú tại xã Nghi Phú nhớ lại.
Không những việc “bịt” đường khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn, mà còn trái với quy định của pháp luật. Bởi, lúc bấy giờ chính quyền sở tại là UBND xã Nghi Phú không đồng ý với việc bịt đường Hồ Tông Thốc. Ngoài ra, việc đóng đường khi không có quyết định điều chỉnh quy hoạch, không có quyết định thu hồi đất là không đúng quy trình.
Gần 2 năm ròng phản đối và những đòi hỏi chính đáng từ người dân, vào ngày 18/9/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường (hiện đã nghỉ hưu) chủ trì cuộc họp giữa đại diện người dân và các cơ quan chức năng liên quan, quyết định mở lại đường Hồ Tông Thốc.
Tốn 4,5 tỷ đồng ngân sách để mở lại đường
Như vậy, sau gần 2 năm “đòi đường” UBND tỉnh Nghệ An đã quyết định mở lại con đường Hồ Tông Thốc. Tuy nhiên, như đã nói do một phần đường Hồ Tông Thốc cũ bị tòa nhà của Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An giai đoạn 2 xây chồng lên, nên tỉnh Nghệ An phải xây dựng đường Hồ Tông Thốc mới dài 300m, chạy song song, cách đường cũ chỉ 10m. Tổng kinh phí xây dựng hơn 4,5 tỷ đồng từ tiền ngân sách nhà nước và được giao cho UBND TP Vinh thực hiện.
Tiếp đó, ngày 4/5/2019, UBND TP Vinh ban hành Quyết định số 2567/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình: Cải tạo, nâng cấp đường Hồ Tông Thốc. Trong đó bổ sung hạng mục xây dựng đường quy hoạch 9m đoạn qua khu vực Bệnh viện hữu nghị đa khoa Nghệ An giai đoạn 2. Đoạn đường này có chiều dài tuyến 264,99m, chỉ giới đường đỏ 9m, mặt đường rộng 7m, vỉa hè mỗi bên rộng 1m. Kinh phí để xây dựng được xác định là từ nguồn ngân sách tỉnh. Tuyến đường phải đảm bảo bề rộng cho 2 làn xe cơ giới, đảm bảo việc lưu thông đi lại của người dân.
Việc đóng đường không có quyết định điều chỉnh quy hoạch, không có quyết định thu hồi đất là không đúng quy trình. Không những vậy, ngân sách nhà nước phải tốn thêm hơn 4,5 tỷ đồng mở lại, khiến dư luận càng bất bình và cho rằng những người ký quyết định liên quan đến việc đóng đường phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, đến nay hơn 3 năm sau khi tuyến đường đã được mở lại nhưng vẫn chưa có cán bộ liên quan nào chịu trách nhiệm. PV liên hệ với ông Đặng Thanh Tùng - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nghệ An để rõ hơn việc những cán bộ nào phải chịu trách nhiệm về việc đóng đường, khiến ngân sách tốn hơn 4,5 tỷ đồng, ông Tùng cho biết, thời điểm đó ông chưa về ủy ban công tác, đồng thời cho biết sẽ kiểm tra lại.
Trước đó, vào ngày 11/7/2019, liên quan đến việc bịt đường Hồ Tông Thốc, tại cuộc họp HĐND tỉnh Nghệ An, ông Thái Thanh Quý - lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, đây là bài học sâu sắc cho quá trình quản lý, phê duyệt các quy hoạch và chiến lược phát triển. Việc này chính quyền xin lỗi người dân.
Dự án Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An giai đoạn 2 do Công ty cổ phần Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An làm chủ đầu tư. Công ty này được thành lập ngày 10/8/2015 với 3 cổ đông sáng lập, gồm: Công ty cổ phần kỹ thuật xây dựng và Vật liệu xây dựng, góp vốn 18 tỷ đồng (tương đương 9%); Công ty cổ phần đầu tư Cotec Healthcare, góp 102 tỷ đồng (tương đương 51%) và Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An góp 80 tỷ đồng (40%, bằng mặt bằng, giá trị thương hiệu).