Bộ GTVT: Giải ngân bình quân 5.000 tỷ đồng/tháng mới đạt kế hoạch

Hoàng Chiến 25/05/2022 17:46

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu công tác giải ngân, quản lý dự án phải luôn đảm bảo theo quy trình, thủ tục của pháp luật.…

Sáng nay (25/5), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công.

Giải ngân đáp ứng kế hoạch đề ra

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư, ban QLDA qua 4 đợt với tổng số 45.343/50.328 tỷ đồng, đạt 90,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Số vốn còn lại sẽ được giao khi các Dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt Dự án đầu tư (dự kiến 30/6/2022).

Theo số liệu báo cáo các chủ đầu tư, ban QLDA cập nhật đến ngày 23/5/2022, dự kiến trong tháng 5/2022, Bộ GTVT giải ngân 3.880 tỷ đồng; lũy kế hết tháng 5/2022 giải ngân 15.080 tỷ đồng.

Kết quả giải ngân của Bộ hết tháng 5/2022 dự kiến đạt 34,9% kế hoạch 2022 đã giao chi tiết. Về tổng thể đã đáp ứng theo chỉ đạo của Bộ trưởng tại cuộc họp trực tuyến tháng 4/2022 (vượt mức kế hoạch đề ra là 33,3%).

Tuy nhiên, trong số 35 đơn vị được giao kế hoạch vốn lớn (trên 50 tỷ đồng) chỉ có 17 đơn vị giải ngân vượt mức 33,3%, một số đơn vị chưa giải ngân hoặc giải ngân rất thấp do mới được giao kế hoạch, đang triển khai công tác đấu thầu; bên cạnh đó những khó khăn như GPMB, mùa mưa năm nay đến sớm, cường độ lớn trên diện rộng, tình trạng giá nguyên vật liệu tăng cao cũng gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của các Chủ đầu tư, Ban QLDA và các nhà thầu...

Không lơ là chất lượng, quy trình, thủ tục

Liên quan đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, Bộ trưởng chỉ đạo các Ban QLDA cần tập trung tối đa cho công tác thẩm tra, thẩm định, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhóm B, C.

“Cũng cần phải lưu ý, tiến độ và giải ngân đã tốt, song chất lượng và thủ tục hồ sơ xây dựng cơ bản là hàng đầu. Giải ngân như thế nào? Nghiệm thu ra sao? Cắt chuyển khối lượng theo quy trình nào đều đã được quy định và cần tuân thủ chặt chẽ”, Bộ trưởng lưu ý.

Riêng đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ trưởng dành sự quan tâm lớn đối với 4 dự án phải hoàn thành trong năm 2022, gồm: Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, vừa qua các Ban QLDA cũng đã triển khai rất nhiều giải pháp như tăng ca, tăng cường máy móc thiết bị để bù đắp khối lượng khi đã giải quyết được khó khăn về vật liệu đất đắp hoặc do ảnh hưởng của những ngày mưa lớn kéo dài; cắt giảm và điều chuyển khối lượng của các nhà thầu chậm… (Ban QLDA 7 đã thực hiện cắt chuyển khối lượng 16,5 km và tiếp tục cắt chuyển khối lượng 4,5 km của nhà thầu chậm tiến độ thuộc Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết)

Với các dự án này, các Ban QLDA cần quyết liệt hơn nữa, cử những cán bộ có năng lực giỏi nhất để quản lý, điều hành tại hiện trường.

“Việc cắt chuyển khối lượng, cương quyết với nhà thầu yếu kém, giải cứu tiến độ các gói thầu là cần thiết, song cũng phải tuân thủ đúng theo hợp đồng, hết sức quan tâm thủ tục. Giao cho nhà thầu khác cũng phải đảm bảo theo quy định của pháp luật và đáp ứng được năng lực”, Bộ trưởng Thể chỉ đạo.

Đồng thời đề nghị các Ban QLDA phải ký hợp đồng với trung tâm khí tượng thủy văn các tỉnh cung cấp dự báo thời tiết trong tháng, theo tuần, diễn biến khu vực có dự án để có sự đánh giá, xác định thời gian thi công, xây dựng kế hoạch điều hành sát với thực tiễn.

“Từ nay đến cuối năm, khối lượng giải ngân của Bộ còn hơn 35.000 tỷ đồng, bình quân giải ngân 5.000 tỷ đồng/tháng. Để đáp ứng yêu cầu, các Ban QLDA/chủ đầu tư cần tập trung xác định nhu cầu giải ngân ở từng dự án, tổng hợp lại kế hoạch giải ngân từng tháng, từng dự án, không để tập trung vào cuối năm, bước vào mùa mưa, việc giải ngân sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ GTVT: Giải ngân bình quân 5.000 tỷ đồng/tháng mới đạt kế hoạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO