Bổ nhiệm cán bộ phải công bằng, dân chủ

H.Vũ (thực hiện) 29/08/2022 06:41

Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã có những quyết định bổ nhiệm cán bộ trẻ giữ chức vụ lãnh đạo. Việc “trao quyền” gắn với thử thách trên cương vị lãnh đạo sẽ giúp cán bộ trẻ trưởng thành hơn. Theo ông Phạm Trường Dân – đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, việc nhiều cán bộ trẻ được bổ nhiệm giữ vị trí lãnh đạo là điều đáng mừng. Tuy nhiên cùng với đó cần có sự kiểm soát quyền lực để cán bộ trẻ phát triển đúng hướng.

Ông Phạm Trường Dân.

PV: Thưa ông, nhiều cán bộ trẻ đã được bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo. Từ Giám đốc Sở cho đến Bí thư Tỉnh ủy. Ông đánh giá như thế nào về việc sử dụng và bố trí, bổ nhiệm cán bộ trẻ trong thời gian qua?

Ông Phạm Trường Dân: Việc nhiều bộ, ngành, địa phương bổ nhiệm cán bộ trẻ, nhất là bổ nhiệm lãnh đạo ở các vị trí chủ chốt của tỉnh là điều đáng mừng. Đây đều là những cán bộ đã được đào tạo bài bản, trải qua thử thách trong môi trường làm việc công tác; được sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, việc bổ nhiệm cũng là điều kiện để cán bộ trẻ phấn đấu, phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Như ngành công an trong thời gian qua đã mạnh dạn bổ nhiệm các cán bộ trẻ. Mới đây, Trung tá Ksor H’Bơ Khắp - Trưởng Công an thị xã Ayun Pa đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai. Việc bổ nhiệm một cán bộ nữ 40 tuổi giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng là phù hợp, không phải là quá trẻ. Bởi nhiều ngành bổ nhiệm Giám đốc Sở cũng từ 32-40 tuổi.

Tuy nhiên, từ những “bài học xương máu” như vụ bổ nhiệm con trai ông Vũ Huy Hoàng, con trai ông Lê Phước Thanh; hay những vụ bổ nhiệm gây phản ứng mạnh mẽ của dư luận trong thời gian qua như: vụ con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, thì chúng ta cũng cần xem xét, đánh giá thật kỹ trước khi bổ nhiệm. Có thể họ là cán bộ được đào tạo cơ bản, nhưng vấn đề là cần thử thách, tôi luyện trong môi trường công tác. Phải đủ “chín” mới bổ nhiệm để giữ vị trí chủ chốt ở cấp tỉnh. Cho nên cần hết sức thận trọng trong bổ nhiệm.

Độ tuổi “chín” của cán bộ chủ chốt cấp tỉnh nên trên 40 tuổi. Nhất là con của cán bộ lãnh đạo cấp cao cần hết sức thận trọng trong đánh giá. Bởi họ chưa chắc đã giỏi như cha, mẹ của mình vì được “dựa hơi” bố, mẹ.

Vậy làm sao để đánh giá cán bộ trẻ một cách khách quan và công bằng. Ví như hai cán bộ trẻ như nhau song người công tác ở TP Hồ Chí Minh khác với người công tác tại Hà Giang. Hai nơi có điều kiện khác nhau thì không thể đánh giá cán bộ một cách dễ dàng, thưa ông?

- Môi trường công tác ở mỗi nơi có sự khác nhau. Do đó cần sự đánh giá nhiều yếu tố một cách kỹ lưỡng. Môi trường thành phố tưởng là dễ nhưng cũng có những nơi khó khăn. Tôi thấy nhiều nơi còn khó khăn hơn vùng núi. Bởi lẽ nhiều huyện vùng núi có môi trường công tác thuận lợi hơn do những huyện đó được sự hỗ trợ từ Trung ương xuống. Còn môi trường đô thị có khi lại khắc nghiệt hơn. Bí thư Quận ủy tại Hà Nội và Bí thư Quận ủy TP Hồ Chí Minh khác với Bí thư Quận ủy của Cần Thơ và Đà Nẵng. Dù cùng là đô thị và thực tế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là nơi có điều kiện hơn nhưng môi trường làm việc lại áp lực hơn Cần Thơ và Đà Nẵng. Và nếu đặt bí thư, chủ tịch một huyện ở miền núi vào hoàn cảnh bí thư, chủ tịch một quận ở đô thị thì chưa chắc đã làm được như vậy và ngược lại.

Tuy nhiên trong bổ nhiệm cán bộ trẻ chúng ta phải đảm bảo công bằng, dân chủ. Tránh việc hai người ngang nhau, nhưng người là con của cán bộ lãnh đạo thì ưu tiên bổ nhiệm trước, còn người không phải con lãnh đạo thì lại bỏ qua. Chúng ta phải sòng phẳng trong bổ nhiệm cán bộ.

Thưa ông, chúng ta đã tin tưởng dùng cán bộ trẻ thì phải quan tâm bồi dưỡng cán bộ trẻ, bởi đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ là tương lai của đất nước, đội ngũ lãnh đạo đất nước kế cận trong tương lai?

- Đúng vậy. Cán bộ trẻ là tương lai của đất nước. Cán bộ trẻ phát triển tốt, đảm đương nhiều vị trí quan trọng của một ngành, một địa phương thì chứng tỏ đất nước ta phát triển. Dùng cán bộ trẻ nhưng cũng phải quan tâm tới đào tạo, kèm cặp, giúp đỡ để họ phát triển. Tôi lưu ý chúng ta cần có sự kiểm soát quyền lực. Nếu không sẽ dẫn đến những rủi ro, dễ sa ngã như trường hợp Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Đà Nẵng. Đây là trường hợp cán bộ trẻ nhưng chúng ta thiếu kiểm soát quyền lực dẫn đến hậu quả như thế. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “phải kiểm soát quyền lực”. Chúng ta trao quyền cho cán bộ thì cần phải kiểm soát cán bộ sử dụng quyền đó như thế nào, có đúng quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng? Có đúng pháp luật hay không...

Nhưng theo ông làm sao để nhiều cơ quan, ngành, lĩnh vực sử dụng cán bộ trẻ nhiều hơn, tạo cơ hội cho cán bộ trẻ phát triển hơn, thay vì “giữ ghế”?

- Nhiều cán bộ trẻ nhưng có trình độ rất giỏi, được đào tạo bài bản. Do đó như tôi đã đề cập ở trên, cần có sự kiểm soát quyền lực để họ đi đúng “quỹ đạo”, giao quyền dù lớn hay nhỏ cũng phải có sự kiểm soát. Nhưng quan trọng là giúp đỡ, tạo điều kiện để cán bộ trẻ phát triển. Đặc biệt là chọn môi trường cho cán bộ trẻ thử thách, thử thách ở môi trường khắc nghiệt sẽ trưởng thành, bản lĩnh. Tránh việc con lãnh đạo thì chọn môi trường thuận lợi để thử thách, còn môi trường khắc nghiệt dành cho người không phải con lãnh đạo.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bổ nhiệm cán bộ phải công bằng, dân chủ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO