Bỏ phố về quê, đam mê là chưa đủ

Lan Anh 04/03/2021 14:00

Thời nay, không ít những người trẻ lựa chọn “bỏ phố về quê” để sinh sống và lập nghiệp, cuộc sống gần gũi với thiên nhiên. Đây như một trào lưu của giới trẻ nhưng lại nhận về hai luồng ý kiến trái chiều.

Tạo lập cuộc sống mới khác biệt

Với nhiều người, tuổi trẻ cần phải phấn đấu, cần phải lăn lộn ra xã hội để học hỏi. Bỏ phố về quê chẳng khác nào chọn sự nghỉ ngơi sớm. Tuy nhiên, có mấy ai hiểu được, sự lựa chọn này chưa chắc đã nghèo và chưa hẳn là lười không muốn phấn đấu.

Mỗi ai trong chúng ta cũng có cảm xúc của riêng mình, có người thích những nơi ồn ào phố thị lại có người ưa nét bình dị, chân quê. Quan trọng là bạn khám phá được hết sức mạnh của bản thân và vận dụng nó một cách tối đa.

Ảnh minh họa

Những người trẻ bỏ việc ở thành phố lớn, trở về quê nhà sống thanh đạm, tự cung tự cấp như thời xa xưa thường nhận về những câu nói như: “Cách đây 10 năm bố mẹ bán trâu cho mày lên phố học, giờ mày lại về quê bám đuôi trâu à?”, “Về quê có trụ nổi không, dễ sống không?”… hay thậm chí nhiều ông bà, cha mẹ còn sợ làng xóm cười chê vì con mình từ bỏ vị trí mà bao nhiêu người muốn có không được để về quê trồng cây, làm ruộng.

Họ lo vậy cũng đúng bởi đâu phải ai cũng có sẵn ruộng ao chờ về, bắt đầu cuộc sống mới ở quê cũng không phải dễ dàng và rồi còn bao nhiêu áp lực khác. Với những người yêu thích cuộc sống thiên nhiên, chọn làm bạn với thiên nhiên thay cho những nhộn nhịp xa hoa của phố thị thì bỏ phố về quê cũng không phải là điều không thể.

Bỏ ngoài tai những lời nói ra nới vào của họ hàng, làng xóm, chỉ cần chăm lo tốt cho công việc của mình thì nhiều gia đình trẻ còn dư giả với mức thu nhập gấp nhiều lần làm văn phòng trước kia.

Nhiều bạn trẻ là người thành phố nhưng yêu thích thiên nhiên, với lối sống xanh, các bạn sẵn sàng bỏ phố về quê với lý tưởng sẽ mang lại cho con người những sản phẩm chất lượng, đồng thời góp phần bảo vệ hệ sinh thái trái đất.

Không phải cứ học đại học, làm cao rồi bỏ về quê là phí. Những người có trình độ, khi làm nông nghiệp cơ hội phát triển lớn hơn rất nhiều. Nếu chỉ canh tác truyền thống, mùa nào thức nấy thì không có sự khác biệt, giá trị nông sản thấp.

Ngược lại, người biết cách nuôi trồng tự nhiên, không sử dụng thức ăn tăng trưởng, không dùng kháng sinh, không dùng phân bón hóa học, không phun thuốc cho cây trồng... thì giá trị mang lại cho những loại thực phẩm này là “sạch”. Lúc này, giá trị sẽ cao hơn, người làm nông có thể phân phối thực phẩm sạch ra các thành phố lớn và đạt mức thu nhập cao.

Để bảo đảm nuôi trồng tự nhiên, đòi hỏi rất nhiều kỹ thuật và công sức, đây là điều mà không phải ai bỏ phố về quê cũng có thể làm được.

Ảnh minh họa

Công việc bận rộn, quanh năm không có ngày nghỉ nhưng nhiều người trẻ vẫn hài lòng với cuộc sống thôn quê. Mỗi khi ra vườn thấy cây cối tốt tươi là đủ vui, thấy đàn lợn, gà đang lớn là đủ mừng bởi nghĩ lớn hơn thì họ đang bảo vệ hệ sinh thái trái đất, bảo vệ môi trường và mang những sản phẩm tốt nhất đến với người tiêu dùng.

Dù chưa thống kê đầy đủ, nhưng trên thực tế, đã có nhiều cơ sở, doanh nghiệp được thành lập và nhiều sản phẩm mới ra đời từ khu vực nông thôn. Chủ nhân của các dự án này hầu hết đều là người trẻ, có trình độ, được đào tạo trong nước hoặc từ nước ngoài về quê lập nghiệp. Những người trẻ có đam mê, có trình độ không chỉ vì thỏa mãn đam mê chính họ mà còn vì sự phát triển nền nông nghiệp thế mạnh của Việt Nam.

Bỏ phố về quê không dễ sống

Nhiều người sinh ra và lớn lên ở quê khẳng định: “Cuộc sống mưu sinh ở quê không đơn giản như các bạn nghĩ đâu”. Không phải cứ về quê nuôi cá, trồng rau là mơ ước, là cuộc sống an nhàn không bon chen. Người quê rất vất vả, cơ cực, không phải cứ trồng cây rau xuống đất là có rau ăn, bán kiếm tiền; không phải cứ mua gà về nuôi là gà tự lớn. Thực tế, có đủ thứ khác như dịch bệnh, mất mùa, mất giá bủa vây.

Ảnh minh họa

Nếu đã có một số tiền lớn và về quê làm nông chỉ để cho vui, không phải lo cơm, áo, gạo, tiền, cuộc sống tự cung tự cấp thì là an nhàn, hưởng thụ. Nhưng nếu về quê lập nghiệp, mưu sinh bằng nghề nông thì đó không phải cuộc sống màu hồng như nhiều người lầm tưởng.

Mùa nào trồng cây gì, kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, tối ưu hóa diên tích và năng suất nuôi trồng, tỷ lệ bón phân, tưới nước, dinh dưỡng cho vật nuôi, sâu bệnh, dịch hạch hay thậm trí làm hạn hán, mất mùa… Có cả trăm thứ việc phải lo nghĩ mỗi ngày, chân tay lấm lem bùn đất, quanh năm ít có ngày nghỉ ngơi. Đây là việc quan trọng mà mỗi người cần phải suy nghĩ kỹ trước khi lựa chọn lối sống ở quê.

Nguời ở miền quê, nông thôn, miền núi lên thành thị hay bất cứ đâu sẽ dễ sống, thích nghi hơn người vốn sinh ra, lớn lên ở thành phố bởi vì ở quê, từ nhỏ đã tiếp xúc nhiều với tất cả các tầng lớp, trải qua khó khăn gian khổ, họ sống vì mọi người, vì cộng đồng. Ngược lại, người thành phố đôi khi chỉ tiếp xúc với khung cảnh bình dị, xanh mát ở miền quê trên màn hình ti vi mà lại lầm tưởng thực tế cũng màu hồng như vậy.

Về đâu cũng được, miễn làm được điều mình thích

Những người ở quê lên thành phố lập nghiệp thường hiểu được những cái ưu và nhược của từng nơi. Vì vậy, nhiều cặp vợ chồng trẻ sống ở quê nhưng vẫn chọn làm những công việc văn phòng và mua thêm đất để nuôi trồng.

Nhiều người không ngần ngại chia sẻ về cách sống này lên mạng xã hội. Vợ chồng chị Hải Yến, 31 tuổi, đều làm công việc văn phòng ở Hải Dương. Anh chị đã quyết định dồn tiền để mua đất, một phần để trồng rau, một phần trồng cây ăn quả.

Sau giờ làm việc hoặc ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng anh chị quây quần hái rau, chăm vài con gà thế là vui và hạnh phúc. Nguồn: FBNV.

Nhiều người hưởng ứng cách sống bình dị của vợ chồng chị Hải Yến, có người nói: “Về đâu cũng được miễn là được làm điều mình thích và thích điều mình đang làm là được. Đôi khi chỉ cần một công việc để làm, một mái nhà che mưa nắng là đủ. Mỗi người một suy nghĩ khác nhau, một lý do khác nhau để về quê sống.

Có người vì đam mê, vì sở thích cá nhân, có người vì còn cha mẹ già ở quê cần chăm sóc, cũng có người muốn rời xa không khí ô nhiễm nơi phố thị… Dù là bất cứ lý do gì, miễn là họ biết được khả năng của mình để vận dụng nó làm điều có ích cho xã hội”.

Bỏ phố về quê không phải là sự lựa chọn ngắn hạn hay theo sở thích tạm thời. Đó phải là lòng can đảm của mỗi người, là ý chí lập thân, phải có nghề, có việc, có sinh kế bền vững ở quê.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏ phố về quê, đam mê là chưa đủ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO