Bỏ qua quyền lợi người tiêu dùng

Minh Phương 07/09/2016 09:49

Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu của Bộ Giao thông vận tải được nhiều DN ngành ô tô đánh giá không khác gì Thông tư 20.

Cụ thể, việc đặt ra các quy định như Giấy ủy quyền (trong Thông tư 20) hay Giấy chứng nhận chất lượng hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất (dự thảo Thông tư của Bộ GTVT) đã trao quyền quá lớn cho các tập đoàn đa quốc gia mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.

Bỏ qua quyền lợi người tiêu dùng

Doanh nghiệp ô tô sẽ tiếp tục gặp khó với quy định mới của Bộ Giao thông vận tải.

VCCI đề xuất: Nên bãi bỏ

Cụ thể, theo dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, do Bộ GTVT soạn thảo, yêu cầu DN, thương nhân nhập khẩu xe ô tô phải có Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp, hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng. Đây là điều mà nhiều DN kinh doanh, sản xuất trong ngành ô tô đều cho rằng, chẳng khác nào đánh đố DN.

Trước các quy định dường như chỉ làm khó thêm cho cộng đồng DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản kiến nghị bỏ quy định yêu cầu Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với mọi phương thức kiểm tra.

Trong văn bản góp ý vào Dự thảo về Thông tư Quy định việc kiểm tra về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu của Bộ Giao thông vận tải, VCCI nêu rõ: quy định này có tác động không khác gì so với quy định phải có Giấy ủy quyền chính hãng của nhà sản xuất tại Thông tư 20/2011/TT-BCT đang được dư luận phản ánh thời gian gần đây. Thay vì Giấy ủy quyền của nhà sản xuất cho từng doanh nghiệp nhập khẩu xe, nay giấy tờ mới này cũng sẽ do nhà sản xuất cấp cho từng chiếc xe.

Thông qua đó, các hãng sản xuất hoàn toàn có thể bắt ép doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam phải mua xe từ nhà sản xuất thay vì có thể mua thông qua nhà phân phối. Đây chính là hành vi hạn chế nhập khẩu song song đã bị cấm theo Điều 125.2.b của Luật Sở hữu trí tuệ.

VCCI khẳng định, hai loại giấy theo yêu cầu của Bộ GTVT đưa ra là hoàn toàn không cần thiết, chỉ gây thêm khó khăn, phức tạp về thủ tục hành chính mà lại không có tác dụng bảo đảm chất lượng xe theo quy định của pháp luật Việt Nam. Pháp luật Việt Nam không nên quy định việc bắt buộc phải được kiểm tra tại nhà máy ở nước ngoài và phải có Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng.

“Việc kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu tại Việt Nam đang được tiến hành rất chặt chẽ, bao gồm nhiều phương thức kiểm tra tương ứng với từng loại phương tiện. Nếu một phương tiện không có Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, nhưng vẫn vượt qua được vòng kiểm tra nghiêm ngặt của Cơ quan Đăng kiểm Việt Nam thì tức là vẫn đáp ứng các yêu cầu chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam. Không có lý do gì để không cho một phương tiện như vậy được tham gia lưu thông. ” – VCCI nhận định.

Trao quyền lớn cho tập đoàn đa quốc gia

Theo cơ quan này, việc đặt ra các quy định như Giấy ủy quyền (trong Thông tư 20) hay Giấy chứng nhận chất lượng hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất (dự thảo Thông tư của Bộ GTVT) đã trao quyền quá lớn cho các tập đoàn đa quốc gia mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam. Bởi vậy, VCCI đề nghị bỏ quy định trên tại Dự thảo Thông tư của Bộ Giao thông vận tải.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Ô tô vận tải Việt Nam cũng cho rằng, việc yêu cầu Giấy chứng nhận chất lượng hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất như Bộ GTVT đề ra là quá thừa, vì khi nhập xe về, các thương nhân Việt Nam đã phải trải qua khâu đăng kiểm hết sức khắt khe của Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho nên hoàn toàn yên tâm về chất lượng, “nếu không đạt thì đã không qua được “cửa” này” – ông Hùng cho biết.

Trước đó, Thông tư 20 của Bộ Công thương quy định về việc, DN nhập khẩu xe ô tô từ 9 chỗ phải có giấy ủy quyền của chính hãng đã nhận được những phản ứng gay gắt thể hiện sự bất đồng của cộng đồng DN.

Từ khi ra đời, Thông tư này đã khiến hoạt động của các ngành ô tô khó khăn hơn, thậm chí nhiều DN bị phá sản. Chỉ có một số DN lớn, tập đoàn lớn là sống tốt. Sau khi nhận được hàng loạt các ý kiến bất đồng của cộng đồng DN, các tổ chức, hiệp hội, ngày 18/8/2016 vừa qua, Bộ Công thương đã có văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ trong đó nêu quan điểm rằng, Bộ này đồng ý bãi bỏ Thông tư 20 nếu có văn bản khác của Bộ Giao thông vận tải ban hành chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, với Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu đang được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến có quy định thương nhân nhập khẩu xe ô tô phải có Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp, hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng, các DN cho rằng, sẽ chẳng khá hơn gì Thông tư 20 của Bộ Công thương. Và nếu Thông tư này được chính thức ban hành, thì mọi chuyện “tắc vẫn hoàn tắc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏ qua quyền lợi người tiêu dùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO