‘Bỏ quên’ hàng ngàn con hẻm ngập nước

Đoàn Xá 18/06/2020 10:00

Năm 2020, theo những thông tin từ Trung tâm chống ngập TP HCM thì thành phố chỉ còn 22 điểm ngập khi mưa lớn xảy ra. Đó là các khu vực như đường Song Hành (quận 12), vòng xoay An Lạc, đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Lê Văn Lương… Tuy nhiên, thống kê này chưa tính đến hàng ngàn các điểm ngập khác, là những tuyến hẻm nhỏ trên địa bàn.

Một tuyến hẻm ngập sâu ở đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp).
Một tuyến hẻm ngập sâu ở đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những dự án và phương thức chống ngập ở TP HCM được chia làm 2 loại. Một gồm các dự án lớn, được thành phố giao trực tiếp cho Trung tâm chống ngập TP HCM điều hành, xử lý từ khâu đề xuất tới thực hiện dự án giải quyết. Đây hầu hết là các dự án lớn, ảnh hưởng đến nhiều người dân.

Ngoài ra, các dự án chống ngập ở tuyến hẻm được giao cho quận, huyện phối hợp với người dân trong hẻm xử lý. Ở các dự án này, hầu hết các thống kê đều chưa đầy đủ và chính xác bởi tình trạng ngập nước tại các tuyến hẻm có đặc thù riêng. Đây là khu vực nhỏ, chỉ ảnh hưởng tới số ít người dân nhưng ở TP HCM lại có rất nhiều tuyến hẻm bị ngập. Thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 1.400 con hẻm thường xuyên ngập nước vào mùa mưa.

Cụ thể, một số tuyến hẻm được các địa phương thống kê thời gian qua có huyện Hóc Môn (95 tuyến hẻm bị ngập); quận Thủ Đức (368 tuyến); quận Phú Nhuận (44 tuyến)…

Tình trạng ngập nước tại các tuyến hẻm diễn biến phức tạp và khó lường. Nhiều nơi chỉ vì một công trình xây dựng cũng có thể khiến cả tuyến hẻm bị ngập sâu. Cũng nhiều tuyến hẻm, tình trạng ngập nước diễn ra nhiều năm nhưng không ai có cách gì thay đổi. Cư dân sinh sống trong hẻm không đủ kinh phí cũng như việc xin giấy phép sửa chữa đường, hẻm, cống… Thậm chí nhiều hẻm đời sống các hộ dân chênh lệch khiến không thống nhất mức đóng góp, kinh phí cũng như phương án để giải quyết.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực hạ tầng thì thực trạng ngập nước và những thiệt hại về ngập nước ở TP HCM nhiều hơn những thống kê của chính quyền. Ngập nước không chỉ ảnh hưởng giao thông đi lại, sinh hoạt mà còn gây hư hỏng đồ đạc, vật dụng, nhất là phương tiện như xe gắn máy, ô tô.

Nguyên nhân khiến TP HCM có hàng ngàn tuyến hẻm bị ngập cũng bởi công tác chống ngập chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Những dự án nâng đường khiến cho nhà dân thấp hơn nền đường đã khá phổ biến. Kéo theo đó, những tuyến đường hẻm ở khu vực này cũng thường xuyên bị ngập.

Một người dân ở đường Tô Hiệu (Quận Tân Phú) cho biết thời gian gần đây, hễ cứ mưa là hẻm số 10 trên tuyến đường này bị ngập sâu. Người dân nhiều lần sử dụng máy bơm để bơm hút nước nhưng không hết vì hẻm thấp hơn đường quá nhiều. Tình trạng này cũng diễn ra khá phổ biến ở nhiều tuyến hẻm khác.

Ngoài các dự án công cộng thì nhiều dự án tư nhân cũng có tác động lớn tới tình trạng ngập nước tại tuyến hẻm. Theo đó, nhiều công trình tự phát, công trình sai phạm, trái phép… được xây dựng không theo thiết kế chung, không có quy hoạch chung ảnh hưởng đáng kể tới tình trạng tiêu thoát nước tại các tuyến hẻm.

Tình trạng ngập nước tại các tuyến hẻm ở mức báo động. Đặc biệt, việc giải quyết tình trạng này rất nan giải khi hàng ngàn tuyến hẻm chưa được thống kê để đưa các dự án vào giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Bỏ quên’ hàng ngàn con hẻm ngập nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO