Bố trí trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

P.Vân 06/02/2021 12:21

Bộ Công an đã ban hành Thông tư 139/2020/TT-BCA quy định về công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân.

Ảnh minh họa.

Theo đó, đối với Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Bố trí trực chỉ huy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BCA quy định về công tác trực ban, trực chỉ huy trong Công an nhân dân.

Đối với Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ: Bố trí 1 đồng chí lãnh đạo Phòng trực chỉ huy. Đối với Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: Bố trí 1 đồng chí lãnh đạo Công an cấp huyện trực chỉ huy.

Đối với các Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp huyện: Bố trí 1 đồng chí Chỉ huy đội trực chỉ huy.

Trực tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn bảo đảm 24/24 giờ và được chia thành các ca trực. Mỗi ca trực phải bố trí tối thiểu 2 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có ít nhất 1 sĩ quan hoặc hạ sĩ quan có nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Trực chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Cán bộ, chiến sĩ được bố trí thành các tổ thường trực tương ứng với đội hình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ bản để vận hành, sử dụng các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đưa vào thường trực, cụ thể:

Đối với xe chữa cháy, xe cứu nạn, cứu hộ: Bố trí mỗi xe 1 tổ (gồm 01 Tổ trưởng, 4 chiến sĩ và 1 lái xe).

Đối với tàu chữa cháy, bố trí mỗi tàu 1 tổ (gồm 1 Tổ trưởng, 7 chiến sĩ và 01 lái tàu).

Đối với ca nô chữa cháy, ca nô cứu nạn, cứu hộ: Bố trí mỗi ca nô 1 tổ (gồm 1 Tổ trưởng, 5 chiến sĩ và 1 lái ca nô).

Đối với xuồng chữa cháy, xuồng cứu nạn, cứu hộ: Bố trí mỗi xuồng 1 tổ (gồm 1 Tổ trưởng, 3 chiến sĩ và 1 lái xuồng).

Đối với các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ giới khác, căn cứ tính năng tác dụng của phương tiện và thiết kế của nhà sản xuất: Bố trí mỗi phương tiện 1 tổ (gồm 1 Tổ trưởng, 1 chiến sĩ điều khiển phương tiện và số lượng chiến sĩ theo thiết kế của nhà sản xuất).

Chế độ thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Căn cứ tình hình thực tế về lực lượng, phương tiện, yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an các đơn vị, địa phương quyết định việc chia ca thường trực và chế độ nghỉ cho phù hợp.

Đối với cán bộ, chiến sĩ đã thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ từ 2 giờ trở lên vào ban đêm (từ 22h đêm đến 6h sáng ngày hôm sau) thì không phải tham gia huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong ngày hôm sau.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 8/2/2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bố trí trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO