Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Hải Dương phải chuẩn bị ngay công tác điều trị, Bộ Y tế đã chỉ đạo các bộ phận liên quan thiết lập 3 bệnh viện dã chiến tại Hải Dương.
Năng lực xét nghiệm trong một ngày ở Hải Dương có thể lên tới 5.000-7.000 mẫu
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương chiều muộn ngày 28/1 về công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ trưởng Tổ truy vết cho hay, việc truy vết ca bệnh tại Hải Dương có 3 điểm lưu ý.
Thứ nhất, trong các ca dương tính ở Hải Dương, rất nhiều người là công nhân nữ, trong độ tuổi có con còn bé, đang đi học. Khi phỏng vấn, họ đều khai có đưa con đi học. Do đó, tỉnh cần tính toán phòng từ xa, liên quan trường học của con các công nhân này.
Thứ 2, nhiều người đi khám bệnh từ ngày 18 đến 25/1 do có triệu chứng viêm phổi, viêm họng, đau họng và mua thuốc.
Thứ 3, nhiều người đi dự đám cưới. Do vậy, cơ quan chức năng cần truy vết và làm rõ thông tin và công khai để người dân biết.
Tại Quảng Ninh, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho hay, về ổ dịch cảng hàng không Vân Đồn, đến 16h chiều 28/1, tỉnh đã xác định 851 người tiếp xúc bệnh nhân Covid-19, bao gồm 466 là F1, 382 F2 và 2 F3. Trong đó, đã lấy mẫu 609 trường hợp.
Về năng lực xét nghiệm của Hải Dương và Quảng Ninh, thông tin tại cuộc họp cho thấy, Hải Dương hiện có 3 phòng xét nghiệm được làm xét nghiệm, có 1 phòng của CDC Hải Dương được phép khẳng định.
Còn ở Quảng Ninh, Sở Y tế tỉnh này cho hay, tỉnh có 1 phòng được phép xét nghiệm khẳng định là CDC Quảng Ninh và 4 bệnh viện được xét nghiệm sàng lọc, công suất 1.500 mẫu/ngày. Tỉnh đang chỉ đạo tiếp tục rà soát truy vết người thuộc diện từ F2, F3 và F4 để lấy mẫu và có biện pháp cách ly phù hợp.
Hiện, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) đã có sinh phẩm để hỗ trợ Hải Dương và Quảng Ninh để xét nghiệm.
Hải Dương hiện có 3 phòng xét nghiệm, trong đó có 1 phòng xét nghiệm khẳng định. Lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương thông tin, toàn bộ Trung tâm Y tế TP Chí Linh đã được phong toả, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên, người nhà, bệnh nhân, người phục vụ song hiện chưa có kết quả.
Ngành y tế tỉnh cũng đang chuyển 104 bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh đến TTYT huyện Nam Sách (101 bệnh nhân) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương (3 bệnh nhân nặng) để biến nơi đây thành bệnh viện dã chiến.
Tuy nhiên trung tâm này chỉ có 210 giường, Bộ Y tế cho rằng ngay giai đoạn đầu đã có 84 bệnh nhân nên cần phải chuẩn bị thêm cơ sở mới khi dịch lan rộng. Để tránh lặp lại vết xe đổ của Đà Nẵng, Bộ trưởng Y tế yêu cầu, phải có kết quả xét nghiệm toàn bộ bệnh nhân, người nhà tại Trung tâm Y tế Chí Linh trước khi chuyển đi. Nơi chuyển đến cũng phải có kết quả xét nghiệm âm tính toàn bộ, tránh lây dịch từ bệnh viện này sang bệnh viện khác.
Riêng 3 bệnh nhân nặng chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Hải Dương phải tiếp tục cách ly nghiêm ngặt. “Phải đặc biệt lưu ý 2 khoa xung yếu là hồi sức tích cực và thận nhân tạo. Nếu để lọt bệnh nhân Covid-19 vào đây thì tử vong sẽ rất nhiều”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Với sự chi viện của các đơn vị y tế thuộc Bộ Y tế và sự vào cuộc của hàng nghìn giảng viên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng Y - dược ở Hải Dương trong phòng chống dịch, hiện công suất lấy mẫu, xét nghiệm trong một ngày ở Hải Dương có thể lên tới 5.000-7.000 mẫu.
Thiết lập ngay 3 bệnh viện dã chiến tại Hải Dương
Về điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, có thể con số bệnh nhân Covid-19 không dừng ở con số 100-200 mà có thể lên cao hơn. Do đó, Hải Dương phải chuẩn bị ngay công tác điều trị.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các bộ phận liên quan thiết lập 3 bệnh viện dã chiến tại Hải Dương, để thực hiện điều trị tại chỗ các ca bệnh. Bộ trưởng chỉ đạo cấp dư trang thiết bị phòng dịch cho các bệnh viện này để thực hiện tốt công tác điều trị.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị liên quan cấp đủ, cấp dư trang thiết bị và phương tiện chống dịch cho BV để thiết lập BV Dã chiến. Bộ Y tế đã giao trực tiếp 1 đồng chí lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh chỉ đạo toàn bộ công tác điều trị tại Hải Dương.
Đồng thời, Bộ Y tế đã giao BV Bạch Mai thiết lập BV Dã chiến thứ 2 tại trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.
Cùng với đó, Bộ Y tế đã thống nhất với nhà tài trợ và Hải Dương để thành lập BV Dã chiến tại Sân vận động Hải Dương. Toàn bộ cơ sở vật chất của BV Dã chiến Đà Nẵng sẽ chuyển ra đây. Đây là BV Dã chiến thứ 3.
Bộ trưởng cũng thông tin, Bộ Y tế đã điều động 1 nhóm bác sĩ của Đà Nẵng đã có kinh nghiệm điều trị, truy vết ra hỗ trợ Hải Dương.
“Chúng tôi yêu cầu Hải Dương liên hệ ngay với các đơn vị liên quan để làm việc này khẩn trương ngay trong đêm nay. Chúng tôi cho rằng tình hình của Hải Dương còn nghiêm trọng hơn nhiều. Hải Dương cần lưu ý để thực hiện ngay những việc này. Bộ Y tế đang dồn tổng lực để hỗ trợ trước mắt là Hải Dương để làm sao sớm, thật nhanh, khoanh vùng, dập dịch tại đây”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng nhận định, dịch xảy ra nhanh, mức độ lây lan với tần suất vòng quay lớn hơn so với các đợt trước. Lần đầu tiên trong một ngày Việt Nam phát hiện thêm 82 ca mắc mới, trước đó tại ổ dịch Đà Nẵng cao điểm nhất một ngày phát hiện 45 ca. Bộ Y tế đã điều động các tổ giám sát, điều trị, xét nghiệm xuống địa phương nhanh hơn so với tình huống ở Đà Nẵng rất nhiều. Vì thế cơ bản trong những trường hợp F1 đã xác định một số bệnh nhân dương tính tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng thêm một trường hợp.
Bộ Y tế cũng đã huy động một lực lượng cực kỳ lớn để huy động cho Hải Dương, nhiều hơn cả chi viện cho Đà Nẵng. Thứ trưởng đề nghị các địa phương đã được phân hỗ trợ truy vết tiếp tục tăng cường lực lượng từ các đường đại học, cao đẳng tập trung lấy mẫu càng nhanh càng tốt.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đặc biệt lưu ý, tại Hải Dương có hơn 2.300 công nhân nhưng mới lấy mẫu được hơn 1.400.
Bộ Y tế huy động tổng lực trợ giúp Hải Dương
Trước đó, Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng "thần tốc chống dịch", Bộ Y tế đã huy động tổng lực trợ giúp Hải Dương, ngày 27/1, Bộ Y tế đã phát hành công điện số 88/CĐ-BYT về việc hỗ trợ ngành Y tế Hải Dương thực hiện điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm và điều trị Covid-19.
Theo đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Hà Nội, và Trường Đại học Y tế Công cộng hỗ trợ thực hiện xét nghiệm Covid-19; Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Trường Cao đẳng Dược Hải Dương hỗ trợ điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm gửi các đơn vị được giao thực hiện xét nghiệm Covid-19; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có trách nhiệm tổ chức thiết lập khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương.