Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Mọi việc thành công bởi chữ 'đồng'

Mai Loan 13/12/2021 13:50

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, cần xác định phục vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương là nhiệm vụ trung tâm của đối ngoại địa phương.

Ngày 13/12, Bộ Ngoại giao tổ chức hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 với chủ đề “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương” dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối với các điểm cầu ở trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Từ Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 19 năm 2018 đến nay, tình hình thế giới và khu vực đã biến chuyển rất phức tạp, sâu sắc.

Trong đó, đại dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế- xã hội của các quốc gia và giao lưu quốc tế.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách trong phòng chống dịch bệnh, duy trì phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định, triển khai nhất quán, mạnh mẽ và hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại thời gian qua đã đạt thành tựu quan trọng, khá toàn diện.

Nổi bật là, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, huy động các nguồn lực quan trọng của bên ngoài cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế- xã hội.

Đặc biệt, đã tranh thủ sự ủng hộ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vaccine, thiết bị y tế và thuốc điều trị Covid-19, trực tiếp phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện cho cả nước và các địa phương chuyển sang thích ứng an toàn với dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

“Trong thành tựu chung đó của đối ngoại, có đóng góp quan trọng của đối ngoại địa phương” - Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

Nhấn mạnh tình hình quốc tế và trong nước đang chuyển biến mau lẹ, phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề, yêu cầu về đối nội và đối ngoại, trong đó có công tác đối ngoại địa phương; dịch Covid-19 kéo dài, tiếp tục gây nhiều trở ngại, khó khăn cho công tác đối ngoại và phát triển kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị, cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại địa phương. Trong điều kiện hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tính toàn diện của nền ngoại giao Việt Nam trước hết thể hiện ở chủ thể thực hiện đối ngoại bao gồm cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhân dân.

“Đối ngoại địa phương là một lĩnh vực công tác quan trọng của chính quyền địa phương, là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị ở địa phương, đồng thời cũng là một bộ phận không tách rời trong công tác đối ngoại của đất nước. Cần làm rõ hơn vị trí, vai trò, nhiệm vụ của đối ngoại địa phương trong giai đoạn phát triển mới, nhất là “vị trí tiên phong” của đối ngoại địa phương trong tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của các địa phương trong hội nhập quốc tế” - ông Sơn lưu ý.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng lưu ý cần, xác định phục vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương là nhiệm vụ trung tâm của đối ngoại địa phương. Quán triệt chủ trương đúng đắn của Đảng về “phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm”, đối ngoại địa phương trên cơ sở tranh thủ tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, các mối quan hệ đối ngoại rộng mở, các cam kết, thỏa thuận quốc tế để góp phần mở rộng không gian phát triển cho các địa phương, thu hút đầu tư, công nghệ, tri thức, du lịch và các nguồn lực khác phục vụ phát triển nhanh, bền vững của địa phương.

Ông Sơn nhấn mạnh rằng: Như Bác Hồ từng cặn dặn “mọi việc thành công bởi chữ đồng”. Đối ngoại địa phương chỉ có thể phát huy tốt vai trò của mình khi có sự ủng hộ và đồng thuận của các cấp chính quyền, các ban, sở, ngành tại địa phương cũng như sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan trung ương.

Trong đó, điểm đồng ở đây là cùng hướng đến sự phát triển bền vững của địa phương, từ đó đóng góp tích cực vào thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Mọi việc thành công bởi chữ 'đồng'