Bộ trưởng Tư pháp Mỹ lên ‘ghế nóng’ tại Thượng viện

14/06/2017 08:15

Sau cựu Giám đốc FBI James Comey, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions là người tiếp theo phải lên “ghế nóng” giải trình trước Thượng viện về vai trò của ông trong việc sa thải ông Comey và các cuộc tiếp xúc của ông với quan chức Nga trong lúc ông Donald Trump đang thực hiện chiến dịch tranh cử.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions là quan chức chính phủ cấp cao nhất phải điều trần trước Thượng viện về cáo buộc liên hệ với Nga. (Nguồn: AP).

Phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện tổ chức hôm thứ Ba (giờ Mỹ) dự kiến sẽ làm rõ các bình luận mà ông Session từng đưa ra khiến ông bị loại khỏi cuộc điều tra liên quan tới Nga cách đây 3 tháng. Giới lập pháp Mỹ trong suốt khoảng thời gian qua đã yêu cầu câu trả lời từ ông Sessions, đặc biệt là về các cuộc gặp gỡ giữa ông và Đại sứ Nga tại Mỹ trong khoảng thời gian mùa hè và mùa thu năm ngoái.

Ông Sessions, một cố vấn chiến dịch thân cận của Tổng thống Trump và là vị Thượng nghị sỹ Mỹ đầu tiên ủng hộ ông Trump, đã buộc phải đứng bên ngoài quá trình điều tra về cáo buộc liên quan tới Nga vào hồi đầu tháng 3 vừa qua sau khi thừa nhận rằng ông đã từng 2 lần nói chuyện với Đại sứ Nga tại Mỹ trước kỳ bầu cử. Trong khi trước đó, trong một phiên điều trần hồi tháng 1 năm nay, ông Sessions nói rằng ông chưa từng gặp gỡ quan chức Nga.

Kể từ sau đó, giới lập pháp Mỹ lại nghi ngờ về khả năng có một cuộc gặp thứ ba giữa ông Sessions và Đại sứ Nga tại một khách sạn ở Washington, dù phía Bộ Tư pháp khẳng định rằng không có sự việc như vậy.

Từ cuối tuần trước, ông Sessions đã nói rằng ông sẽ xuất hiện trước Ủy ban Tình báo Thượng viện - hiện đang thực hiện một cuộc điều tra riêng của họ về mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch của ông Trump.

Cũng có nhiều tranh luận về việc liệu có nên công khai phiên điều trần này trước công chúng hay không và trong hôm đầu tuần này, phía Bộ Tư pháp cho hay bản thân ông Sessions đã yêu cầu công khai bởi ông “tin rằng điều quan trọng là phải để người dân Mỹ nghe được sự thật trực tiếp từ ông”. Ủy ban Tình báo sau đó đã ra quyết định tương tự.

Phiên điều trần này dự kiến sẽ xuất hiện nhiều câu hỏi khó đối với ông Sessions và có khả năng sẽ mang tới nhiều bất lợi đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Một trong số những câu hỏi được mong chờ nhất chính là về nội dung cuộc hội thoại giữa ông Sessions và Đại sứ Nga Sergey Kislyak và liệu có thêm các cuộc gặp nào giữa hai người sau đó hay không. Tiếp đến là câu hỏi về vai trò của ông Sessions trong quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey, và liệu các hành động của ông - như việc phỏng vấn các ứng viên cho chức Giám đốc FBI, hay thảo luận với Tổng thống Trump về Comey - có vi phạm cam kết của ông hay không.

Trước đó, trong một phiên điều trần khác trước Thượng viện, cựu Giám đốc FBI bị sa thải đã xuất hiện và trả lời một số câu hỏi liên quan tới ông Sessions.

Ông Comey nói rằng, hồi tháng 2 vừa qua, Tổng thống Trump đã yêu cầu ông Sessions cùng một số quan chức chính quyền khác rời khỏi phòng để rồi sau đó yêu cầu ông hủy một cuộc điều tra đối với cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn.

Thêm vào đó, ông Comey cũng nói rằng ông Sessions đã không có phản ứng gì khi ông phàn nàn rằng ông không muốn bị bỏ lại một mình đối diện với Tổng thống Trump như vậy một lần nữa. Trong khi phía Bộ Tư pháp đã bác bỏ điều này, thêm rằng lúc bấy giờ ông Sessions đã khuyên ông Comey nên theo tuân thủ các chính sách phù hợp.

Hiện nay, dù Bộ Tư pháp đã khẳng định rằng họ đã công khai toàn bộ các cuộc tiếp xúc nước ngoài mà ông Sessions đã thực hiện hồi năm ngoái, nhưng giới lập pháp vẫn muốn ông phải trả lời kỹ hơn về một cuộc sự kiện tổ chức tại khách sạn Mayflower, Washington hồi tháng 4-2016, nơi mà cả ông Sessions và Kislyak cùng tham dự và có bài phát biểu về chính sách ngoại giao của ông Trump.

Giới Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ quan ngại rằng, có khả năng ông Sessions và Kislyak đã gặp gỡ tại đó, dù giới chức Bộ Tư pháp khăng khăng rằng không hề tồn tại một cuôc gặp riêng tư hay cuộc gặp bên lề nào giữa hai người. Một số nhà lập pháp đảng Dân chủ thậm chí còn yêu cầu FBI điều tra để xem liệu ông Sessions có phạm tội khai man hay không bởi lần trước ông khẳng định chưa từng gặp gỡ quan chức Nga nào.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ - người ủng hộ Tổng thống Trump ngay từ những ngày đầu chiến dịch tranh cử - sẽ là quan chức chính phủ cao cấp nhất phải điều trần trước Thượng viện liên quan tới cáo buộc liên hệ của Nga đến cuộc bầu cử Mỹ. Đây cũng là động thái có ảnh hưởng tiêu cực tới chính quyền Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa.

Phiên điều trần của ông Sessions dự kiến sẽ được tổ chức vào lúc 14h30 chiều ngày 13/6 giờ địa phương (23h30 phút, giờ VN) và sẽ được truyền hình trực tiếp trước công chúng Mỹ.

Các nhà lập pháp hàng đầu của Ủy ban Ngân hàng và Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm 13-6 đã tuyên bố thỏa thuận về một gói trừng phạt mới đối với Nga trong bối cảnh các cuộc điều tra về khả năng can thiệp của Nga tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang được tiến hành. Thỏa thuận cũng áp dụng thêm trừng phạt đối với những nhân vật người Nga, những người bị cáo buộc liên quan tới vi phạm nhân quyền và cung cấp vũ khí cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ trưởng Tư pháp Mỹ lên ‘ghế nóng’ tại Thượng viện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO