Bồi dưỡng giáo viên: Linh hoạt với tập huấn trực tuyến

Thu Hương 06/08/2021 14:00

Năm học 2021-2022, cả nước tiếp tục triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 2 và lớp 6. Trong thời gian nghỉ hè và nghỉ vì dịch bệnh, công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên vẫn được tích cực triển khai qua hình thức online nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện chương trình mới.

Chủ yếu là tập huấn trực tuyến

Ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều hoạt động hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương đã và đang được thực hiện theo hình thức trực tuyến.

PGS.TS Trần Xuân Bách, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết: Tính đến thời điểm này, nhà trường đã hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao trong cam kết ở cả 3 mô đun bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán cho TP Đà Nẵng và 5 tỉnh Tây Nguyên.

Cụ thể, qua 3 đợt bồi dưỡng, có trên 90-98% giáo viên cốt cán hài lòng về 3 mô đun bồi dưỡng đã thực hiện trong năm 2020-2021. Giáo viên tham gia bồi dưỡng đã chủ động tham gia các hoạt động được tổ chức tại lớp học, đồng thời tích cực hơn trong việc chia sẻ và hỗ trợ đồng nghiệp sau khi về trường công tác, tạo ra cộng đồng học tập tích cực. Đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận mô hình bồi dưỡng mới ở nước ta khi ứng dụng công nghệ thông tin.

Thông qua hình thức này, giáo viên phổ thông được tiếp cận trực tiếp nội dung tài liệu bồi dưỡng từ các giảng viên sư phạm, không còn tình trạng F1, F2,… như trước đây. Qua đó, tạo sự gắn kết giữa các trường sư phạm với địa phương, mà cầu nối chính là giảng viên chủ chốt và giáo viên cốt cán.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoài - giáo viên Trường tiểu học Thị Trấn Thắng (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) cho biết trong thời gian qua, cô đã tự nghiên cứu học các mô đun của chương trình ETEP. Điểm khác biệt là khi học trực tuyến, cô được hoàn toàn chủ động thời gian, không gian, phương tiện học tập, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tự bồi dưỡng.

Đặc biệt việc cung cấp các học liệu dưới nhiều hình thức như: bản word, video hay câu hỏi trắc nghiệm, giúp người học tiếp cận kiến thức dễ dàng, hiệu quả mà không bị nhàm chán.

Bố trí giáo viên phù hợp

Trong Chương trình GDPT 2018, lớp 6 sẽ có một số môn học và hoạt động giáo dục lần đầu xuất hiện. Đó là hai môn tích hợp Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên, cùng Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Để tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục này hiệu quả, Bộ GDĐT đưa ra một số hướng dẫn cho các nhà trường triển khai thực hiện.

Cụ thể, các nhà trường căn cứ tình hình thực tế đội ngũ giáo viên, Hiệu trưởng sẽ phân công thầy cô dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.

Đối với nội dung giáo dục của địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hoá, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương. Căn cứ vào nội dung cụ thể của tài liệu giáo dục địa phương, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực thầy cô.

Giáo viên dạy học chủ đề nào sẽ thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường. Nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.

Như vậy, sẽ có những thầy cô vừa dạy song song chương trình hiện hành, vừa dạy Chương trình GDPT 2018 ở các khối lớp khác nhau. Thầy cô hoàn toàn có thể sử dụng các kinh nghiệm dạy học nhiều năm của mình để tìm kiếm tư liệu, đưa ra cách truyền tải phù hợp với học sinh trên nền của chương trình mới, nhất là các thầy cô ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có thể thay đổi linh hoạt ngữ liệu để phù hợp với học sinh dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bồi dưỡng giáo viên: Linh hoạt với tập huấn trực tuyến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO