Bồi dưỡng nhân cách

Hoàng Mai 17/03/2016 07:10

Trong cuộc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng diễn ra mới đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lưu ý lãnh đạo Hà Nội, tình hình tham nhũng trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực như: Quản lý đô thị, xây dựng, đất đai, thuế, tài chính, ngân hàng... Cần xác định rõ nguyên nhân của tình trạng trên là gì, do năng lực cán bộ, do trách nhiệm hay do tham nhũng.

Bồi dưỡng nhân cách

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Và, dù nói thế, Phó Thủ tướng cũng đưa ra quan điểm của mình: Thủ tục hành chính tuy có tiến bộ hơn nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề phải xử lý. Vẫn còn nhiều dư luận về tình trạng nhũng nhiễu; kỷ luật, kỷ cương hành chính còn nhiều yếu kém nên cần chấn chỉnh. Ông ví dụ câu chuyện về nhà số 8B Lê Trực. Thực ra, điều Phó Thủ tướng nói đã được người dân và cử tri nói nhiều.

Vấn đề quan trọng là nói nhiều, gần đến mức mà kỳ tiếp xúc cử tri nào cũng được nêu lên nhưng tốc độ chuyển biến, lần nào cũng chưa được như mong đợi mới là điều đáng suy ngẫm.

Còn nhớ, trong buổi tiếp xúc cử tri hôm 8/3 vừa qua, cử tri Lê Thanh Hiến (quận Ba Đình) bày tỏ với Tổng Bí thư và các ĐBQH đơn vị bầu cử số 1 một mong mỏi, chắc hẳn không của riêng ông: Đó là, cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 phải chọn người tài đức để phục vụ nhân dân. Bởi, cử tri này cho rằng, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp còn yếu kém, trong khi biên chế quá nhiều mà lại yếu đều khắp.

Cử tri này cũng đề nghị, khóa tới đây, các cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở Trung ương và địa phương cần phải “Chọn đúng người, thành công như Đại hội Đảng 12 thì dân mới tin. Phải bồi dưỡng nhân cách làm quan, và quy trình tuyển dụng sao cho hiệu quả, đào tạo cán bộ trước hết phải là phẩm chất đạo đức con người lo cho dân, vì dân”-ông Hiến nói.

Bồi dưỡng nhân cách làm quan- sáu chữ ấy của cử tri rất gợi mở và rất chính xác nhưng sẽ không dễ thực hiện nếu chúng ta không có biện pháp giáo dục cán bộ đúng cách và không có biện pháp giám sát đủ mạnh thì không hề dễ.

Rõ ràng, chọn đại biểu có đức, có tâm, có tầm là tiêu chuẩn đầu tiên và quan trọng; nhưng quan trọng nhất là phải “bồi dưỡng nhân cách làm quan” trong suốt quá trình cán bộ ngồi trên chiếc ghế quyền lực. Nếu một ông quan tốt, thấm nhuần một cách nhuần nhị việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì các công bộc cấp dưới cũng theo đó mà học. Chắc rằng chuyện quan liêu, cửa quyền, vòi vĩnh như Phó Thủ tướng nói sẽ hạn chế đến mức tối đa. Và, đồng chí cán bộ nào mà có tư tưởng ấy, sẽ rất dễ lộ diện trong một tập thể tốt.

Tham nhũng ngày nay nó muôn hình vạn trạng, thể hiện dưới nhiều góc độ. Quan liêu, cửa quyền, vòi vĩnh là gì nếu không phải là tham nhũng dù được gọi bằng cái tên mỹ miều là tham nhũng vặt. Nhận tiền lót tay, phí bôi trơn của một cá nhân xem ra chả đáng mấy đồng nhưng nhiều người trong một ngày giải quyết hàng trăm đơn từ, thủ tục hành chính mà nhân lên thì cũng là một con số khá đáng kể. Quan trọng hơn cả là nó làm mất uy tín của các cơ quan nhà nước, khiến dân không còn tin vào hệ thống chính quyền- đây mới là điều nguy hại nhất.

Cũng sáng 15/3, cùng thời gian với cuộc tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh, khi đến dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Trường Đảng Khu ủy Sài Gòn, Gia Định, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng chuyển đi một thông điệp rất đáng suy ngẫm: “Thành phố của chúng ta cũng không có chỗ cho cán bộ ỷ vào quyền lực để trục lợi cá nhân. Và rằng, chúng ta rất cần và sẵn sàng trải chiếu hoa đón những cán bộ có năng lực, coi trọng việc chăm lo cho sự ăn nên làm ra của các doanh nghiệp, cuộc sống yên bình của người dân, như chăm lo cho thịnh vượng và sự êm ấm của gia đình mình”.

Điều ấy đồng nghĩa với việc đô thị lớn nhất nước cũng tuyên chiến với nạn cửa quyền, quan liêu, vòi vĩnh- dù rằng không nói thẳng ra điều đó.

Hai câu chuyện ở hai đầu đất nước, nơi hai đô thị lớn nhất nước cho thấy một điều đáng mừng, đó là: Lại thêm một lần nữa, tệ quan liêu, nhũng nhiễu thậm chí là tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt lại được nói tới như thêm một lần quyết tâm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong cuộc làm việc hôm 15-3: “Với vị trí là Thủ đô, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, Hà Nội phải kiên quyết khắc phục những hạn chế, yếu kém, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố”.

Cũng có 8 yêu cầu được đặt ra với lãnh đạo Thủ đô, nổi bật là: Không tạo kẽ hở cho tham nhũng đủ đất sống; Phòng tham nhũng phải thực chất; Đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, đơn giản hóa thủ tục, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp… Quan trọng hơn cả là: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh tình trạng cửa quyền, hách dịch, trên bảo dưới không nghe. Không chấp nhận tình trạng nhận đơn thư của dân rồi thích thì xử lý, không thích thì thôi, thích thì làm sớm, không thích thì để đấy.

“Cán bộ nào không đáp ứng công việc, cửa quyền, quan liêu, vòi vĩnh… thì cần thay thế, nếu nghiêm trọng thì phải cho ra khỏi bộ máy, xử lý kỷ luật nghiêm” - Phó Thủ tướng nói với Hà Nội.

Rồi đây, Hà Nội mà không chỉ Hà Nội, kể cả các địa phương khác sẽ cần làm rất nghiêm túc công tác “thanh lọc” này. Nhưng sẽ chẳng dễ dàng gì; khi mà 9 tháng không phát hiện vụ tham nhũng nào; thế thì làm gì có cán bộ yếu kém, vòi vĩnh, cửa quyền; hoặc có thì rất ít thôi, còn cơ bản là tốt; trong khi dân vẫn kêu. Đây chính là điểm mấu chốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bồi dưỡng nhân cách

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO