Bộn bề sau lũ

Phương Nguyên 08/11/2020 07:38

“Bão chồng bão, lũ chồng lũ” khiến nhiều khu vực ở miền Trung lâm vào cảnh kiệt quệ, tang thương. Bão lũ tạm qua đi, nhưng nỗi đau còn ở lại. Trong lúc này, MTTQ các tỉnh miền Trung sát cánh cùng bà con, động viên nhân dân tạm gác nỗi đau mất mát để chung tay khắc phục khó khăn; vận động nhân dân phát huy tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều, đồng thời, chuẩn bị cho những kế hoạch lâu dài ứng phó với sự khắc nghiệt của thiên tai.

Hà Tĩnh khẩn trương dọn vệ sinh môi trường để ổn định cuộc sống.

Ngay sau khi ảnh hưởng của cơn bão số 9 qua đi, người dân trên khắp địa bàn Hà Tĩnh nhanh chóng bắt tay vào khắc phục hậu quả. Còn phải rất lâu nữa cuộc sống mới trở lại như xưa. Song việc trước mắt là dựng lại những mái nhà để người dân có chỗ ở, bảo đảm những hộ gia đình mất hết tài sản không bị đứt bữa, bảo đảm vệ sinh môi trường, không để phát sinh dịch bệnh.

Các huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc... người dân tất bật dọn dẹp vệ sinh môi trường để từng bước trở lại cuộc sống thường ngày. Hai đợt lũ liên tiếp khiến nhiều gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Vũ Quang bị chết. Nếu không vệ sinh, tẩy uế sẽ rất dễ phát sinh dịch bệnh. Một số xã vùng cao, dân trí còn thấp, cán bộ địa phương, cán bộ Mặt trận vừa tích cực vận động nhân dân, vừa trực tiếp cùng với bà con dọn dẹp. Đến ngày 4/11, toàn huyện gom được hơn 400 tấn rác thải các loại.

Bà Nguyễn Thị Ngân (xã Đức Giang, huyện Vũ Quang) cho biết: “Nước lũ dâng cao kéo theo rất nhiều loại rác thải, xác gia súc, gia cầm bốc mùi hôi thối. Chính quyền và nhân dân chúng tôi đã tập trung thu dọn vệ sinh và mua hóa chất về khử trùng môi trường sống, phòng các loại dịch bệnh bùng phát sau lũ”. Hiện tại, người dân đã yên tâm với việc ngăn chặn không để xảy ra dịch bệnh hậu mưa lũ.

Đến thời điểm này, Hà Tĩnh đã nhận được số tiền và hàng hoá trị giá hơn 138 tỉ đồng. Ngày 29/10, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quy định tạm thời một số nội dung về hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ. Tỉnh Hà Tĩnh quy định mức hỗ trợ tiền cho gia đình có người chết 15 triệu đồng/người; hỗ trợ người bị thương nặng 5 triệu đồng/người; hỗ trợ nhà ở sập hoàn toàn 50 triệu đồng/hộ; hỗ trợ nhà ở thiệt hại từ 80% trở lên 30 triệu đồng/hộ; hỗ trợ nhà ở thiệt hại từ 50% đến dưới 80% là 20 triệu đồng/hộ... Ngoài ra, còn hỗ trợ những hộ bị lũ cuốn trôi lương thực, có nguy cơ thiếu đói.

Gần sát với Hà Tĩnh là Quảng Bình. Tạm gác những đau thương, mất mát, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đang nỗ lực xây dựng lại cuộc sống.

Cũng giống như Hà Tĩnh, nhiệm vụ khắc phục sau bão lũ ở tỉnh Quảng Bình cũng hết sức nặng nề. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình Trần Quang Minh chia sẻ: “Công việc hiện rất bề bộn. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh đối với các hộ mất nhà, có người chết, Mặt trận các cấp tích cực vận động nhân dân chung tay giúp đỡ để các hộ gia đình gặp hoạn nạn khắc phục khó khăn, như vận động các doanh nghiệp, tập thể, cá nhân tặng sổ tiết kiệm, tặng vật liệu xây dựng.

Hiện giờ 100% các hộ gia đình có nhà sập đổ hoàn toàn đều đã được lên phương án xây dựng lại từ nguồn kinh phí của tỉnh và vận động nhân dân. Tính cả hai nguồn, mỗi ngôi nhà có tổng kinh phí khoảng 100 triệu. Đợt bão số 9 vừa qua có 76 nhà bị sập, hỏng nặng. MTTQ tỉnh cũng đang phối hợp MTTQ một số địa phương, doanh nghiệp xây dựng bàn biện pháp hỗ trợ người dân cho thoả đáng. Hiện trên địa bàn có một bản 34 hộ ở vị trí có nguy cơ sạt lở cao nếu tiếp tục xảy ra mưa lớn, tỉnh đã phối hợp Bộ đội Biên phòng bố trí chỗ ở tạm. MTTQ đến tận nơi để khảo sát tình hình, dự kiến sẽ đề xuất UBND tỉnh Quảng Bình trích quỹ cứu trợ làm nhà cho cả bản ở một khu vực cao hơn”.

Ngoài ra, cán bộ Mặt trận còn thực hiện tiếp nhận, hỗ trợ phân bổ hàng hoá, tiền mặt từ các địa phương gửi về sao cho bảo đảm công bằng, minh bạch nhất. Đến thời điểm này, tổng số tiền MTTQ tỉnh Quảng Bình tiếp nhận từ các tập thể, cá nhân, các tổ chức là hơn 68 tỷ đồng. Trong các đối tượng chịu thiệt hại nặng bởi bão lũ, tỉnh Quảng Bình chú trọng hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào các tộc ít người như: Rục, Sách, Mày...

Chưa năm nào, dải đất miền Trung chịu thiệt hại nặng nề như năm nay. Thiệt hại tại mỗi tỉnh lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh ấy, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái được phát huy cao độ. Ủy ban MTTQ Việt Nam là cầu nối những tấm lòng. Cán bộ Mặt trận trực tiếp vào “tâm bão” động viên, hỗ trợ nhân dân vượt khó.

Quảng Trị là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, chỉ trong tháng 10, tỉnh Quảng Trị đã phải gánh chịu 5 đợt mưa lũ liên tiếp cùng với bão số 9 hoành hành. Tổng thiệt hại toàn tỉnh Quảng Trị do bão lũ ước tính trên 2.000 tỷ đồng với hàng ngàn ha nông nghiệp bị mất trắng, 50 người chết, hàng trăm nhà sập đổ.

Ủy ban MTTQ tỉnh đã tiếp nhận được tổng số tiền 40 tỷ đồng cùng với nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu khác để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa bão, tái sản xuất, ổn định cuộc sống. Để đảm bảo tính công bằng, đúng đối tượng, Mặt trận các cấp đã phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, nắm rõ từng hộ dân, người dân cần được cứu trợ khẩn cấp.

Đặc biệt là ưu tiên hỗ trợ cho người dân ở những vùng bị chia cắt, bị thiệt hại nặng với quyết tâm không để người dân nào bị khát, đói hoặc rét. Công tác tổ chức, hướng dẫn, điều phối việc cứu trợ được MTTQ tỉnh Quảng Trị tổ chức tốt, hài hòa nhằm đảm bảo tiền, hàng cứu trợ trực tiếp đến tận tay người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, tái sản xuất, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Đến nay, MTTQ tỉnh Quảng Trị tiến hành sửa chữa 257 ngôi nhà của người dân bị hư hại theo tiêu chí nhà bị sập hoàn toàn ở miền núi được hỗ trợ 50 triệu đồng, ở đồng bằng 40 triệu đồng, những nhà bị hư hỏng tùy mức độ để tiến hành hỗ trợ nhưng tối đa 20 triệu đồng; hỗ trợ con giống và cải tạo đồng ruộng để người dân sớm tái sản xuất ổn định cuộc sống…

Tại Quảng Ngãi, bão số 9 đã làm 13 người bị thương, 325 ngôi nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 140.000 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Ngoài ra, có 450 trường học, cơ sở giáo dục, 70 cơ sở y tế, 105 nhà văn hóa thôn, xã bị tốc mái, hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi bị sạt lở...

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến thời điểm này, đã có hơn 60 đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân tham gia ủng hộ tỉnh khắc phục thiệt hại do bão số 9, với tổng số tiền trên 63 tỷ đồng. Trước mắt, tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ cho các hộ có nhà chính bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%) là 18 triệu đồng/nhà đối với hộ ở đồng bằng và 20 triệu đồng/nhà đối với hộ ở miền núi và hải đảo.

Nỗi đau vẫn còn ở lại khi người thân mãi mãi ra đi. Những căn nhà đổ nát. Những cánh đồng trơ trọi. Nhiều thành tựu của quá trình xây dựng Nông thôn mới bị kéo lùi. Nhưng miền Trung đang gượng dậy. Sau khi khắc phục hậu quả ban đầu, công việc tiếp theo là khôi phục sản xuất, nhất là mùa màng. Đồng bào rất cần sự hỗ trợ cây, con giống. Miền Trung đang gượng dậy, song để có thể đứng vững trong tương lai, cần lắm những tấm lòng nhân ái.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộn bề sau lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO