Bóng đá Việt: Hy vọng sau quyết định xóa 'tháp ngược'

Thanh Hà 04/05/2020 18:42

Bóng đá Việt Nam suốt nhiều năm qua đi ngược lại mô hình phát triển “kim tự tháp” của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) khi V-League (được xem là giải ở đỉnh tháp) lại có số lượng nhiều hơn các giải ở chân đế gồm hạng Nhất và hạng Nhì. Quyết định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) mới đây tăng số lượng đội dự giải hạng Nhất Quốc gia từ năm 2021 đã tiến tới xoá bỏ “hình tháp ngược” vẫn tồn tại suốt hơn 20 năm lên chuyên nghiệp.

Bóng đá Việt: Hy vọng sau quyết định xóa 'tháp ngược'

Mô hình tháp ngược

Năm 1998, Alfred Riedl lần đầu tiên dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, và chỉ sau một khoảng thời gian ngắn ngủi, ông đã đưa ra một nhận xét rất chính xác và được coi là bất hủ: “Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc”. HLV Riedl đã nhận ra rất nhanh rằng, những người làm bóng đá Việt Nam chỉ chăm chú vào đội tuyển quốc gia để chạy theo thành tích mà quên đi rằng bóng đá trẻ mới là cái gốc mà bất cứ nền bóng đá nào cũng phải đầu tư và phát triển. Câu nói đó còn đúng với cả mô hình tổ chức các giải bóng đá trong nước khi số lượng các đội bóng ở hạng cao nhất luôn nhiều hơn số đội bóng ở các hạng thấp hơn, tương tự như một ngôi nhà dựng ngược khi nền móng là các giải hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba thường có số đội tham dự ít hơn đội ở mái nhà là V-League. Theo ông Riedl, Việt Nam chỉ tập trung cho đội tuyển quốc gia mà không quan tâm đến phát triển đào tạo trẻ để làm nền tảng. Sức mạnh của đội tuyển đến từ chất lượng của giải đấu quốc nội mà V-League trong thời đại kim tiền lại chủ yếu tập trung mua ngôi sao và ngoại binh mà không phát triển các lứa cầu thủ trẻ kế cận. Thế nên, chúng ta mới đi ngược với thế giới trong suốt một thời kỳ dài.

Kể từ khi bước vào mô hình lên chuyên nghiệp, một thực tế luôn diễn ra ở giải đấu quốc nội là các đội bóng hạng Nhất luôn ít hơn V-League, theo diễn biến thời cuộc thì giải đấu hạng 2 này càng teo tóp, nhiều giai đoạn tổ chức cho có và khiến hệ thống thi đấu của bóng đá Việt Nam phát triển theo hình tháp ngược, khi hạng Nhì ít đội chơi còn hạng Ba thì kém cả các giải phong trào. Theo đó, năm 2000, bóng đá Việt Nam bắt đầu chập chững bước lên chuyên nghiệp. Ở V-League 2000/2001, chỉ có 10 CLB và đến mùa giải 2003, số lượng đội tăng lên 12. Năm 2006, số lượng đội bóng tăng lên 1 đội là 13. Đến năm 2007 thì số lượng đội tăng lên 14 và sau đó giảm xuống liên quan đến sự giải tán của CLB Hà Nội, Navibank Sài Gòn trước khi hồi phục để quay lại với con số 14 đội.

Nếu như V-League đã “quy hoạch” đủ 14 CLB từ mùa giải 2015 thì con số các đội tham dự giải hạng Nhất cứ trồi sụt xuống lên một cách thất thường. Cần nhớ rằng ở mùa 2012, hạng Nhất cũng có 14 đội nhưng chỉ 1 năm sau, số lượng đội giảm xuống chỉ còn 8 và duy trì suốt 3 mùa giải. Đến mùa 2016, số đội tham dự hạng Nhất nâng lên con số 10, nhưng đến mùa 2017, số lượng giảm xuống còn 7 đội, chỉ bằng một nửa so với V-League. Nguyên do các CLB thiếu kinh phí theo quy định ở giải hạng Nhất mỗi mùa phải có tối thiểu 21 tỉ đồng (V-League ít nhất có 35 tỉ đồng). Nó dẫn đến sự tham gia thất thường tại hạng Nhất. Đây là mô hình đi ngược lại với quy luật phát triển thông thường trên thế giới. Bởi lẽ, muốn có giải vô địch quốc gia mạnh, các giải hạng Nhất, hạng Nhì phải có số lượng đội bóng đông hơn gấp 2 lần, điều này tạo ra một cuộc chọn lọc chất lượng cho giải đấu cao nhất. Việc số lượng CLB không cân bằng giữa những hạng đấu đã làm mất đi tính cân xứng. Mô hình “tháp ngược” không vững chân đế sẽ chẳng có được nền tảng vững chắc cho sự phát triển của bóng đá nước nhà, mà một trong những yếu tố cơ bản nhất để định danh sự phát triển của nền bóng đá quốc gia hay ĐTQG có được bền vững hay không nằm vào quy mô, chất lượng của các giải đấu trong nước.

Xóa tháp ngược

Sau một thời gian dài làm bóng đá “một mình một kiểu”, VFF đã quyết định thay đổi hệ thống tổ chức thi đấu, trong đó có các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, thoát khỏi mô hình tháp ngược. Mới đây, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải đã ký quyết định về số lượng các đội tham dự các giải bóng đá quốc gia giai đoạn 2021-2023. Theo đó, 3 giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam là V-League, hạng Nhất và hạng Nhì đều có 14 đội. Nhìn từ thay đổi của VFF có thể thấy rằng chúng ta đang từng bước xóa bỏ quy trình “tháp ngược”, xóa bỏ nghịch lý “hạng dưới ít đội hơn hạng trên” đã tồn tại nhiều năm.

Thay đổi này được kỳ vọng sẽ tạo ra tính ổn định, sự phát triển tốt cũng như có hệ thống lớp lang để kế thừa. Cùng với đó, thay đổi này sẽ tạo ra nhiều cơ hội được thi đấu nhiều hơn cho các cầu thủ trẻ. Bóng đá Việt Nam không phải không có cầu thủ tiềm năng, thế nhưng việc không thường xuyên được thi đấu khiến cho các cầu thủ trẻ không phát huy được tài năng. Thực tế, nếu các giải hạng Nhất có gấp đôi số đội V-League, đó sẽ là sân chơi để các cầu thủ trẻ được thi đấu nhiều hơn. Việc nhiều cầu thủ trẻ phải dự bị ở đội 1, không có cơ hội ở các CLB tại V-League chính là một hạn chế.

Trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam 2020, tầm nhìn đến năm 2030, có đặt ra yêu cầu cải tiến các giải trẻ để mỗi cầu thủ thuộc lứa U.21 có thể đá được tối thiểu 20 trận/năm. Đây là thông số mà hiện nay, chỉ các cầu thủ trẻ được lên đội tuyển quốc gia, đá chính may ra đáp ứng được. Vì thế, khi các giải đều cùng con số 14 sẽ tạo ra sự cân bằng trong quá trình tổ chức thi đấu. Tính cạnh tranh, cống hiến và chất lượng nâng dần lên cũng từ cách làm mới này mà ra. VFF cho rằng đây là thời điểm phù hợp để đưa ra quyết định về mô hình, số lượng cũng như phương thức tổ chức các các giải đấu trong nước. Phù hợp, bởi ngoài V-League, các hạng đấu còn lại đều không dùng ngoại binh.

Thêm vào đó, khi công tác đào tạo trẻ ngày càng có nhiều lứa cầu thủ kế cận sẽ là nguồn nhân lực dồi dào ở mỗi địa phương. Bây giờ, các lò đào tạo cũng muốn trực tiếp tham gia vào cuộc chơi chứ không chỉ là đào tạo rồi chỉ bán cầu thủ như lâu nay. Rõ ràng, số lượng đội bóng tăng lên thì cơ hội để các lứa cầu thủ được tham gia và thi đấu sẽ rộng mở hơn. Một khi số lượng các đội tham dự những hạng đấu có tính cân bằng sẽ tạo thêm điều kiện để cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hơn, bởi lâu nay, nhìn vào sân chơi hạng Nhất hay thấp hơn, nhiều người nói vui đây là nơi mà các lão tướng vào chơi cho đỡ nhớ. Ra sân nhiều, chơi bóng nhiều, hẳn nhiên là cơ hội cho lớp cầu thủ trẻ hay những cầu thủ đang trên quá trình phát triển để bật vọt lên giải chuyên nghiệp. Như thế, tính cạnh tranh cao, khoảng cách dần rút lại. Dĩ nhiên, nếu mọi thứ tốt hơn như thế, sức hút sẽ được tạo ra và tạo tiền đề cho các nhà đầu tư vào bóng đá ngày càng nhiều hơn.

Còn nhiều thách thức

Hơn 20 năm đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá quốc nội vẫn loay hoay trong bài toán số đội tham dự và tính ổn định, cái gốc của nền bóng đá chưa được coi trọng. Hay nói cách khác, sự cân đối, hài hòa, bài bản chỉ ở mức tương đối. Cho nên, từ quyết định nâng cấp số lượng các đội bóng, hy vọng sẽ nâng tầm được chất lượng. Tuy nhiên, từ mô hình “tháp ngược” không giống ai chuyển mình sang số lượng cân bằng ở các hạng vẫn để lại nhiều băn khoăn khi số lượng CLB vẫn quá nhiều. Nhìn vào thực tế bóng đá Việt Nam những năm qua, dễ thấy sự chênh lệch rất lớn giữa các giải đấu, từ kinh phí ổn định duy trì đội bóng, mô hình tổ chức cho đến chất lượng về chuyên môn. Bên cạnh niềm hy vọng tính cạnh tranh của giải đấu tăng lên nhờ có nhiều đội, mặt trái của nó còn là những nguy cơ khó lường khi có một số CLB không muốn lên hạng vì chất lượng chưa cao và không đủ kinh phí. Thực trạng nhiều năm qua cho thấy, thách thức lớn nhất cho các nhà làm giải là tình trạng rất nhiều CLB gặp khó khăn, thường rơi vào hạng Nhất từng bỏ giải hoặc không có khao khát lên chơi V-League. Từng có Bình Định, Đồng Nai, Lâm Đồng, Kiên Giang… bỏ giải hoặc giải thể. Hay như có CLB muốn xuống hạng thì đá cho xuống thì thôi. Giải pháp duy nhất của VFF là… chấp nhận cho họ dừng cuộc chơi và phạt xuống hạng Ba theo đúng quy chế (và cũng đúng với mong muốn lẫn thực lực của các đội khi lên đá thì hoành tráng nhưng cần duy trì thì hết tiền). Đã từng có vài đội bóng có suất thăng hạng nhưng do chưa sẵn sàng về nhiều mặt đã chấp nhận chịu phạt khiến cho các giải đấu giảm đi ý nghĩa và tôn chỉ mục đích. Hoặc nếu họ chỉ tham dự miễn cưỡng vì chưa hội tụ đầy đủ điều kiện trong sự xuê xoa của các nhà làm giải, người trong cuộc sẽ không cảm thấy hạnh phúc.

Xây dựng mô hình phát triển ổn định, bền vững là chính xác nhưng thực tế còn vô vàn khó khăn khi nhìn vào 12 đội hạng Nhất hiện tại, người ta chỉ đếm được trên đầu ngón tay những đội có nội lực và khát vọng lên V-League, còn lại chỉ duy trì… cho vui hoặc đối diện nguy cơ mất tên bất cứ lúc nào. Cũng cần biết là VFF mới chỉ công nhận 12 đội hạng Nhất và 14 đội V-League là những CLB chuyên nghiệp với quy chế cấp phép lý thuyết thì chặt chẽ nhưng lại có rất nhiều “thông cảm”. Đã có những CLB lên đá chuyên nghiệp mà nợ chồng chất và thiếu lương cầu thủ, hay ăn đong từng bữa, gom góp cầu thủ từ khắp nơi. Gần nhất là sự chặt chẽ trong quy chế và điều kiện chuẩn chuyên nghiệp nhưng sự “thông cảm” vẫn rất lớn khi xem mặt sân của không ít CLB ở V-League vẫn còn thua cả sân phong trào. Lâu nay, giải hạng Nhất vốn được coi là cảnh “chợ chiều” huống hồ gì các hạng đấu thấp hơn không tránh khỏi hắt hiu, đá theo kiểu phong trào cho vui. Kinh phí hoạt động, mô hình quản lý, sự đầu tư cho các giải đấu thấp hơn V-League không thể kéo lên được nếu chẳng có sự chuyển biến, cạnh tranh hay đột phá.

Vẫn cần thời gian chứng minh hiệu quả nhưng việc xóa bỏ nghịch lý “hạng dưới ít đội hơn hạng trên” cũng cần được nhìn nhận như bước chuyển mình đáng kể. Tính phát triển mang tính bền vững theo đúng hình tháp như các quốc gia phát triển khác sẽ cần có thêm nhiều giai đoạn cùng thời gian để có thể đáp ứng được yêu cầu và mong đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bóng đá Việt: Hy vọng sau quyết định xóa 'tháp ngược'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO