Án phạt sau sự cố sân Hàng Đẫy: 'Bóng chuyền' quanh quả pháo sáng

An Chi 15/09/2019 07:00

Sự cố pháo sáng suýt nguy hiểm tới tính mạng một CĐV và hai chiến sĩ CSCĐ trong trận đấu giữa Hà Nội và Nam Định tối 11/9, cuối cùng đã khép lại bằng những án phạt. Tuy nhiên, những án phạt của Ban kỷ luật VFF đưa ra dường như chưa làm nhiều người cảm thấy hài lòng, bởi mức độ xử phạt chỉ ở mức… vừa phải. Đáng nói hơn, người ta không thấy những nhà quản lý, tổ chức giải nhận trách nhiệm, khi tất cả đã được đẩy cho BTC sân và đội bóng.

Án phạt sau sự cố sân Hàng Đẫy: 'Bóng chuyền' quanh quả pháo sáng

Sự cố pháo sáng trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội) tối 11/9.

BTC giải “né” trách nhiệm

Sự cố pháo sáng trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội) tối 11/9 thực sự là một vết nhơ của bóng đá Việt Nam. Một CĐV nữ, hai chiến sĩ CSCĐ đã phải cấp cứu, suýt nguy hiểm đến tính mạng.

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, ngay sau trận đấu, Bộ VH, TT&DL đã có công văn gửi VFF, VPF về việc làm rõ, xử lý sự cố pháo sáng xảy ra trên sân Hàng Đẫy, trong trận đá bù vòng 22 V-League giữa Hà Nội và Nam Định.

Bộ VH, TT&DL yêu cầu VFF, VPF phải tổng hợp báo cáo toàn bộ diễn biến sự việc, các biện pháp đã xử lý, việc chăm sóc, điều trị cho người bị thương. Xử lý nghiêm khắc BTC sân Hàng Đẫy. Có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân để xảy ra hiện tượng đốt pháo sáng trên.

Bộ cũng yêu cầu các sân trong thời gian tới lắp camera an ninh trên khán đài; kiểm tra rà soát các phương án bảo đảm an ninh, trật tự. Đối với các sân không chấp hành nghiêm các quy định về an ninh, trật tự kiên quyết không cho tổ chức thi đấu.

Cuối cùng, Bộ VH, TT&DL yêu cầu công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam phân tích nguyên nhân, bài học trong việc phối hợp chuẩn bị, ứng phó và xử lý sự cố trong quá trình tổ chức; kiên quyết triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong thời gian tới.

Trong khi đó, Thường trực VFF đã chỉ đạo các bộ phận liên quan phối hợp và đề nghị cơ quan công an xác minh, điều tra các đối tượng gây rối để xử lý theo quy định của pháp luật, tăng cường các phương án bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các trận đấu còn lại. Thậm chí VFF còn đề nghị cả cơ quan công an vào cuộc, bởi sự cố pháo sáng trên sân Hàng Đẫy đã vượt qua khuôn khổ một trận đấu bóng đá.

Ít giờ sau khi sự cố trên sân Hàng Đẫy nổ ra, một công văn hoả tốc của VPF đã được rò rỉ trên mạng xã hội. Và nội dung của công văn này, là cảnh báo đồng thời yêu cầu CLB Hà Nội chấn chỉnh bán vé khi mọi thứ đang không đúng với buổi họp trước trận đấu ít ngày.

Và một ngày sau khi sự cố đáng quên đến từ sân Hàng Đẫy, lần lượt chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú, trưởng ban điều hành V-League Nguyễn Trọng Hoài đã đăng đàn phát biểu và gần như đá hẳn trái bóng cho phía BTC sân, lẫn VFF khi khẳng định chung chung: “Rõ ràng, Ban tổ chức trận đấu không hoàn thành nhiệm vụ”.

Lời khẳng định này, cùng với muôn vàn “đường chuyền” khác đầy né tránh trách nhiệm khiến nhiều người nghĩ VPF là công ty làm công việc nào đó liên quan rất ít đến bóng đá, chứ không phải điều hành cả giải đấu V-League suốt nhiều năm qua.

Án phạt kiểu giơ cao đánh khẽ

Chiều 12/9, Ban kỷ luật VFF đã nhóm họp để xử lý vụ việc xảy ra trên sân Hàng Đẫy. Tuy nhiên, do đây là vụ việc nghiêm trọng có liên quan đến yếu tố ngoài bóng đá, nên Ban kỷ luật quyết định họp thêm một lần nữa trong sáng 13-9.

Cuối cùng thì án phạt cũng được đưa ra. Theo đó, với việc để CĐV ném pháo sáng, chửi bới, đặc biệt là bắn pháo sang khiến CĐV bị thương và đánh chiến sĩ cảnh sát cơ động phải nhập viện, BTC sân Hàng Đẫy bị phạt 85 triệu đồng và cấm sân trong 2 trận sân nhà tiếp theo.

Như vậy, Hà Nội sẽ không có khán giả trong hai trận chơi trên sân nhà còn lại của mùa giải, và nếu vô địch họ sẽ không có ai chứng kiến ngày nâng cúp. Trong khi đó, CLB Nam Định bị phạt 85 triệu đồng. CĐV Nam Định bị cấm sân khách 2 trận còn lại của mùa giải vì các hành vi quá khích như trên.

Nói là treo sân Hàng Đẫy và cấm CĐV Nam Định cổ vũ sân khách hết mùa giải, nhưng thực tế giải đấu cũng chỉ còn có…4 trận nữa là kết thúc, và mỗi đội cũng chỉ bị cấm có 2 trận trong số này.

Đó là chưa kể làm thế nào để xác định CĐV Nam Định có vào sân hay không vẫn là câu chuyện mà bóng đá Việt Nam khó có thể giải quyết. Từ trước tới nay, chưa có một án phạt cấm CĐV đội bóng nào đó đưa ra hiệu quả, bởi chỉ không mặc áo đội bóng hay… cởi trần, coi như vô tư vào sân.

Nhiều người chờ đợi một án phạt thực sự nặng để mang tính răn đe, nhưng đã không xảy ra. Đó là chưa kể đến chuyện án phạt được đưa ra hôm trước, hôm sau đã được giảm án, như vụ sân Hàng Đẫy để CĐV Hải Phòng đối pháo như một biển lửa cách đây không lâu.

Từ chuyện các quan chức bóng đá “né” trách nhiệm, tới việc án phạt kiểu cho có, thật khó có thể nói pháo sáng sẽ không sớm trở lại và gây ra tai họa với người xem như đã thấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Án phạt sau sự cố sân Hàng Đẫy: 'Bóng chuyền' quanh quả pháo sáng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO