V-League 2020: Chờ sự thống nhất và đồng thuận

Hoàng Nam 30/03/2020 07:30

Nhiều CLB, trong đó đa phần là các CLB phía Bắc bước đầu đã bắn đi những tín hiệu ủng hộ kế hoạch V-League đá tập trụng tại 1 khu vực của VPF. Tuy nhiên, tất cả phải chờ để đi tới sự thống nhất cuối cùng. Cùng với đó, vấn đề giảm lương cầu thủ cũng là điều nhiều CLB sẽ tính tới nếu giải đấu tiếp tục nghỉ trong một thời gian dài.

V-League 2020: Chờ sự thống nhất và đồng thuận

V-League 2020 vẫn đang chờ ngày để trở lại.

Đến lúc này, đã có 6 CLB đồng ý với VPF về kế hoạch V-League 2020 đá tập trung ở miền Bắc, nhưng trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. 13/14 đội đã bước đầu bày tỏ quan điểm trong khi HAGL chưa có ý kiến chính thức cuối cùng. 6 đội có ý kiến ủng hộ kèm điều kiện thi đấu trong tình trạng an toàn gồm SLNA, Than QN, Hà Nội FC, HL Hà Tĩnh, Viettel và Thanh Hóa. Các đội còn lại không phản đối nhưng cũng chưa có ý kiến đồng ý thi đấu từ ngày 15/4 trên các SVĐ phía Bắc. 3 đội không ủng hộ kế hoạch của VPF trong cuộc bỏ phiếu trực tuyến mới đây là DNH.NĐ, B.BD và Quảng Nam.

Theo kế hoạch của VPF, ưu điểm là sẽ đáp ứng tiêu chí sân nhà - sân đối phương, có quãng nghỉ phù hợp, đảm bảo thể lực cho cầu thủ, không trễ ngày kết thúc. ĐT Việt Nam chủ động được kế hoạch Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 và AFF Cup 2020. Tuy nhiên, hạn chế của kế hoạch trên là mật độ thi đấu dày, ảnh hưởng mặt sân, việc thi đấu không có khán giả có thể khiến cầu thủ thiếu hưng phấn.

Một vấn đề nữa cũng rất nan giải, đó là việc trả lương cho các cầu thủ sẽ được tính toàn như thế nào? Hiện nhiều đội bóng trên thế giới đã phải giảm lương cho cầu thủ và nhiều cầu thủ nổi tiếng cũng đã lên tiếng tự nguyện giảm lương. Tại Việt Nam, trước khi mùa giải bắt đầu, tất cả các CLB V.League đều đã lên kế hoạch chi tiết về tài chính cho mùa giải 2020. Tuy nhiên, việc mùa giải kéo dài ra và điều đó đang gây ra những khó khăn cho các đội bóng trong việc lo trang trải những chi phí phát sinh trong thời gian tới.

Chi phí tối thiểu cho một đội bóng chuyên nghiệp hằng năm rơi vào khoảng 30-45 tỷ đồng. Với một số đội bóng tham vọng, con số này thậm chí còn gấp đôi. Số tiền này để trang trải cho mọi hoạt động để duy trì đội bóng. Tức là ngay cả khi thi đấu hay không thi đấu, các CLB vẫn bắt buộc phải chi ra những khoản như thế. Vì thế, giải đấu kéo dài thêm 1 tháng hay nhiều tháng thì đều khiến các đội bóng chịu gánh nặng. Khi đó, tiền ăn ở, sinh hoạt, quỹ lương cho các cầu thủ, BHL và chi phí quản lý cho đội ngũ nhân viên sẽ bị đội lên...

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các cầu thủ vẫn nhận lương theo đúng thỏa thuận với CLB chủ quản.Ông Vũ Tiến Thành, Chủ tịch kiêm HLV trưởng Sài Gòn FC cho biết: “Cơ bản thì đội đã chuẩn bị khả năng tài chính trọn vẹn cả mùa giải trong mức ổn rồi, nên chúng tôi chưa tính tới việc giảm lương của các cầu thủ”. Cùng đồng tình với ý kiến, Chủ tịch SHB Đà Nẵng - Bùi Xuân Hòa cho rằng “Thời điểm này chưa nói đến chuyện lương cầu thủ được, phải phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, khi nào giải đấu trở lại. Mấu chốt là để cầu thủ yên tâm tập luyện”.

Tuy nhiên, trong trường hợp nếu V-League nghỉ tiếp tục trong một thời gian dài, các đội bóng cũng mong các cầu thủ có sự chia sẻ khó khăn và cũng phải tính đến phương án cắt giảm lương của họ. Với nhiều CLB, họ sẽ chờ thêm và trong trường hợp V-League nghỉ tới 5-6 tháng thì việc cắt giảm lương cũng cần được tính đến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    V-League 2020: Chờ sự thống nhất và đồng thuận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO