Vé trận ĐTQG Việt Nam - Malaysia: Bán kiểu gì cũng… khó mua

An Chi 06/10/2019 08:25

Lần đầu tiên VFF áp dụng phương thức bán vé hoàn toàn mới qua kênh online. Không thể phủ nhận cách làm này giúp cho nhà tổ chức bớt đau đầu, còn người mua không phải chen lấn, xô đẩy xếp hàng mua vé, nhưng vẫn có những bất cập nhất định…

Vé trận ĐTQG Việt Nam - Malaysia: Bán kiểu gì cũng… khó mua

Người hâm mộ khó mua vé mà chợ đen thì đầy.

“Cháy vé” sau… vài giây

Gần 30.000 vé online trận ĐTQG Việt Nam gặp Malaysia trong khuôn khổ lượt trận thứ 2 bảng G, vòng loại World Cup 2022, đã được VFF thông báo bán hết chỉ sau 1 ngày mở bán. Điều đáng nói là trong 4 phiên mở bán vào ngày 19/9, vé luôn trong tình trạng hết chỉ sau vài phút, thậm chí là... vài giây.

Đây là lần đầu tiên VFF mở bán vé qua kênh online, và đã kết hợp với đối tác mở ứng dụng VinID trong công tác bán vé, mang tới dịch vụ hiện đại trọn gói “3 trong 1”, gồm: Mua vé, thanh toán và sử dụng mã code để “check in” chỉ trên một ứng dụng duy nhất.

Có 4 loại mệnh giá vé trong mỗi trận đấu để người hâm mộ lựa chọn: 200.000 đồng, 300.000 đồng, 400.000 đồng và 500.000 đồng. BTC bán ra khoảng 27.000 vé đều qua kênh online. Theo dự tính ban đầu của BTC, các đợt mở bán dự kiến kéo dài trong 1 tuần. Sau khi mua vé thành công, người hâm mộ được nhận vé thông qua dịch vụ giao nhận của Bưu điện Việt Nam (VNPost) từ ngày 27/9 đến hết ngày 7/10.

Ở lần đầu tiên bán vé qua ứng dụng VinID, có thể thấy rõ sự hồi hộp, hào hứng của những người mua. Việc tải ứng dụng và nạp tiền vào “ví” rất đơn giản, bất cứ ai dùng điện thoại đều có thể làm được. Theo ghi nhận của phóng viên, việc truy cập trên ứng dụng VinID khá nhanh chóng. Người dùng thao tác thuận tiện trong việc đặt mua vé xem trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia. Mỗi một đơn hàng có 12 phút để chờ thanh toán.

Nhưng việc bán vé theo kiểu mới này lại diễn ra quá nhanh, khiến nhiều người đặt dấu hỏi về sự minh bạch. Thực tế, với sức hút lớn của trận đấu, việc có nhiều người truy cập vào ứng dụng cùng một thời điểm là điều đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, hầu hết người mua đều gặp tình trạng “Số lượng vé không đủ, vui lòng chọn lại” hoặc “Mất kết nối mạng, vui lòng kiểm tra và thử lại”.

Dự kiến bán trong 1 tuần nhưng chỉ trong 1 ngày với 4 phiên mở bán, BTC đã thông báo “hết vé”. Điều đáng nói, người mua đã không tin vào mắt mình bởi chỉ sau… vài giây đã được thông báo là hết vé. Đây chính là điểm bất cập nhất ở hình thức bán vé mới, bởi số lượng bán ra rất lớn nhưng lại hết chỉ trong một… nháy mắt là rất khó hiểu.

Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết tổng số vé bán ra chiếm 2/3 sức chứa sân Mỹ Đình, tức khoảng 27.000 vé trên tổng số 40.000 chỗ ngồi, số còn lại là vé mời và dành cho đối tác của VFF.

Như vậy, toàn bộ vé theo kênh online đã được bán hết. Người hâm mộ muốn vào sân trong trận đấu sắp tới sẽ phải chấp nhận bỏ số tiền lớn hơn rất nhiều để mua từ chợ đen.

Vé trận ĐTQG Việt Nam - Malaysia: Bán kiểu gì cũng… khó mua - 1

Cơn sốt vé chợ đen

Ngay sau khi BTC bán vé qua kênh online và thông báo đã hết vé, trên các diễn đàn cộng đồng mạng đã xuất hiện những thông tin rao bán vé trận Việt Nam - Malaysia với tần suất dày đặc. Đáng chú ý, vé mệnh giá 300.000 đồng/ vé (600.000/ cặp) được rao bán 2,5 triệu đồng/ cặp. Còn vé loại 200.000 đồng/ vé (400.000/ cặp) được rao bán tới 1 triệu đồng/cặp. Riêng vé VIP với tầm quan sát đẹp đã được ra bán tới 4 triệu đồng cho 1 cặp. Thậm chí, sau khi vé được trả tận tay cho người hâm mộ, cơn sốt vé trên các diễn đàn được đẩy lên đỉnh điểm. Một cặp vé 500.000 đồng đã được đẩy giá lên tới 10 triệu đồng/ cặp, tức gấp 10 lần so với giá gốc. Chưa dừng lại ở đó, một tài khoản rao bán vé loại 500.000 đồng đã cao gấp… 15 lần giá vé gốc, kèm theo lời quảng cáo “không mua nhanh sẽ hết”.

Trên mạng đã vậy, còn dân phe vé đang ngày đêm “bao vây” trụ sở VFF cũng thi nhau “hét giá” và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Theo dân phe vé, từ giờ tới trận đấu ngày 10/10, giá vé sẽ tăng hơn nhiều do sức hút của trận đấu và nguồn vé cạn kiệt dần. Vì thế, số lượng người rao bán hiện tại nhỏ hơn nhiều so với con số sẽ tung vé lên mạng trong những ngày tới. Đặc biệt, không chỉ bán vé giá cao, dân phe vé còn gom tiền sẵn sàng mua vé lại của người hâm mộ, “ôm” với số lượng lớn.

Anh Nguyễn Công (ở Hai Bà Trưng, Hà Nội), một người đi mua vé chợ đen cho biết: “Tôi không mua được vé trên mạng sau 3 lần mở bán. Tôi rất đam mê và muốn được vào sân cổ vũ cho đội tuyển, nhưng với giá vé chợ đen cao thế này thì có lẽ phải xác định ở nhà xem qua ti vi. Tôi sẽ chờ tới ngày cuối hy vọng vé chợ đen sẽ giảm. Hy vọng là thế”.

Thực tế cơn sốt vé trong mỗi trận đấu có ĐTQG Việt Nam thi đấu sân nhà luôn xảy ra. Tuy nhiên, việc giá vé trận gặp Malaysia ngày 10/10 tới đang được đẩy lên đỉnh điểm được cho là “ảo”. Lý do bởi trận đấu này chưa quyết định đến thành tích của ĐTQG Việt Nam ở bảng G, hơn nữa gặp Malaysia cũng khó nóng như gặp Thái Lan.

Tuy nhiên dù thế nào thì người hâm mộ muốn vào sân buộc phải mua qua kênh chợ đen. Nhiều người cũng xác định ở nhà xem qua tivi bởi không chấp nhận bỏ ra số tiền quá lớn cho một cặp vé. Song cũng có người vì quan hệ với đối tác, buộc phải móc hầu bao mua vé với những cái giá rất “chat”.

Câu chuyện vé ở Việt Nam dù đã có những thay đổi về hình thức bán, không phải chen lấn, xô đẩy xếp hàng, tuy nhiên, việc nhu cầu mua quá lớn, trong khi số vé lại có hạn và cách bán cũng chưa bao giờ cho thấy sự minh bạch, nên chưa bao giờ làm người mua hài lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vé trận ĐTQG Việt Nam - Malaysia: Bán kiểu gì cũng… khó mua

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO