Brazil một tuần sau bạo loạn

Thanh Đức 16/01/2023 07:00

Ngày 15/1 đánh dấu 1 tuần cuộc bạo loạn của những người ủng hộ cựu Tổng thống Brazil Bolsonaro. Hàng nghìn người đã xông vào tòa nhà Quốc hội, Tòa án Tối cao và Dinh Tổng thống đương nhiệm, ông Lula da Silva. Cùng với việc trấn áp bạo loạn, các lực lượng an ninh Brazil đã tiến hành một chiến dịch truy quét quy mô chưa từng thấy ở đất nước lớn nhất Nam Mỹ.

Cảnh sát và người biểu tình đụng độ bên ngoài Dinh Tổng thống Brazil, ngày 8/1. Nguồn: Reuter.

Cựu Tổng thống Jair Bolsonaro bị cáo buộc là người “châm ngòi” cho cuộc bạo loạn. Không công nhận kết quả bầu cử, ông Bolsonaro từng phát biểu ngay trước lễ nhậm chức của ông Lula rằng “sự im lặng của người dân đã hết”. Ngay sau đó, ông Bolsonaro rời Brazil sang Mỹ, không dự lễ tuyên thệ của tân Tổng thống Lula.

“Sự đổ vỡ của đất nước” như cách nói của ông Bolsonaro đã diễn ra vào ngày 8/1, với việc hàng nghìn người xông vào đập phá tòa nhà Quốc hội, Tòa án tối cao và Dinh Tổng thống. Hỗn loạn diễn ra tại thủ đô Brasilia nhiều giờ, chỉ tạm chứt dứt khi lực lượng an ninh giành lại quyền kiểm soát tòa nhà Quốc hội, đưa những người biểu tình khỏi Dinh Tổng thống và Tòa án tối cao. Trong khi đó, cảnh sát chống bạo động dùng vòi rồng và bom hơi cay vào người biểu tình.

Tổng thống Luala đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô, từ ngày 8/1 đến ngày 31/1/2023, đồng thời tuyên bố tất cả những đối tượng dính líu đến hành động xâm nhập vào Dinh Tổng thống và các toà nhà chính phủ ở thủ đô Brasilia sẽ bị điều tra và trừng phạt.

Tuy nhiên, tình hình Brazil trong một tuần sau cuộc bạo loạn vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là Tòa án tối cao Brazil ngày 15/1 đã mở cuộc điều tra vai trò của cựu Tổng thống Bolsonaro với cáo buộc khuyến khích các cuộc biểu tình bạo loạn phản đối chính phủ. Đồng thời Tòa án tối cao Brazil đã ra lệnh bắt giữ cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp dưới thời cựu Tổng thống Bolsonaro, ông Anderson Torres, vì đã cho phép các cuộc biểu tình diễn ra ở thủ đô sau khi ông này đảm nhận trách nhiệm về an ninh công cộng của Brasilia. Cáo buộc còn cho rằng ông này “phá hoại một cách có hệ thống”.

Cũng như cựu Tổng thống Bolsonaro, ông Torres hiện đang ở Florida, Mỹ.

Những ngày qua, truyền thông Brazil liên tục đưa tin về việc bắt giữ những quan chức "chịu trách nhiệm về những hành động sai phạm" dẫn đến vụ bạo loạn. Trong ngày 15/1, Tòa án tối cao Brazil cũng đã quyết định đình chỉ Thống đốc Ibaneis Rocha của thủ đô Brasilia trong 90 ngày do “thiếu sót về an ninh tại thủ đô”, dẫn đến bạo loạn.

Sau một tuần, đã có hơn 1.500 người trực tiếp tham gia bạo loạn bị bắt. Trong số đó gần 600 người đã chính thức bị buộc tội. Đường phố Thủ đô Brasilia đã yên tĩnh trở lại nhưng an ninh tiếp tục thắt chặt với sự hiện diện của cảnh sát vũ trang, kể cả các chốt do quân đội kiểm soát. Nhiều ngày qua, trên đường phố vẫn có hàng nghìn người dân xuống đường yêu cầu trừng phạt những người gây ra bạo loạn hôm 8/1.

Cựu Tổng thống Bolsonaro, người đang nhận cáo buộc phải chịu trách nhiệm về vụ bạo loạn sau khi dời đất nước đã phải nhập viện ở Florida (Mỹ). Trong một cuộc phỏng vấn mới nhất với CNN, ông Bolsonaro cho biết ông đã lên kế hoạch ở lại Mỹ cho đến cuối tháng 1, nhưng hiện có kế hoạch quay lại Brazil sớm hơn để gặp bác sĩ. Ông cũng khẳng định “không ngại” khi phải đối mặt với những cuộc điều tra trước Tòa án tối cao.

Trong một diễn biến khác, ngày 15/1, Tổng thống Lula cho biết cuộc bạo loạn “chưa từng có” vẫn không ngăn chặn được việc chính phủ thực hiện một loạt thay đổi chính sách nhằm đem đến sự thịnh vượng cho đất nước. Trong đó, có việc đảo ngược quyết định cho phép người dân được tiếp cận dễ dàng các loại vũ khí mà chính quyền tiền nhiệm của ông Bolsonaro áp dụng; ngăn chặn tiến trình tư nhân hóa và khôi phục các biện pháp đối phó với nạn tàn phá rừng Amazon.

Thông qua sắc lệnh hành pháp, Tổng thống Lula đã đình chỉ trong thời gian 60 ngày việc cấp giấy phép sử dụng vũ khí cho các thợ săn, những tay súng nghiệp dư và những người sưu tập vũ khí. Cơ quan hành pháp Brazil cho biết, hiện có khoảng hơn 1 triệu vũ khí cá nhân lưu hành trong cả nước, gấp 2 lần so với số liệu ghi nhận vào năm 2019.

Ông Lula cũng đã ký quyết định chương trình trợ cấp xã hội dành cho các hộ nghèo, đồng thời điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu từ 1.212 reais lên 1.320 reais (tương đương với 249 USD).

Dư luận thế giới lên án cuộc bạo loạn chống chính phủ tại Brazil, tuy nhiên giới quan sát cũng cho rằng chính phủ của ông Lula da Silva vẫn sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức.

Brazil là quốc gia lớn nhất Nam Mỹ, lớn thứ 5 trên thế giới về diện tích (8,5 triệu km2) lẫn dân số với hơn 214 triệu người. Nước này tiếp giáp với 11 quốc gia và vùng lãnh thổ Nam Mỹ. Phía đông Brazil là một đường bờ biển dài 7.491 km tiếp giáp với Đại Tây Dương. Brazil là quốc gia có độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Dù vậy, Brazil hiện vẫn tới hơn 22 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, tính theo Hệ số Gini (hệ số được thế giới thừa nhận dùng để xác định độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một quốc gia). Trong nhiệm kỳ Tổng thống trước (2006-2011), ông Lula da Silva đã đề xuất một chương trình loại trừ nạn đói (Fome Zero) và tăng ngân sách dành cho các chương trình phân phối công bằng. Nay, khi trở lại nắm quyền, ông Lula cam kết sẽ tái khởi động và thúc đẩy chương trình đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Brazil một tuần sau bạo loạn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO