Brexit khó khăn và những nỗ lực cuối cùng

Phan Quang Vũ 30/11/2020 08:03

Ngày 28/11, nước Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã tái khởi động đàm phán trực tiếp về thỏa thuận thương mại trong những nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm sự đồng thuận khi mà chỉ còn 5 tuần trước khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc.

Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier đã đến London để tiến hành đàm phán. Ông Barnier bày tỏ rằng “rất vui mừng” được quay lại thành phố này và cho biết sẽ tiếp tục làm việc với “sự kiên nhẫn và quyết tâm”.

Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier đến London đàm phán thỏa thuận thương mại với Anh.

Trong lần gặp được giới quan sát cho là “gay go” để phân chia quyền lợi trước khi cuộc “li hôn Anh - EU” hoàn tất, ông Barnier và Trưởng đoàn đàm phán Anh David Frost sẽ phải thảo luận để mọi chuyện có thể làm hai bên cùng chấp nhận được trước khi giai đoạn chuyển tiếp của Anh với EU kết thúc vào ngày 31/12, ngày cuối cùng của năm 2020 đầy sóng gió.

Một thỏa thuận khó khăn

Hai bên mang đến bàn hội nghị những vấn đề từng gây mâu thuẫn, tập trung vào 3 vấn đề chính là đánh bắt cá trên biển, viện trợ nhà nước và cách giải quyết các tranh chấp trong tương lai. Kể từ khi Anh chính thức ra khỏi EU (ngày 31/1/2020) thì những mâu thuẫn cũng đã nổi lên. Đại dịch Covid-19 hoành hành, các cuộc đàm phán tay đôi buộc phải trì hoãn và vì thế các thỏa thuận thương mại đã không đạt được, gây ùn tắc hàng hóa, khiến các thị trường tài chính biến động và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng khắp châu Âu.

Trong một nỗ lực lớn đảm bảo thành công cuộc đàm phán lần này, tối 27/11, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc gặp Thủ tướng Ireland Micheal Martin. Ông Johnson khẳng định quyết tâm đạt một thỏa thuận mà “EU cần tôn trọng chủ quyền của nước Anh”.

Cùng lúc, trên tờ Telegraph (Anh) dẫn một nguồn tin cho rằng EU sẽ nhượng bộ về quyền đánh bắt cá trong đàm phán Brexit, đồng thời kêu gọi EU thay đổi cách tiếp cận về vấn đề Brexit đối với nước Anh “vì đó là quyền lợi chung của cả hai bên”. Một vị chuyên gia được Telegraph dẫn lời cho rằng nếu EU thay đổi cách tiếp cận thì cánh cửa về đám phán thương mại hậu Brexit sẽ hé mở.

Trước đó, ông Michel Gove - Chánh văn phòng Nội các Anh nói rằng cánh cửa vẫn “hé mở” để tiếp tục các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit vì trước sau gì EU cũng sẽ thay đổi cách tiếp cận “cho phù hợp với thực tế”.

“Cuộc li hôn” Anh - EU không chỉ giới hạn ảnh hưởng đối với hai bên, mà còn rộng hơn nhiều, nó có tác động tới nền kinh tế toàn cầu, vì cả EU và Anh (khi tách ra) đều là những nền kinh tế lớn, công nghệ hiện đại, xuất khẩu lớn mà nhập khẩu cũng rất lớn. Vấn đề nổi lên gay gắt chính là thương mại. Hai bên đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này.

Cho tới trước khi cuộc đàm phán được cho là “cuối cùng” bắt đầu từ ngày 28/11, thì một cuộc gặp rất quan trọng đã kết thúc vào ngày 2/10. Đó là sau vòng đàm phán Anh - EU lần thứ 9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi EU sớm đạt được thỏa thuận chung hậu Brexit. Ông Johnson nói rằng Anh và EU có thể đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit hay không là tùy thuộc vào phía EU, và kêu gọi EU hãy dựa trên nhận thức chung để đưa ra cho phía Anh một thỏa thuận tương tự thỏa thuận mà EU đã từng đạt được với Canada.

Ông Johnson cũng không quên đặt câu hỏi “tại sao EU lại không thể đưa ra cho Anh một thỏa thuận như vậy, khi Anh rất gần với EU và là thành viên của khối này trong 45 năm”.

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của Anh ông David Frost cũng bày tỏ quan ngại Anh và EU “không đủ thời gian” để có thể đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào ngày cuối cùng trong năm 2020 này, nếu như lập trường của EU không thay đổi.

“Những tồn tại khác biệt giữa hai bên là những vấn đề căn bản đối với vị thế tương lai của nước Anh độc lập” - ông Frost nói và nhắc lại lập trường của Thủ tướng Boris Johnson rằng Anh sẽ không tiếp tục đàm phán nếu như thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa hai bên không đạt.

“Cả hai bên đều đã sắp hết thời gian”

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak lại cho rằng các cuộc đàm phán của nước này với EU về một thỏa thuận thương mại hậu Brexit là có tiến triển thực sự. Bộ trưởng Sunak, được coi là một trong những nhân vật có tiếng nói hàng đầu trong Nội các của Thủ tướng Boris Johnson, mong muốn có một thỏa thuận thương mại tự do với EU. Ông nói với tờ Sunday Times rằng ông hy vọng Anh và EU sẽ đạt được thỏa thuận.

Tuy vậy, ông Sunak cũng lại cho rằng điều đó không có nghĩa là nước Anh phải có được một thỏa thuận hậu Brexit với bất kỳ giá nào. “Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, đó là bởi vì EU đang từ chối thỏa hiệp về một số nguyên tắc hoàn toàn hợp lý và rất minh bạch mà London đã đặt ra ngay từ đầu” - theo ông Sunak.

Phía EU ít có những tuyên bố hơn, vì theo giới quan sát, “họ đang nắm đằng chuôi”. Trong một thông báo mới nhất mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra là EU và Anh vẫn bất đồng trong đàm phán về các quyền đánh bắt cá, việc đảm bảo cạnh tranh công bằng và cách thức nhằm giải quyết các tranh chấp trong tương lai, dù hai bên đã gần tiến tới thỏa thuận về những vấn đề khác.

Vị quan chức của EC cũng không quên nhắc rằng, nước Anh đã rời EU từ đầu năm 2020 nhưng vẫn sẽ phải tiếp tục tuân thủ các quy định của EU cho tới khi cuộc đàm phán về quan hệ thương mại ngã ngũ. Vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể đi đến một thỏa thuận thương mại, và nhất là nó phải được Nghị viện hai bên phê chuẩn.

Tuy nhiên, người Anh cũng không chịu rơi vào thế bị động. Bộ trưởng Môi trường Anh George Eustice nói trên Sky News rằng “chúng ta đã vượt qua được nhiều vấn đề khó khăn và nay chúng ta sẽ chạy đua với thời gian để có được một thỏa thuận thương mại đúng đắn”. Tương tự, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho rằng một thỏa thuận thương mại hậu Brexit “rất khó nhưng rất có khả năng đạt được” và rằng “cả hai bên đều đã sắp hết thời gian”.

Trước khi bước vào đợt thương thảo được cho là cuối cùng với EU, Anh đã chính thức ký với Nhật Bản Hiệp định Thương mại tự do song phương hậu Brexit, có hiệu lực vào đầu năm 2021. Hiệp định này giúp các doanh nghiệp Anh mở cửa vào châu Á-Thái Bình Dương và mở đường cho việc Anh gia nhập hiệp định thương mại tự do Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Anh ký kết với một nền kinh tế lớn sau khi nước này rời EU vào tháng 1/2020 trong bối cảnh London vẫn chưa hoàn thành các cuộc đàm phán thương mại với EU, Mỹ, Australia và New Zealand.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Brexit khó khăn và những nỗ lực cuối cùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO