Brexit không thỏa thuận: Được và mất!

Hà Anh 12/12/2020 15:02

Khi Anh và EU vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào, nhiều người đã đặt câu hỏi: Ai sẽ mất nhiều hơn nếu Brexit không có thỏa thuận? Trong khi một số chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế của Anh sẽ có sự gián đoạn đáng kể thì đã có những ý kiến cho rằng, Vương quốc Anh sẽ gặt hái được những lợi ích lớn nếu không có thỏa thuận nào được ký kết.

Ảnh minh họa: AP.

Quan điểm từ các chuyên gia

Mặc dù vào ngày 7/12, trưởng đoàn đàm phán của EU, Michel Barnier, đã nói với Nghị viện châu Âu rằng ngày 9/12 là thời hạn cuối cùng để đạt được một thỏa thuận với Anh, nhưng một thỏa thuận giữa EU và Vương quốc Anh vẫn chưa xuất hiện.

Sau cuộc đàm phán căng thẳng hôm 10/12 giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Thủ tướng Anh Boris Johnson, một thời hạn mới đã được đặt ra vào ngày 13/12, hoặc ký kết, hoặc không có thỏa thuận nào.

The Guardian trích lời các nhà đàm phán đánh giá, "khoảng cách rất lớn" vẫn còn giữa Vương quốc Anh và EU bất chấp 9 tháng đàm phán “gập ghềnh”. Các bên vẫn chưa tìm được điểm chung về 3 vấn đề cấp bách là sân chơi bình đẳng (LPF), quyền đánh bắt cá cá và cơ chế quản trị. Một Brexit không có thỏa thuận đang xuất hiện khi thời gian không còn nhiều.

Tiến sĩ Theofanis Exadaktylos, một giảng viên cao cấp về chính trị châu Âu tại Đại học Surrey cho rằng: “Việc Anh đạt được một thỏa thuận với EU là vô cùng quan trọng để có được quá trình chuyển đổi suôn sẻ sang mối quan hệ mới giữa Anh và EU thời hậu Brexit”. "Một thỏa thuận được ký sẽ đảm bảo sự thông suốt của dòng chảy hàng hóa ra vào Vương quốc Anh”.

Học giả lưu ý, khả năng xảy ra trường hợp xấu nhất đã khiến việc vận chuyển chuyển hướng qua các kênh Pháp, Đức và Hà Lan. Đồng thời, nhiều công ty sẽ chuyển hoạt động sang các trung tâm châu Âu thay vì Anh. Tiến sĩ Theofanis Exadaktylos cũng cho rằng, kết cục không có thỏa thuận có thể ảnh hưởng đến nông dân Anh, những người sẽ không còn nhận được trợ cấp từ ngân sách của EU, cũng như các ngành thủy sản, du lịch, chuỗi hậu cần, sản xuất và trao đổi kinh doanh.

Tiến sĩ Theofanis Exadaktylos cho biết, việc không có thỏa thuận chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến những công ty phải chịu thêm thuế nhập khẩu và sự chậm trễ ở biên giới.

Giáo sư chính trị tại Đại học Lancaster Mark Garnett cũng cho rằng, Vương quốc Anh sẽ trở nên tồi tệ hơn dưới bất kỳ thỏa thuận kinh tế hậu Brexit nào với EU. Ông không tin quan điểm của phe Leavers khi cho rằng nước Anh sẽ nhanh chóng phục hồi và sẽ có nền kinh tế mạnh hơn.

"Trong mắt họ, "No Deal" thực sự có thể tốt hơn cho Vương quốc Anh bởi vì nó sẽ tối đa hóa khả năng của đất nước trong việc đưa ra các quyết định kinh tế của riêng mình. Lập luận này nhận được ít sự ủng hộ của các nhà kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Thậm chí, nó dường như còn kém thuyết phục hơn nhiều khi nền kinh tế đã bị ảnh hưởng từ cú sốc của đại dịch Covid-19", Giáo sư Garnett nói.

Người dân Anh chào đón cuộc "ly hôn" giữa Anh và EU.

Không có thỏa thuận - Không còn ràng buộc

Trước các tiên lượng xấu như vậy nhưng có vẻ như chính phủ Anh không hề sợ hãi trước viễn cảnh không có thỏa thuận.

Váo tháng 10 năm nay, Thủ tướng Boris Johnson đã nói rõ rằng, ông không muốn đạt được thỏa thuận với những điều kiện tồi tệ, và khẳng định, Vương quốc Anh "có thể thịnh vượng mạnh mẽ trong hoàn cảnh đó".

Phát biểu trước các đảng viên trong đảng của mình một năm trước, ông Johnson cũng lưu ý, “ông muốn tránh, nhưng đã chuẩn bị phương án cho việc rút lui mà không có thỏa thuận”.

Tiến sĩ Richard Wellings, Quyền Giám đốc nghiên cứu tại Viện Kinh tế Anh nhấn mạnh: "Mặc dù Brexit không có thỏa thuận sẽ gây ra gián đoạn ngắn hạn, đặc biệt đối với các nhà sản xuất có chuỗi cung ứng phức tạp, nhưng nó có thể mang lại lợi ích lớn trong dài hạn".

Tiến sĩ Richard Wellings khẳng định: "Brexit không thỏa thuận sẽ mang lại cho Vương quốc Anh cơ hội giải phóng mình khỏi gánh nặng quy định khổng lồ của EU, giảm chi phí cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Thương mại tự do hơn với phần còn lại của thế giới sẽ đồng nghĩa với việc hạ giá thành đối với người tiêu dùng, những người sẽ không còn bị ép mua hàng hóa từ các nhà sản xuất EU được định giá quá cao. Các nhà sản xuất Vương quốc Anh cũng sẽ tự do hơn khi tìm nguồn cung cấp linh kiện từ các nguồn rẻ hơn bên ngoài EU ".

Bên cạnh đó, lĩnh vực chế biến nông sản và thực phẩm của EU cũng có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề, vì người tiêu dùng Anh sẽ chuyển sang các nhà cung cấp có chi phí thấp hơn ở các nước khác ngoài EU.

Theo Tiến sĩ Richard Wellings, ngành công nghiệp ô tô của EU cũng có thể bị ảnh hưởng vì người Anh sẽ mua được các sản phẩm có giá trị tốt hơn từ các nền kinh tế mới nổi. Với tất cả những điều trên, "người thua cuộc từ một “cuộc ly hôn” không thỏa thuận có thể chính là các nhà sản xuất EU hiện đang được che chắn khỏi sự cạnh tranh toàn cầu bởi thuế quan, hạn ngạch và quy định bảo hộ".

“Tuy nhiên, để tận dụng tất cả những lợi ích này, chính phủ Anh phải áp dụng các chính sách bãi bỏ quy định và tự do hóa thương mại”, Tiến sĩ Wellings nói.

Bỏ qua tất cả những điều trên, các nhà đàm phán của EU và Anh đang tiếp tục xem xét các điều khoản của một thỏa thuận thương mại tiềm năng hậu Brexit, vì cả hai bên dường như không sẵn sàng từ bỏ các cuộc đàm phán trước.

Theo ông James Forsyth của The Spectator, cả ông Boris Johnson và các đối tác châu Âu đều không muốn trở thành mục tiêu của “trò chơi đổ lỗi”, cái chắc chắn sẽ bắt đầu nếu các cuộc đàm phán sụp đổ.

Đồng thời, đối với Thủ tướng Anh ở thời điểm này, ông chỉ “muốn” có một thỏa thuận chứ không còn “cần” một thỏa thuận nữa. Bởi không giống như hồi tháng 10/2019, khi Chính phủ của ông chỉ chiếm thiểu số ghế ở Quốc hội, lần này, ông Johnson đã có đa số 80 ghế và các nghị sĩ đảm bảo đứng sau chiến lược đàm phán của ông.

"Về mặt Quốc hội, ông ấy không cần một thỏa thuận như cách ông ấy đã làm vào năm ngoái", ông Forsyth nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Brexit không thỏa thuận: Được và mất!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO